Tết này con lại vắng nhà

(PLVN) - Đến làng Liệp Mai (Ngọc Liệp, Quốc Oai, Hà Nội) những ngày đầu năm, chúng tôi được tận mắt thấy những đổi thay của làng ven đô. Theo người dân Liệp Mai, khoảng chục năm trước, làng quê tiêu điều, quạnh hiu lắm. Bà con quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng kinh tế cũng chỉ tạm đủ no. Và làn sóng xuất khẩu lao động (XKLĐ) tràn về vùng quê nghèo, làm thay đổi cả một làng quê.Thay da đổi thịt đấy, nhưng Tết về vẫn ăm ắp nỗi buồn…
Bà Thỏa không thể an tâm ăn Tết vì người con mới đi nơi xứ người
Bà Thỏa không thể an tâm ăn Tết vì người con mới đi nơi xứ người

Dẫn chúng tôi vào sâu trong làng, ông Kiều Văn Thể (trưởng thôn Liệp Mai) giới thiệu cho tôi về những đổi thay của làng. Chỉ tay về phía ngôi nhà ba tầng đang hoàn thiện dở, ông Thể cho biết: “Đấy là nhà anh Lai, cả hai vợ chồng đều lao động bên Nhật. Tháng 8 vừa rồi, chị vợ về rồi bắt đầu thuê thợ xây căn nhà đó”.

Cách nhà anh Lai không xa, cũng có mấy ngôi nhà cao vài ba tầng, nhà biệt thự, nhà vườn sơn lộng lẫy không khác gì nhà trên thành phố. Theo lời ông trưởng thôn, các nhà cao tầng, biệt thự đó đều được các hộ dân xây dựng nhờ đi xuất khẩu lao động nước ngoài.

 “Hiện trên toàn thôn có hơn 70 người đi XKLĐ, chủ yếu là đi các nước Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Nga… Những người đi XKLĐ này đã góp phần lớn trong việc phát triển kinh tế gia đình, thay đổi bộ mặt quê hương”, ông Thể cho biết thêm.

 “Xuân này con không về”

Ở Liệp Mai, cứ mỗi năm Tết đến, vài nhà lại bịn rịn chia tay con đi XKLĐ, vài nhà hồ hởi đón người thân sau vài năm xa xứ trở về. Ngày 23 tháng Chạp, nhà ông Hải đã làm cỗ thịnh soạn không phải  để cúng ông Công, ông Táo, mà là bữa cơm tiễn đứa con gái duy nhất sang trời Tây. Con gái ông đăng ký đi XKLĐ, sau nhiều cuộc chạy vạy của hai ông bà để có tiền cho con đi Nhật Bản. Những ngày cuối năm, không khí Tết lại trầm buồn vì phải xa con.

Ngồi rít thuốc lào, ông Hải chia sẻ: “Tết đầu tiên vắng con, nhà cửa trống trải lắm. Có mỗi hai vợ chồng ở nhà nên nhà tôi cũng không sắm sửa Tết nhiều, chỉ đặt đôi bánh chưng, mua cành đào về cắm lên bàn thờ gia tiên cho có hương vị Tết”.  

Không còn cảnh tất bật như mọi năm, bà Thỏa – vợ ông Hải mấy ngày nay chỉ quanh quẩn ở nhà. Vốn là người phụ nữ hay âu lo, đôi mắt bà có thêm vài vết chân chim, bà canh cánh trong lòng: “Đài báo nói về những vụ lao động sang nước ngoài bị chủ bắt nạt, môi trường làm việc khắc nghiệt, công nhân bị bóc lột, làm việc đến kiệt sức, bà chỉ mong con gái làm việc suôn sẻ để về nước đúng hạn”.

Những ngày đầu xa con gái, hai ông bà đều ngồi lặng trước hiên nhà xa xăm nhớ con mà lòng bộn bề trăm mối suy nghĩ, lo âu. Tết đến xuân về, bỏ lại 1 năm chạy đua cơm áo gạo tiền mệt nhoài. Mọi người được sum họp bên gia đình, quây quần chúc nhau năm mới, gác lại những âu lo để đón xuân sang. Tưởng chừng những điều đó vô cùng đơn giản, nhưng với những gia đình có con đi XKLĐ, đó là một khao khát, mong mỏi khó có thể thực hiện.

Bà Nguyễn Thị Tạo nay đã ngoài 60 tuổi. Trong ngôi nhà 2 tầng khang trang, bà đón Tết cùng cháu nội 4 tuổi. Gia đình bà là một trong những nhà có nhiều người đi XKLĐ nhất làng Liệp Mai. Năm 2014, 2015 lần lượt hai cậu con trai của bà đều sang Nhật Bản làm công nhân cho xưởng cơ khí. Anh Minh (con lớn của bà Tạo) cưới vợ, sinh con ở Nhật Bản, nhưng cuộc sống nuôi con bên đó quá vất vả nên được 1 tuổi, anh Minh gửi con về nhờ bà nội chăm giúp.

Đã 3 mùa xuân bà cháu ăn Tết với nhau, vắng bóng bố mẹ, Khang coi bà như mẹ của mình. Hai bà cháu quấn quýt trong căn nhà lớn, tuy được “nở mày, nở mặt” với xóm làng nhưng lòng bà lại trống trải khôn nguôi, bà Tạo chia sẻ: “Tết đến nhà người ta con cháu quây quần đông đủ, nhà tôi đây có mỗi hai bà cháu đâm ra buồn lắm. Cứ ngày bình thường thì không sao nhưng càng ngày Tết càng tủi”. 

Miền quê mang diện mạo của phố
Miền quê mang diện mạo của phố

Đáng ra dịp Tết này các con bà sẽ về quê ăn Tết nhưng chuyện không may ập đến với người con dâu lớn: “Mẹ cu Khang bị ngã gãy chân nên đành ở lại bên đó chữa trị, cả nhà lại hoãn chuyến về quê. Biết tin bố mẹ không về, cu cậu ủ rũ cả mấy ngày nay, tôi dỗ làm sao cũng chẳng thèm cười”, bà Tạo trầm ngâm.

Với bé Khang, Tết chẳng thiếu thứ gì từ quần áo mới tới đồ chơi xịn nhưng dường như với cậu bé Tết vẫn chưa trọn vẹn khi thiếu vắng bố mẹ. Hai bà cháu lủi thủi trong căn nhà to, đẹp đầy đủ tiện nghi, chỉ thiếu một bữa cơm đầm ấm đầy đủ mọi người. “Con chỉ ước được ăn Tết cùng bố mẹ thôi. Các bạn Tết đều được bố mẹ dẫn đi chúc Tết, còn con chỉ được mỗi bà dẫn đi”, bé Khang nói bằng giọng buồn rầu.

Vui vì Tết vẫn đủ đầy

Tết này nhà ông Tạ Văn Tấn (Ngọc Liệp, Quốc Oai, Hà Nội) có phần vui hơn khi có chiếc ti vi mới. Nó được mua bằng số tiền chị Mai - con gái ông gửi về sau gần một năm sang Đài Loan làm ăn: “Sang đó tuy vất vả nhưng cũng kiếm được chút vốn kha khá, hơn làm ở quê rất nhiều. Nhờ có con gái qua đó làm việc mà vợ chồng tôi cũng đỡ vất vả”, ông Tấn nói.

Con cái đi làm ăn xa khiến niềm vui ngày Tết của nhiều gia đình không được trọn vẹn. Tuy vậy, đa phần những hộ có con cái đi XKLĐ  đều thấu hiểu và chia sẻ cùng nhau: “Những dịp Tết đến xuân về vắng con cũng buồn lắm, nhớ con da diết.

Nhưng người lớn ở nhà cũng phải nghĩ tích cực lên, con đi làm ăn vài năm, sau có vốn mang về vừa lo được cho bản thân nó mà mình cũng bớt gánh nặng. Con bên đó thấy bố mẹ lo nghĩ nhiều cũng không yên tâm để làm ăn” ông Tấn cho biết thêm.

Mấy năm nay, công nghệ thông tin phát triển nên khoảng cách giữa những người đi XKLĐ và gia đình họ cũng được thu hẹp. Nhờ có mạng internet và điện thoại thông minh mà không khí Tết Việt được lan tỏa đi xa hơn.

Đến thăm nhà ông Kiều Doãn Luận khi cả gia đình đang trò chuyện qua mạng xã hội với gia đình con trai đang ở Nhật Bản. Cả đại gia đình ông Luận cùng “alo”, quây quần bên chiếc ipad. Họ kể cho nhau nghe về cái Tết ở nhà, cái Tết ở Nhật.

Ông Luận chia sẻ: “Từ ngày có chiếc ipad, bố con gọi nhau thường xuyên hơn, cứ rảnh lại gọi để nhìn mặt con dăm ba phút. Dịp Tết các con cũng được nghỉ nên cả nhà thường xuyên “ôm ipad” nói chuyện. Có cái này tôi nhìn được con nói, con cười, biết con khỏe hay ốm.

Các con bên đó cũng nhìn thấy bố mẹ, anh em, thấy không khí Tết quê hương”. Nhiều lúc nhìn con qua ipad cũng nhòe nước mắt vì nhớ, nhưng trong lòng ông cũng an tâm vì thấy con cái đều khá giả tại nơi xứ người.

Không chỉ gia đình ông Luận mà hầu hết các gia đình có người thân đi XKLĐ đều đón năm mới theo cách như thế. Nhà nào nhà nấy đều quây quần bên đĩa bánh mứt và chiếc điện thoại để nói chuyện với người thân ở nước ngoài. 

Cứ mỗi mùa xuân đến, người dân trong làng lại đón Tết với nhiều nỗi niềm khác nhau. Có vài gia đình vui vầy bên mâm cơm đoàn tụ, cũng có vài người “bịn rịn” chia xa người thân đi xứ ôm một giấc mộng đổi đời…

Đọc thêm