Thai nhi có phải là trẻ em?

(PLO) - Nếu trả lời được câu hỏi này sẽ hạn chế được rất nhiều tình trạng những bào thai phải chết tức tưởi trước khi kịp chào đời, cũng như hạn chế tình trạng nạo phá thai tràn lan...
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Không được bảo vệ vì chưa thành người?
Sáng 4/9/2015 người dân ở khu phố Tân Phước, P.Tân Bình, TX.Dĩ An, Bình Dương tá hỏa khi phát hiện thi thể bé trai còn nguyên cuống rốn được bọc trong bao nilon màu đen vứt dưới mương nước. Sự việc đang được cơ quan công an điều tra để tìm người đã nhẫn tâm vứt bỏ trẻ sơ sinh. 
Đây không phải là lần đầu tiên thi thể những hài nhi sơ sinh còn nguyên dây rốn bị vứt bỏ được tìm thấy. 
Ngày 13/3/2015, làng quê yên bình ở xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội xôn xao vì xác của một bé gái nặng gần 4kg trên người vẫn còn nguyên dây rốn bị vứt bỏ ở góc vườn. Công an vào cuộc và phát hiện người có hành vi ném bỏ bé gái vào góc vườn là Nguyễn Thị Nh., một thiếu nữ trót mang bầu với bạn trai nên phải giấu giếm, đến khi chuyển dạ cô đã sinh con trong nhà vệ sinh rồi đem con vứt bỏ. 
Bé trai bị bỏ rơi ở Bình Dương
Bé trai bị bỏ rơi ở Bình Dương 
Con số lạnh lùng về tỉ lệ người nạo phá thai cho thấy Việt Nam đang là nước đứng thứ 5 trên thế giới và đứng đầu khu vực Đông Nam Á về tình trạng nạo phá thai. Theo thống kê của Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, ở nước ta, cứ 1 trẻ em ra đời thì có 1 bào thai bị phá bỏ. 
Mỗi năm có 1,2 – 1,6 triệu trẻ em được sinh ra, tương ứng với đó là con số bào thai bị phá bỏ. Đáng chú ý hơn cả là số trẻ chưa thành niên nạo phá thai ở Việt Nam cao hơn nhiều lần so với các quốc gia dẫn đầu về nạo phá thai.
Trao đổi với phóng viên, các cán bộ Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) cho biết, trong những chuyến công tác để tuyên truyền về bình đẳng giới và dự án phòng chống bạo lực gia đình ở một huyện miền núi thuộc tỉnh Bắc Trung bộ, họ đã không thể quên nước mắt của những người phụ nữ bị bắt buộc đi phá thai chỉ vì thai nhi là gái. 
Nếu không đồng ý, họ sẽ bị đánh đập, đạp thẳng vào bụng cho trụy thai.
Trên đây chỉ là một vài trong rất nhiều những câu chuyện mà quyền sống của hài nhi bị nhẫn tâm tước bỏ vì một lý do nào đó. Phải chăng vì chưa được coi là con người nên các hài nhi bị đối xử như vậy?
Trẻ em có bao gồm cả thai nhi?
Đây là câu hỏi được nhiều đại biểu tham dự hội nghị tham vấn chuyên gia về Dự án Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức. Câu hỏi này xuất phát từ nhiều góp ý cho Dự án Luật của các chuyên gia. 
Là một trong những người tham gia góp ý cho Dự thảo Luật,  PGS.TS. Nguyễn Võ Kỳ Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người (IPD) cho rằng, dưới góc độ của những người nghiên cứu về giáo dục phát triển tiềm năng con người ở nước ta cũng như những thành quả nghiên cứu khoa học về y học, tâm lý và giáo dục học của thế giới cho thấy quá trình hình thành và phát triển của thai nhi trong hơn 9 tháng nằm trong bụng mẹ là quá trình lớn lên và tăng trưởng của một một con người cả về thể chất và trí tuệ. 
“Điều đó đặt ra câu hỏi: vậy thai nhi có phải là trẻ em không? Đối tượng này cần được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục như thế nào? Thực tế khi người phụ nữ mang thai thì các cặp vợ chồng đã coi là họ có đứa con rồi và chỉ còn chờ nó ra đời “mẹ tròn con vuông” nữa thôi” - PGS.TS. Nguyễn Võ Kỳ Anh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, tại hội nghị tham vấn, bà Lê Thị Thu - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, các nghiên cứu về sự phát triển của thai nhi cho thấy thai nhi và thời kỳ sơ sinh quyết định rất nhiều đến quá trình hình thành tâm lý và sinh lý của con người. Thực trạng cho thấy vì không xem thai nhi là trẻ em nên trong xã hội, nhất là lứa tuổi chưa thành niên và thanh niên đã tùy tiện trong sinh hoạt tình dục, gây ra nhiều hậu quả khôn lường. 
“Bởi vậy, tôi đề nghị Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em cần có điều khoản xem thai nhi là đối tượng cần phải được luật bảo vệ và có quy định cụ thể luôn, ví dụ như: “Thai nhi đủ 3 tháng tuổi khỏe mạnh phải tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ em được chào đời, cho em quyền được sống” - bà Thu nói. 

Đọc thêm