Tập trung hỗ trợ cho lao động tự do, lao động ngừng việc vì dịch COVID-19

(PLVN) - Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, bắt đầu từ hôm nay - 9/5, 45/63 tỉnh, thành sẽ tập trung hỗ trợ nhóm lao động tự do, lao động dừng hợp đồng. Theo ước tính kinh phí hỗ trợ khoảng 7.630 tỷ. 
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp (DN) ngày 9/5, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong bối cảnh diễn biễn phức tạp và ảnh hưởng lớn do đại dịch COVID-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 15/2020/QĐ-TTg nhằm hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, dự kiến hỗ trợ cho hơn 20 triệu lượt đối tượng với 62 nghìn tỷ đồng. 

Trong 7 nhóm hỗ trợ đã nhấn mạnh các nhóm: Lao động bị tạm hoãn hợp đồng; Lao động nghỉ không hưởng lương; Lao động bị chấm dứt hợp đồng; Lao động không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp; Lao động tự do. Đồng thời hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể bị ngừng kinh doanh theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ và tạm dừng đóng vào quỹ bảo hiểm hưu trí tử tuất cho DN gặp khó khăn.

Theo Bộ trưởng Dung, đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã triển khai Quyết định 15, hỗ trợ trên 20.000 tỷ đồng cho 4 nhóm đối tượng.

Ngoài ra, hiện 45/63 tỉnh đã rà soát xong và bắt đầu từ hôm nay - 9/5 sẽ tập trung hỗ trợ nhóm lao động tự do, lao động dừng hợp đồng, theo ước tính kinh phí hỗ trợ khoảng 7.630 tỷ. 47 tỉnh, thành phố đã tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí tử tuất cho 900 doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khẳng định, với chủ trương quyết sách của Chính phủ và nỗ lực vượt qua thách thức, đón thời cơ phục hồi kinh tế, hoạt động kinh doanh sản xuất, dịch vụ phục hồi thì số người mất việc hàng tháng sẽ quay về mức trung bình và về dài hạn, 70.000 - 80.000 lao động ở các khu vực sẽ từng bước quay lại thị trường lao động.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các địa phương, các DN triển khai đúng, có hiệu quả Nghị quyết 42 và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ. Đối với các DN, cần ưu tiên hàng đầu là tập trung tái cấu trúc lại nguồn nhân lực, đi đôi với đổi mới công nghệ và chuỗi giá trị.

Cũng theo Bộ trưởng, Bộ sẽ đề xuất và tham mưu với Chính phủ dành khoảng 3.000 đến 5.000 tỷ đồng từ kết dư bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại lực lượng lao động. Dự kiến, sẽ có khoảng 1 triệu lao động được đào tạo lại. Về phương thức thực hiện, sẽ tập trung đào tạo và đào tạo lại tại DN gắn với trường nghề, gắn với các hoạt động trực tiếp của DN, đồng thời DN sẽ trực tiếp cấp chứng nhận.

Đọc thêm