Tết xa

(PLVN) - Vài năm nay, cứ dịp cuối năm tôi lại giữa thói ra thăm mộ các cụ trong nhà. Cái không khí nghĩa trang cuối đông, nó lạnh toát sống lưng. Cũng có lác đác vài người ra thắp hương cho người đã khuất. Ai cũng sụt sùi ngậm ngùi nhìn lại một năm thật dài, cũng là một năm xa những người nằm xuống. Giữa hai thế giới ấy, chưa bao giờ có sự xa cách. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngày bé, tôi thường nghe cụ kể là: “một ngày dưới cõi âm bằng 1 năm trên trần”, vậy nên ngày cúng giỗ ai cũng cúng cơm, không may quên sẽ bị bỏ đói người thân của mình. Còn bà tôi cứ mỗi dịp gần Tết, bà lại ra lau dọn mồ mả tổ tiên, bà bảo sau này mấy đứa nhớ mà làm để các cụ có nhà sạch sẽ đón tết. Bà lại lẩm bẩm mời các cụ cửu huyền về ăn ngày Tết, cứ như họ vẫn đang thật gần với chúng ta vậy. 

Tôi nhớ thói quen cũ, ngày xuân đến cụ hay trồng ở cửa nhà khóm cúc vàng. Cụ bảo chúng tôi: “Nhà mình tứ đại, chỉ mong cái phúc đong đầy nên trồng cúc vàng”. Rồi những lần mừng thọ 80, 90 cụ vẫn vui vầy bên chúng tôi. Mỗi năm lại một khóm cúc vàng! Khi chưa qua đời, cụ chăm chút từng góc nhà cho chúng tôi. Ngày mùng 1, trong bộ áo dài thật đẹp chúng tôi lại xếp hàng từng đứa nhận phong bao lì xì. Ngoài việc cảm ơn, cụ dạy mấy anh em hứa trước năm mới. Chúng tôi, đứa hứa học giỏi, đứa hứa nhiều điểm giỏi, đứa hứa làm bác sĩ… Lời hứa đầu năm như một khởi đầu cho một năm với nhiều dự định, người lớn còn nhiều tâm tư với chuyện làm ăn, con trẻ thì háo hức với năm mới nhiều điều mới. Ai cũng có những nỗi niềm thật đẹp, dù có một năm mệt nhọc, nhưng Tết là một nốt trầm để lặng im nhớ về năm cũ chờ đợi năm mới.

Vẫn giữ thói quen sau ngày cụ tôi “khuất bóng”, chúng tôi mỗi năm gần Tết đều ra trồng một khóm cúc vạn thọ trước nhà cụ. Dù mùa xuân ấy, khi gia đình chúng tôi mãi mất đi một người làm điểm tựa tinh thần đầy lớn lao. Tôi vẫn nhớ năm đầu tiên vắng bóng, mấy đứa chúng tôi vẫn xếp hàng trước cửa hàng như một thói quen ngày Tết. Và giờ cả việc trồng cúc, chỉ mong ở một nơi khác, nhà của cụ nội cũng được đẹp đẽ mỗi khi xuân sang. Như chính những tình cảm lúc sinh thời, cụ dành cho từng người trong gia đình.

Xót lắm nỗi nhớ xa quê!

Có lẽ chúng tôi vẫn may mắn, khi mỗi năm Tết về đoàn tụ cùng gia đình rất gần, chỉ 2 tiếng chạy xe là tôi có thể về nhà. Còn dì tôi và các em, họ cách chúng tôi nửa vòng trái đất. Thời điểm 2010, khi cả quê tôi kéo nhau đi nước ngoài làm ăn, người Đài Loan, người Nhật Bản… những căn nhà cũng vắng bóng dần người trẻ. Họ đi ôm một giấc mơ lớn cho bản thân và gia đình. Vì thời ấy, quê nghèo quá! Ai cũng chỉ mong được đi để “đổi đời”. Dì tôi và các em là một trong những người của thời điểm ấy. 

Năm đó, dì sang Tiệp, chúng tôi ở nhà mường tượng ra khung cảnh phủ đầy tuyết, những đại lộ xa hoa người qua lại nơi dì ở. Và cũng đã từng ước mong được sang đó một lần trong đời. Nhưng, sau này lớn lên, khi tôi biết về cuộc sống, tôi biết nhớ nhà mỗi khi đi xa thì tôi cất tạm điều xa xôi vào lòng. Dì tôi là một người tình cảm, ngày nào cũng gọi về nhà. Tôi vẫn nhớ bức ảnh dì gửi một mình giữa trời tuyết trắng của vùng Bohemian nhưng dì đã khóc vì nhớ nhà. Mỗi lần gọi điện về nhà là vẹn nguyên nỗi da diết nhớ nhà giữa vùng băng tuyết trắng xóa, giá lạnh.

“Bên này lạnh lắm chỉ muốn về nhà thôi. Tết quây quần mà bên này rưng rưng nước mắt. Thèm cái miếng bánh chưng thôi mà nào có được ăn”. 

Nhẩm tính mình đã gần mười cái Tết tha hương. Chỉ mong những ngày trở về, lần nào gọi về dì đều khóc. Nhiều lần gọi điện thoại qua tính năng video call của facebook, chỉ đơn giản để một chỗ quay mọi người qua lại thôi nhưng dì cũng vẫn ngồi xem cả ngày. Đơn giản, chỉ thấy mọi người để đỡ nhớ. Thấy sự tất bật ấy để tự tạo cái không khí xuân trong lòng.

Tết xa xứ, đó là niềm vui, là đợi chờ và khắc khoải. Có lần dì nói với tôi, dì mong mãi một ngày trở về. Cuộc sống tha hương, một mình thân đàn bà nơi trời Tây nuôi mấy đứa con ăn học. Nỗi nhớ nhà lúc nào cũng da diết, thường trực, mãi đinh ninh một cuộc trở về, bỏ hết tất cả những lo toan ấy, để về thôi. Sau khoảnh khắc thiêng liêng của đêm giao thừa, cả gia đình sẽ lại quây quần bên chiếc điện thoại, chúc Tết nhau một vòng trái đất. Chưa kịp nói, dì tôi chỉ trực khóc, còn mọi người trong nhà thì quá quen với cảnh này suốt 10 năm qua. 

Xuân – hạ - thu – đông, bốn mùa thay đổi. Tạo hóa như bánh xe, quay vòng mãi không điểm dừng, chỉ có đời người là trải qua mấy xuân, mấy thu. Ấy vậy, khi  đứng trước khí trời se lạnh cùng những hạt mưa xuân lất phất vương trên những nụ đào, lại thấy lòng xốn xang lạ thường! Tết với mỗi người, thật gần mà cũng thật xa! 

Đọc thêm