Tết xưa và nỗi nhớ hiên nhà

(PLO) - Bắt đầu từ cây khế góc vườn ghé đầu xõa vào hiên nhà ra hoa trái vụ. Một tín hiệu xuân tuyệt diệu làm bừng cả hiên xuân nhà tôi. 
Cây đào cây mai cũng được thể đã bung nở những bông hoa đầu. Góc sân, hiên nhà, mảnh vườn, những cái cây và cả linh hồn của đôi bàn tay cần mẫn. Cha tôi đã tạo nên một thế giới đẹp đẽ, để sống, bảo lưu và gìn giữ những nét đẹp làng quê. 
Kìa thân cau thẳng đứng vẫn thăm thẳm vươn lên trời muốn hỏi trời xanh. Kìa hàng râm bụt trước ngõ tăm tắp được cha uốn nắn cắt tỉa đẹp dịu dàng. Đây là những chậu hoa cúc, những giò phong lan đang cộng hưởng bản nhạc hương sắc thơm lừng…
Nhưng góc sân ấy, hiên nhà ấy lại càng trở nên có linh hồn hơn là sự động cựa, kết hợp của các loài chim. Con chim chào mào lanh lảnh hót diệu vợi mải mê, thi thoảng đứng lại gắp nắng trong chiều ấm. Tất thẩy đang mang đến trong tôi một nỗi xốn xang. 
Cha tôi ngồi đọc sách bên hiên, nắng ghé vào trang sách thơm mùi mực mới. Thi thoảng ông ngẫm ngợi nhìn trời mây và chiêm nghiệm những giá trị của cuộc đời. “Vậy là một năm nữa lại đến. Thời gian vụt trôi như cánh chim. Rồi con người còn lại gì, ngoài sự thanh thản và sự hiến dâng” - cha nói. 
Tôi hiểu, ông định nói đến điều gì. Đó là sự gắn kết tình cảm giữa con người với con người, sự hiến dâng của một người sinh ra trong trời đất. Có thể sống đến tám mươi xuân hoặc hơn thế nữa, dốc sức và thành tâm, mong hỏi và hy vọng. 
Những triết lý sâu xa của một nhà giáo về hưu, cả đời thanh sạch và đến cuối đời vẫn cố gắng mang kiến thức của mình dạy cho những học trò mà ông trân quý, dạy đám trẻ con trong làng những điều hay lẽ phải, khi cha mẹ chúng mang đến gửi gắm. Với tôi, cha không chỉ là người đưa đò cần mẫn, mà là một người muốn nhân lên những điều nhân nghĩa ở đời.
Có lần, tôi thưa với cha: “Cha đã tạo nên một thế giới cổ tích, để chúng con trân trọng những bản sắc, lề thói mà nghìn năm cha ông gìn giữ. Chúng con đã mê văn học nghệ thuật, đã giữ mình trên những tiết tấu sinh động của dòng chảy cuộc sống. Vậy rút cục, con người còn lại sự thanh thản, những hiến dâng. Nhưng có lúc nào chúng ta đã cố gắng mà vẫn vô nghĩa?”
Cha cười hiền từ: “Mỗi con người có một số phận. Ngay cả bốn mùa cũng có số phận. Cũng dài hay ngắn tùy từng điều kiện thời gian. Chúng ta không thể đoán biết được sự vận động của mùa, cũng như nhà hiền triết chẳng thể nào đo đếm được vận mệnh của một ngôi sao”.
Ôi vô vàn màu sắc của những lý lẽ sâu xa, phải chăng con người càng hiện đại, càng bị cuốn vào trong muôn thứ vồ vập đời này thì càng cần những khoảnh khắc trấn tĩnh, để cởi lòng mình ra mà hòa vào sự huyền diệu của thiên nhiên, sự đa thanh của cỏ cây hoa lá và chim chóc, để hít thở bầu không khí thanh thản do chính mình tạo nên?
Và thế, nơi hiên nhà này, bảo lưu cho tôi biết bao ký ức. Bao nỗi nhớ da diết và ngọt lịm, bao miền mơ tưởng hoang vu và rất đỗi thánh thiện. Để lúc nào tôi cũng yêu tổ ấm, yêu con người và trân trọng những vẻ đẹp giản dị. Trở lại ngày xưa, cũng nơi hiên nhà này, cha dạy anh em tôi những chữ đầu tiên. 
Cũng tại nơi hiên nhà này, những điều nhân đức tôi lĩnh hội được, để rồi tiến bước vào đời, có ý chí, có khát vọng. Nơi hiên nhà gia đình tụ họp, ăn chung bữa cơm đầm ấm. Nơi hiên nhà chúng tôi ngồi hóng mát, mẹ bắc võng à ơi ru con và sau này anh tôi đỡ nâng cho tôi tập đi. Những chú chim trên cành chuyền nhau ríu rít mơ về những tổ ấm. 
Ngày xưa, cha kê một chiếc xích đu gần đó. Lũ trẻ chúng tôi cứ ngồi cút kít ê a hát và nhìn mẹ gói bánh, rồi cũng tíu tít cắt lá, làm cùng. Nhưng thú vị nhất là ngồi đó nhìn ngắm không khí các bà, các chị hàng xóm sang giếng nhà tôi múc nước, rửa lá dong, đãi gạo. Không khí ấy giờ phần nào đã nhạt đi, nhưng không hề mất hẳn. Bởi làng tôi vẫn còn những người yêu sự hoài niệm, luôn hoài nhớ về một tinh thần đoàn kết chia sẻ. 
Trong phiên chợ cuối năm, lũ trẻ chúng tôi được tham dự, tung tăng khắp các hàng nọ đến hàng kia, ngắm thỏa thích rồi mua những thứ mình cần. Cuối ngày từng đứa lại ngồi bên hiên so những phần quà, nào là giầy, dép, là áo mới. Đứa nào đứa nấy cười tươi như hoa.
Và kiểu gì nơi hiên nhà những ngày này mẹ tôi cũng tất bật chuẩn bị đồ gói bánh chưng, đồ nấu cỗ. Rồi có khi là khiêng con lợn đã được làm thịt sạch sẽ ra giữa sân. Ba bốn nhà ăn đụng í ới gọi nhau đến nhận phần; Vui nhất chắc chắn là bữa cơm tất niên, mời anh em họ hàng, làng xóm láng giềng cùng thưởng thức. Mâm trẻ con được đặt trên chiếc chiếu, trải ngay ngoài hiên này. Vừa thưởng thức cỗ, vừa ngóng hương xuân, vừa nghe lá cựa mình, mầm tách vỏ ứa nhựa. 
Đêm của ngày ăn tất niên cũng là đêm canh cho nồi bánh chưng được chín. Bánh chưng luộc tám tiếng đồng hồ. Lâu như cả hành trình của một ngày làm việc vậy nên đêm đó lũ trẻ con chúng tôi thức khuya chờ chiếc bánh nhỏ mẹ gói cho chín và được chén trước, rồi đi ngủ. Sáng sau tỉnh dậy thì bánh chưng đã được vớt ra, mẹ đặt lên bàn, ép vuông tươm tất. Chúng tôi vui vẻ ngồi dự bữa sáng.
Sáng mồng một, chúng tôi mặc áo mới, khoe cùng nắng cùng cây cỏ với hoa xuân. So sánh xem ai rực rỡ nhất rồi đi chúc Tết. Tôi yêu những thời khắc ấy, khoảng thời gian đầm ấm mà gia đình dành cho nhau. Khoảng hiên nhà mà cha tôi đã khéo léo tạo nên. Nó làm cho kho tàng ký ức của tôi trở nên giàu có, và tôi dệt tất cả thành những sắc mây của con đường sống và lập nghiệp. 
Mỗi mùa lại lâng lâng nhớ và hạnh phúc, ngay cả bây giờ, khi tôi đã có con thì hiên nhà xưa vẫn là chốn nương náu tâm hồn, để về, để yêu và để trọn vẹn được là mình. Chợt nhớ lại lời cha tôi, cuộc đời là do chúng ta phải tự vẽ lấy và ướp vào đó những nỗ lực và ý chí, để được một màu sáng là hạnh phúc.

Đọc thêm