Thăm lại “Điện Biên Phủ thu nhỏ” trên đất ATK

(PLO) - Cuối tháng 11/1953, tại ATK Định Hóa (Thái Nguyên), bộ đội ta đã có một cuộc diễn tập hoành tráng tạo tiền đề cho chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu. Trên mảnh đất Đồng Thịnh (thuộc ATK Định Hóa) đã được xây dựng 1 “Điện Biên Phủ thu nhỏ” với cánh đồng “Mường Thanh”, “Đồi A1”, sông “Nậm Rốm”, “hầm Tướng De Castries”... 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Câu chuyện xưa hào hùng.
Xã Đồng Thịnh nằm ở phía nam huyện Định Hóa, là một trong 19 xã ATK của tỉnh Thái Nguyên và là nơi có nhiều di tích có giá trị lịch sử quan trọng. Có diện tích trên 13km2 với kết cấu địa hình khá tương đồng với Mường Thanh vì vậy quân ta đã chọn  Đồng Thịnh để thực hiện tập đánh trận “tập đoàn cứ điểm”.
Những ngày tháng hào hùng đã trôi qua 60 năm nhưng không khí hào hùng, phấn khởi, tự hào của người dân nơi đây vẫn như bất tận. Tại nơi đây, thực hiện kế hoách tác chiến Đông – Xuân 1953 – 1954  của Tổng quân ủy và chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, vào cuối tháng 11 năm 1953, tại xã Bình Trung (nay là xã Đồng Thịnh) thuộc ATK – Định Hóa. Đại đoàn 308 Quân Tiên Phong  đã diễn tập trận đánh “Trung tâm bộ chỉ huy địch” đóng tại xóm Đồng Phượng.
Đồi Nghè tượng trưng cho đồi A1 trong trận đánh tập khi xưa)
 Đồi Nghè tượng trưng cho đồi A1 trong trận đánh tập khi xưa)
Cụ Nông Văn Vinh (86 tuổi, xóm Đèo Tọt 1, xã Đồng Thịnh) tự hào là một trong những người hiếm hoi được chứng kiến gần như toàn bộ từ 1 tuần đằng đẵng chuẩn bị cho đến đêm “diễn tập mà như thật” của bộ đội ta  trong trận đánh “tập đoàn cứ điểm” tại nơi đây.
Giọng hào hứng, cụ kể lại: “Khi bộ đội đánh tập, dân mình cũng không biết là đánh gì đâu, mãi sau này mới biết là đánh tập trận Điện Biên Phủ. Các địa điểm như Đồi A1, hầm Tướng De Castries... đều có ở đây”.
Để chuẩn bị tốt cho trận đánh tập, dân ta đã tự nguyện cắt lúa làm thành đường từ cánh Đồng Sìn đến “Trung tâm sở chỉ huy địch”, chính quyền và nhân dân thực hiện “ba không” để giữ bí mật và sơ tán giúp bộ đội diễn tập thành công.
Tại xã Đồng Thịnh lúc bấy giờ, các căn cứ, hầm hào, lô cốt... được lập lên tương ứng như các cứ điểm ở Điện Biên Phủ. 
Cầu treo bắc qua suối Đồng Thịnh tượng trưng cho cầu tre bắc qua sông Nậm Rốm
 Cầu treo bắc qua suối Đồng Thịnh tượng trưng cho cầu tre bắc qua sông Nậm Rốm
“Trung tâm sở chỉ huy địch” đóng tại địa điểm xóm Bản Soi, cánh đồng Sìn được giả định là cánh đồng “Mường Thanh” - nơi bố phòng các cứ điểm ụ súng của “địch” và được nối với nhau bằng hệ thống giao thông hào sâu 1,5m. 
Phía bắc Bản Soi có đồi Nghè tượng trưng là “đồi A1”, được đào hầm cố thủ lát gỗ to, bên trong đặt súng đại liên có lỗ châu mai . Con suối Đồng Thịnh được coi là sông Nậm Rốm được làm cầu gỗ bắc qua cho bộ đội tiến đánh “sở chỉ huy địch”... 
Dấu ấn lịch sử còn mãi.  
Trận đánh được diễn ra trong đêm, bộ đội ta ôm bộc phá bò theo đường hào đã đào sẵn tiến vào đánh “sở chỉ huy địch”. Trận đánh tập của quân ta diễn ra như chiến trường thật, khói lửa và tiếng bộc phá nổ vang xa khắp nơi, nhiều người dân, lực lượng dân quân đến phục vụ, cổ vũ bộ dội ta đánh trận...
Với tinh thần đoàn kết cao, tình quân dân như một, thành công của trận đánh tập này đã góp phần nào đã góp phần đi đến các kế hoạch, cổ vũ lãnh đạo ta đi đến những quyết định quan trọng làm nên chiến thắng hào hùng của dân tộc ta – chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Bia di tích Bản Soi – Nơi diễn ra trận đánh tập năm 1953
 Bia di tích Bản Soi – Nơi diễn ra trận đánh tập năm 1953
Không chỉ diễn ra trận đánh tập “tập đoàn cứ điểm ở đây”, Đồng Thịnh còn mang trong mình nhiều dấu ấn lịch sử, những mốc son chói lọi, hào hùng khi xưa. 
 Nhà máy quân giới K77 (còn họi là xưởng Đội Cấn) chuyên sản xuất vũ khí phục vụ quân ta nằm ở khu đồi Khau Tràn, chân đồi Thẩm Kho. Sau đó nhà  máy chuyển vào rừng Thâm Kết. Ở đây các bộ phận của nhà máy được chia nhỏ và nằm rải rác cạnh đó. 
Nơi đây đã vinh dự đón Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Quân giới Trần Đại Nghĩa tới thăm. Địa điểm di tích nhà máy in báo Vệ Quốc Quân (tiền thân nhà máy in Quân Đội) cũng hiện hữu ở Bản Đúc. 
Hơn 60 năm trôi qua, với biết bao đổi thay trong cuộc sống nhưng những dấu ấn lịch sử oai hùng năm xưa vẫn hiện hữu, tồn tại, đi vào cuộc sống của nhân dân nơi đây  một cách thân thuộc. Con sông “Nậm Rốm” ấy, cánh đông “Mường Thanh” ấy, “Đồi A1” ấy... vẫn đang cùng cuộc sống của người dân đi lên, phát triển mạnh mẽ để xứng đáng với lịch sử oai hùng của dân tộc, gìn giữ dấu ấn khi xưa, vươn tới văn minh hôm nay.

Đọc thêm