Tết về, nhớ chiếc áo mới mẹ may

(PLO) - Vậy là một cái Tết nữa lại đến. Cứ mỗi lần đến Tết, tôi lại nhớ đến chiếc áo mà Mẹ đã may cho tôi mỗi khi Xuân về. Cái hương vị của ngày Tết, của cái áo mới mẹ may, dù đã hơn 30 năm rồi mà cứ như là mới hôm qua. 
Tết về, nhớ chiếc áo mới mẹ may
Tôi thuộc thế hệ được sinh ra và lớn lên ở giai đoạn “đêm trước đổi mới”. Cả nước thời kỳ đó đều khổ sở, chật vật với cái ăn, chứ nói gì đến cái mặc. Quê tôi là vùng đất cuối cùng của tổ quốc, đồng chua nước lợ quanh năm, mùa màng thất bát nên với người nông dân thời ấy, lo cái ăn tươm tất cho ba ngày Tết cũng vất vả lắm rồi. Ấy vậy mà, Tết nào, anh em tôi cũng được mẹ cho một chiếc áo mới. 
Tôi còn nhớ, cứ vào khoảng ngày đưa ông Táo (23 tháng Chạp), mẹ lại dẫn anh em tôi đến một chị thợ may trong xóm đo cắt cho mỗi đứa một chiếc áo mới để ăn Tết. Chị thợ may vừa đo, chúng tôi đã tưởng tượng ra chiếc áo đẹp nhất mà mình sẽ mặc vào ngày Tết để khoe với mấy đứa bạn cùng trang lứa. 
Anh em chúng tôi lớn lên, trưởng thành trong sự thương yêu, tảo tần của Mẹ, sự vất vả của Ba. Dù khó khăn đến mấy, vất vả đến mấy nhưng Ba Mẹ tôi nhất quyết không để anh em tôi nghỉ học, phải thoát nghèo bằng con chữ. 
Có những lúc, ba mẹ tôi phải cắn răng chịu đựng những lời đàm tiếu của dư luận là ‘nghèo mà làm phách, cho con đi học. Không chịu cho tụi nhỏ nghỉ để đi làm kiếm tiền. Học cái chữ, chắc gì kiếm được tiền”. 
Ở quê tôi thời ấy, người dân không coi trọng việc học. Những đứa bạn cùng trang lứa tôi, mới 14-15 tuổi đã nghỉ học, đi làm, phụ giúp gia đình, chỉ có anh em tôi là được đi học. Nghe những lời ấy, ba mẹ tôi chỉ trả lời: “vợ chồng tui nghèo, không có gì để lại cho con cái, cho nó học biết chữ để sống cho tốt, chứ không phải để làm giàu”. 
Với sự quyết tâm của Ba Mẹ mà anh em tôi là người đầu tiên của xã tốt nghiệp phổ thông trung học, rồi lên Sài Gòn học đại học. Với gia đình tôi, đó là một câu chuyện cổ tích. Cả ba anh em tôi đều tốt nghiệp đại học, tôi theo nghề luật, anh tôi tốt nghiệp kinh tế, em út đang là giáo viên một trường cấp 3 của tỉnh Cà Mau. 
Ba, Mẹ tôi nay dù bước qua cái tuổi “Thất thập cổ lai hy”, nhưng còn rất khỏe mạnh. Có lẽ, đó là nhờ ơn Trời cho tôi còn được Ba, Mẹ; được thưa Ba, ôm Mẹ mỗi khi về thăm nhà.  
Bây giờ, khi kinh tế đất nước đã khấm khá, thiên hạ không còn nghĩ đến chuyện ăn no, mặc ấm mà đã chuyển sang ăn ngon, mặc đẹp. Mỗi khi Tết đến hàng hóa dồi dào, đầy ắp. Chỉ cần ra chợ, siêu thị, trong vòng mươi phút là có hàng tá chiếc áo, chiếc quần thời trang, hàng hiệu và đủ thứ thực phẩm ngon, đặc sản khắp các vùng miền. Nhưng sao tôi vẫn có cảm giác thấy thiêu thiếu cái gì đó. 
Tết bây giờ không còn vui như trước, không còn nhiều ý nghĩa như thời gian khó. Tôi thèm cái cảm giác được mặc chiếc áo mới của Mẹ mỗi khi Tết đến. Chính những chiếc áo của Mẹ đã chắp cánh cho tôi có được thành quả ngày hôm nay. Cám ơn Tết, cám ơn trời đất đã cho tôi có được Ba, Mẹ tuyệt vời!  

Đọc thêm