Tết, lại lo chuyện... mừng tuổi

(PLO) -Xin chưa nói đến câu chuyện biến tướng của lì xì khi người ta coi đó là cái cớ để biếu xén, nhờ vả, hối lộ…mà chỉ cần nói câu chuyện lì xì trong mỗi gia đình thôi cũng đủ để đau đầu không ít nàng dâu, chàng rể mỗi độ Tết đến, Xuân về.
Tết, lại lo chuyện... mừng tuổi

Muôn kiểu lì xì

Như mọi năm, sáng mồng Một Tết, sau khi làm mâm cơm thắp hương ở nhà, chị Nga cùng chồng và các con sẽ về Tết gia đình bên nội. Đã thành lệ, sau lời chúc mừng là màn lì xì cho bố mẹ chồng, các em chồng và các cháu.

Năm nay, cơ quan làm ăn khó khăn, thưởng tết của chị giảm gần một nửa nên vì thế tất cả các khoản chi Tết chị cũng phải tiết kiệm, cắt giảm. Tiền mừng tuổi cũng vậy. Năm ngoái, chị mừng tuổi bố mẹ chồng mỗi người 500 ngàn, năm nay chị rút xuống chỉ còn 300 ngàn. Các cháu đông nên từ 100 ngàn, chị rút xuống còn 50 ngàn.

Biết làm thế sẽ có sự so sánh nhưng chị Nga không còn cách nào khác. Lúc rút tiền ra mừng tuổi, ông bà thì không biểu lộ thái độ gì nhưng với bọn trẻ, chúng đưa mắt nhìn nhau khi “bác trưởng” hoành tráng nhất nhà lại chỉ mừng 50 ngàn, bằng nửa mọi năm lại còn kém hơn cả chú hai. Chồng chị thấy vậy, kéo tuột chị vào nhà, thể hiện rõ không bằng lòng “Sao mẹ mày làm thế. Không hơn được năm ngoái cũng phải bằng chứ”.

Mùng một Tết, giải thích loằng ngoằng không tiện, chị chỉ nói với chồng “anh có tiền thì mừng thêm đi. Cả hai vợ chồng mừng có sao”. Nói thế nhưng khổ nỗi chồng chị Nga cũng không phải người kiếm ra tiền, đồng lương anh công nhân kỹ thuật, tháng nào cũng thiếu trước hụt sau. Tết đến chỉ việc biếu bố mẹ vợ đôi đồng cũng chị lo thì lấy đâu ra mà mừng tuổi hoành tráng.

Khác với gia đình chị Nga, nhà anh Lâm Vinh ở Nam Từ Liêm khá giả hơn nên cũng không phải lo cân đong đến từng đồng mừng tuổi. Anh Vinh là Phó Phòng một Tổng công ty nhà nước, vợ anh là giáo viên tiểu học. Kinh tế ổn định nên Tết đến anh chị khá thảnh thơi, không áp lực chuyện tiền bạc.

Thế nhưng chỉ khổ nỗi tính anh Vinh lại chẳng giống ai. Ngoài đường anh là người hào hoa, tiêu tiền không phải nghĩ nhưng về nhà, nhất là với gia đình vợ thì anh lại bo bo đến mức không thể chịu nổi. Năm nào cũng vậy cứ gần Tết anh lại giao nhiệm vụ cho chị Thi (vợ anh) đi đổi tiền lẻ. Toàn tiền mệnh giá 10, 20 ngàn.

Ban đầu chị Thi tưởng anh đổi tiền đi lễ, hóa ra để về mừng tuổi ...gia đình vợ. Có đứa cháu con chị gái rất thân thiết với gia đình chị Thi, có đợt anh Vinh tai nạn nằm viện, nó ra chăm cả tháng trời. Ngày Tết, cả năm mới gặp mặt, anh Vinh gọi nó ra giữa mọi người mừng tuổi 20 ngàn làm chị Thi phát muối mặt.

Chưa kể, năm ngoái mẹ chị mừng thọ 80, anh Thi mừng thọ mẹ vợ 100 ngàn, lại còn bày vẽ cho phong bì, đến lúc chị buột miệng hỏi mẹ mới tá hỏa ông con rể chỉ mừng bà có vậy. Thế nhưng ngược lại với bạn bè, thậm chí chỉ là một em phục vụ nhà hàng, anh Thi có thể rút ví lì xì  tiền triệu chẳng vấn đề. Thế nên bạn bè chị luôn tỏ ra ghen tỵ với chị Thi, vừa lấy được người chồng kiếm ra tiền, lại xông xênh. Ai hiểu nổi mỗi Tết đến là một lần chị thêm bức bối vì cái thói hà tiện của anh.

Có lẽ mừng tuổi sẽ là câu chuyện... bất tận vì chẳng ai giống ai. Không nhiều tiền, cũng chẳng “hạ cấp” năm ít năm nhiều, vợ chồng chị Thư (ở Vũ Thư, Thái Bình) lại được lòng cả thân phụ đôi bên.

Đơn giản là vì năm nào cận ngày Tết, dù bận rộn đến mấy hai vợ chồng chị cũng sắm một lễ nhỏ về nội, về ngoại để trên ban thờ báo cáo tổ tiên. Có khi chỉ về rồi đi ngay nhưng cả hai bên cha mẹ chị rất hài lòng vì ông bà quý là tấm lòng của anh chị chứ không phải lễ lớn hay lễ nhỏ. 

“Cách cho hơn của đem cho”

Không chỉ là “chuyện của hai người”, nhiều người việc mừng tuổi còn trở thành áp lực khủng khiếp khi có sự “gợi ý” hay chỉ đạo của người thứ ba. Chị Thúy Vy, ở quận Ba Đình, Hà Nội nhớ lại cái Tết đầu tiên ở nhà chồng tại một tỉnh miền Trung. Cả năm hai anh chị mới về quê đôi lần nên Tết đến mẹ chồng chị đưa chị đi một vòng quanh họ mạc. Đi đến đâu mẹ chị cũng chỉ đạo “chỗ này mừng từng này, chỗ kia mừng từng kia”.

Khổ nỗi là nơi nào mẹ chị cũng chỉ đạo mừng cho bà đỡ mất mặt vì dù sao chị cũng là dâu thủ đô về phải khác. Còn chị Lan Anh ở Long Biên thì lại không quên được vụ chị mừng tuổi bố chồng 100 ngàn, bị ông trả lại vì “vợ chồng mày còn khó khăn”...Tóm lại là xoay quanh câu chuyện mừng tuổi khối tình huống cười ra nước mắt.

Ngày Tết với nhiều người, chuyện biếu tiền ông bà, cha mẹ, người thân...là câu chuyện không hề đơn giản, bởi mỗi người mỗi hoàn cảnh. Ngay như các cán bộ, công chức nhà nước là những người được coi là có thu nhập khá ổn định, “đóng khung” trong một mức nhất định thì việc tiêu gì, như thế nào, biếu ai cũng vẫn là câu chuyện dài phải tính toán.

Tiền mừng tuổi, dù nó chỉ là một khoản trong “danh mục” phải chi nhưng cũng phải đảm bảo cân bằng với các khoản chi khác, vì thế với nhiều nàng dâu, chàng rể chuyện mừng tuổi bao nhiêu cũng trở nên “đại sự”.

Vẫn biết, mừng tuổi là nét đẹp văn hóa ngày tết, một chút gọi là lấy lộc lấy may cho khởi đầu một năm mới nhưng sao có nhiều vẫn quá quan trọng chuyện mừng bao nhiêu. Bởi, họ quan niệm tiền mừng tuổi càng lớn càng khẳng định “đẳng cấp, vị thế” không những ngoài xã hội mà trong cả chính gia đình mình.

Điều mà theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh Tâm là “quan niệm sai lầm”. “Bố mẹ, anh chị em trong gia đình không phải vì tiền mừng nhiều mà họ yêu quý mình thêm một chút, mà vấn đề là cả năm, cả đời mình sống với họ ra sao. Do vậy, chúng ta đừng nên nặng nề về câu chuyện mừng tuổi, bởi điều đó sẽ ảnh hưởng đến ngay cả con em, người thân của chúng ta vì họ sẽ nhìn vào đó để so bì hơn kém” - chuyên gia này nói.

Đọc thêm