Thăng trầm triều đại nhà Đinh và “sai lầm lịch sử” phế trưởng lập thứ

(PLO) -Trong lịch sử Việt Nam, hình ảnh Hoàng đế Đinh Bộ Lĩnh - vị vua đầu tiên Nhà nước Đại Cồ Việt, người lập ra nhà Đinh gắn liền với ngọn cờ bông lau. Ông được biết đến là bậc hào kiệt trí lực song toàn, bình định thiên hạ, lập lại trật tự xã tắc sau thời loạn lạc 12 sứ quân. Thế nhưng, tên tuổi ông cũng gắn liền với tiền lệ “phế trưởng lập thứ” tạo nên cảnh tương tàn chốn hoàng cung. 
Từ nhỏ, Đinh Bộ Lĩnh đã thông minh, thường lấy bông lau làm cờ bày trận đánh nhau.
Từ nhỏ, Đinh Bộ Lĩnh đã thông minh, thường lấy bông lau làm cờ bày trận đánh nhau.

Dẹp loạn 12 sứ quân lập ra nhà Đinh

Đinh Bộ Lĩnh (924-979) quê ở Hoa Lư, châu Đại Hoàng (nay là huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình). Cha là Đinh Công Trứ làm nha tướng của Dương Đình Nghệ, giữ chức Thứ sử Châu Hoan. Đinh Công Trứ mất sớm, Bộ Lĩnh theo mẹ về quê ở, thường đi chơi với đám mục đồng, hay bắt đám trẻ khoanh tay làm kiệu và lấy bông lau làm cờ bày trận đánh nhau. 

Vào độ tuổi trưởng thành, Bộ Lĩnh là người có khí phách phi thường, lại có tài thao lược và nung nấu ước mong lập nghiệp lớn, dân làng theo ông rất đông. Khi vị vua cuối cùng của triều Ngô (Ngô Xương Văn) mất năm 966, thừa lúc đó đất nước không chủ, hào trưởng khắp nơi nổi dậy chiếm giữ các ấp, lập ra 12 sứ quân. Sử cũ gọi là loạn 12 sứ quân.

Bộ Lĩnh vốn là con quan đứng đầu một châu, có uy lớn lại được nhiều người theo nên chiếm giữ được vùng rộng lớn. Một trong 12 sứ quân là Trần Lãm là sứ quân mạnh nhất về kinh tế, lại chiếm giữ được vùng Thái Bình quan trọng. Vốn người giỏi thao lược nhưng vì bất hòa với chú  nên Bộ Lĩnh cùng con là Đinh Liễn sang ở với sứ quân của Trần Lãm.

Thấy Bộ Lĩnh khôi ngô lại có chí lớn, Trần Lãm giao cho Đinh Bộ Lĩnh giữ binh quyền. Khi Trần Lãm qua đời, Đinh Bộ Lĩnh đem quân về Hoa Lư, chiêu mộ hào kiệt, hùng cứ một phương. Địa bàn hoạt động của Đinh Bộ Lĩnh được mở rộng, quân số, binh lương ngày càng lớn mạnh. Lại được sự ủng hộ của nhân dân, quân Đinh Bộ Lĩnh đánh đâu thắng đó, được gọi là Vạn Thắng Vương. 

Bấy giờ hai sứ quân Ngô Nhật Khánh chiếm giữ Đường Lâm (nay thuộc Ba Vì, Hà Tây) và Ngô Xương Xí chiếm giữ Bình Kiều (Triệu Sơn, Thanh Hóa) là con cháu Ngô Vương. Bộ Lĩnh dùng mưu hàng phục được Ngô Nhật Khánh và cả Ngô Xương Xí.

Đinh Bộ Lĩnh đi tới đâu được nhân dân góp sức ủng hộ tới đó. Với những sứ quân mạnh như Đỗ Cảnh Thạc, Nguyên Siêu, ông dùng cung kiếm tiến công kết hợp với mưu lược. Sử chép, Đỗ Cảnh Thạc chiếm giữ vùng Thanh Oai, Hà Tây ngày nay có cung thành chắc chắn và hào sâu bao quanh.

Theo thần phả Độc Nhĩ Đại Vương, Cảnh Thạc trí dũng mưu lược nên phải bàn mưu tính kế mà đánh. Bộ Lĩnh dùng mưu, ban đêm Bộ Lĩnh cho quân bao vây tứ phía tấn công bất ngờ. Cảnh Thạc không có quân lính ứng cứu ngay bèn bỏ thành mà chạy. Hai bên giao tranh hơn 1 năm, Cảnh Thạc bị thua.

Còn Nguyễn Siêu chiếm vùng Tây Phù Liệt (Thanh Trì, Hà Nội), Đinh Bộ Lĩnh bày binh giao chiến, Nguyễn Siêu thua trận phải bí mật cầu viện sứ quân khác. Bộ Lĩnh biết tin bèn sai quân nửa đêm đốt doanh trại, quân Nguyễn Siêu tan trận. Các sứ quân Kiều Công Hãn, Kiều Thuận, Nguyễn Thủ Tiệp, Phạm Bạch Hổ,... đã thất bại ngay từ trận đánh đầu tiên với quân Đinh Bộ Lĩnh. Đất nước thống nhất, loạn 12 sứ quân đã dẹp xong.

Năm Mậu Thìn 968, Vạn Thắng Vương lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu là Tiên Hoàng đế, đặt quốc hiệu Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Đinh Tiên Hoàng xây cung điện, chế triều nghi, định phẩm hàm quan văn, quan võ, phong cho Nguyễn Bặc là Định Quốc Công, Đinh Điền làm Ngoại giáp và phong cho con là Đinh Liễn làm Nam Việt Vương. 

Về ngoại giao, để tránh đụng độ với nhà Tống năm 972, Tiên Hoàng sai con Đinh Liễn mang đồ vật sang cống. Vua Tống sai sứ sang phong cho Tiên Hoàng làm Giao Chỉ Quận vương. Và phong cho Nam Việt Vương làm Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ An Nam đô hộ. Từ đó nước ta giữ lệ sang cống phương Bắc. Đinh Tiên Hoàng đã dẹp xong loạn 12 sứ quân nhưng nhìn chung nhiều nơi vẫn chưa theo luật lệ triều đình.  

Bởi vậy, để răn đe kẻ phản loạn, Tiên Hoàng đặt vạc dầu trước Điện, nuôi hổ báo trong vườn, tuyên cáo rằng ai phạm tội thì bỏ vạc dầu hoặc cho hổ báo ăn thịt. Dù chưa phải dùng hành hình ấy nhưng mọi người sợ phép nước và tuân thủ. Với việc quân binh, Bộ Lĩnh ra đạo, tổ chức thành 10 đạo quân, lên tới 1 triệu quân. 

Bi kịch huynh đệ tương tàn

Oanh liệt, mưu lược trên chiến trường, lập lại trật tự xã tắc vẹn tròn. Thế nhưng, Đinh Tiên Hoàng đã làm một việc là đến bây giờ sử sách gọi là sai lầm lịch sử. Đinh Tiên Hoàng có ba con trai: Đinh Liễn, Đinh Toàn và Đinh Hạng Lang. Trong đó, con cả Đinh Liễn là người cùng vua cha đánh dẹp 12 sứ quân, lập nên nhà Đinh. Năm Mậu Thìn 968, khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi thì Đinh Liễn được phong làm Nam Việt Vương.

Năm Nhâm Thân (972), Nam Việt Vương Liễn được cử đi sứ sang nhà Tống. Năm ấy, nhà Tống phong cho Đinh Tiên Hoàng làm Giao Chỉ Quận vương, còn Nam Việt Vương Liễn thì được nhà Tống phong làm Kiểm hiệu Thái sư, Tĩnh hải quân Tiết độ sứ, An Nam đô hộ. Đến năm Ất Hợi (975), nhà Tống lại sai sứ sang gia phong cho Đinh Liễn làm Khai phủ nghi đồng Tam ti, Kiểm hiệu Thái sư, Giao Chỉ quận vương.

Đền thờ Vua Đinh ở Ninh Bình.
Đền thờ Vua Đinh ở Ninh Bình.

Kể từ đó, mọi việc giao tiếp với sứ giả Trung Quốc, Đinh Tiên Hoàng đều ủy thác hết cho Đinh Liễn. Tóm lại, Đinh Liễn là người từng trải, có công lao, có năng lực và cũng có cả uy tín. Quyền kế vị ngôi Hoàng đế của Đinh Liễn kể như đã rất rõ ràng. 

Tuy nhiên, mọi chuyện đang bình thường bỗng trở nên rắc rối bởi sự kiện xảy ra vào đầu mùa xuân năm Mậu Dần (978), Đinh Tiên Hoàng bỗng dưng quyết định lập người con trai còn nhỏ là Hạng Lang làm Thái tử và Đinh Toàn làm Vệ Vương. Điều này cũng có nghĩa là quyền kế vị ngôi vua của Đinh Liễn không còn nữa. Cơn thịnh nộ của Liễn bắt đầu. 

Sách Đại Việt sử kí toàn thư chép: “Mùa xuân năm Kỷ Mão (979), Nam Việt Vương Đinh Liễn giết chết Hoàng Thái tử Hạng Lang. Đinh Liễn là con trưởng của Nhà Vua, thuở hàn vi từng chịu đựng gian khổ, khi thiên hạ được thái bình, ý Vua cũng muốn truyền ngôi cho, bèn phong làm Nam Việt Vương.

Liễn lại cũng từng chịu mệnh và nhận tước vị của nhà Tống ban cho. Nhưng về sau, vua sinh được người con trai nhỏ là Hạng Lang, rất mực yêu quý, bèn lập Hạng Lang làm Thái tử. Đinh Liễn bất bình, liền sai người lập mưu giết đi”.

Cũng theo sử sách, sau tội ác tày trời này, Đinh Liễn được vua cha khoan hồng, nhưng để chuộc lại phần nào lỗi lầm, Nam Việt Vương đã dựng nhiều cột viết những bài tụng kinh Phật ở kinh đô Hoa Lư tỏ ý ân hận. Phần lạc khoản trên các cột kinh là những lời sám hối của ông.

Lạc khoản có đoạn: “... Cơ sự đã đến nông nỗi chém giết nhau này, thật hối hận, bèn xin dựng một trăm tòa kinh báu dâng Phật cầu cho vong hồn em trai đã mất và các vong linh gia tiên được giải thoát khỏi sự bắt bớ tra hỏi nơi địa ngục...”.

Nhiều nhà sử học sau này nhận định cái sai của Đinh Tiên Hoàng là gốc của mọi sự sai, nhưng chẳng phải vì thế mà có ai đồng tình với hành động tàn bạo của Đinh Liễn. Công một thời chẳng thể bù cho tội một lúc...

Trước đó, sử thần Ngô Sĩ Liên từng nhận xét: “Truyền ngôi cho con trưởng là đạo thường của muôn đời, bỏ đạo ấy mà không có biến loạn thì quả là chưa bao giờ nghe vậy. Cũng có khi nhân thời loạn mà lập Thái tử, nhưng trước hết phải chọn người có công, nếu con trưởng ác đức thì phải phế bỏ đi rồi sau mới lập con thứ.

Thế là xử việc lúc biến mà vẫn được đúng, người xưa cũng từng làm. Nam Việt Vương Đinh Liễn là con trưởng, từng có công lao, chưa thấy có lỗi. Đinh Tiên Hoàng vì yêu con thứ mà quên con trưởng, tưởng thế là thỏa tình yêu quý, nào có biết đâu như thế là làm hại con...”.

Năm Kỷ Mão 979, Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị tên Đỗ Thích giết chết. Đinh Tiên Hoàng làm vua được 12 năm, thọ 56 tuổi. Đến bây giờ vẫn còn nhiều tư liệu khác nhau nói về lý do Đỗ Thích giết cha con họ Đinh. Quan thần sau đó bắt và giết Đỗ Thích, tôn Đinh Toàn lên làm vua. 

Đinh Toàn lên ngôi, lấy hiệu là Đinh Phế Đế. Đinh Toàn khi đó mới 6 tuổi. Quyền lực thực tế nằm trong tay Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, là nhiếp chính. Các đại thần Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp thấy vậy, lại nghi Lê Hoàn tư thông cùng Thái hậu Dương Vân Nga nên cử binh đến đánh.

Lê Hoàn dẹp tan, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp đều bị giết chết. Phò mã Ngô Nhật Khánh bỏ trốn vào nam sang Chăm Pa, sau đó cùng Vua Chăm Pa với hơn nghìn chiến thuyền định đến đánh kinh đô Hoa Lư nhưng bị bão chết.

Năm 980, nhà Tống rục rịch điều quân sang đánh Đại Cồ Việt, Thái hậu Dương Vân Nga cùng triều thần tôn Lê Hoàn lên làm vua, tức Vua Lê Đại Hành. Nhà Đinh kết thúc, truyền được đến đời thứ hai, trị vì 12 năm (968-980).

Lê Hoàn sau khi lên ngôi lập ra nhà Tiền Lê đã đánh thắng quân Tống (tháng 4 năm 981). Đinh Toàn trở thành Vệ Vương có mặt trong triều đình Tiền Lê 20 năm. Năm 1001, trong lần cùng Vua Lê Đại Hành đi dẹp loạn vùng Cầm Thuỷ Thanh Hoá, Đinh Toàn bị trúng tên chết.

Hiện, Vua Đinh Tiên Hoàng cùng các con Đinh Liễn, Đinh Toàn và Đinh Hạng Lang được thờ ở đền Vua Đinh Tiên Hoàng, thuộc quần thể di tích Cố đô Hoa Lư, huyện Hoa Lư, Ninh Bình.

(còn tiếp)

Đọc thêm