Thành người đàn ông khác sau khi mất vợ bởi "nàng tiên trắng"

(PLO) - Bước ra khỏi trung tâm cai nghiện, anh tự nhắc mình phải hoàn lương. Bằng nỗ lực không ngừng nghỉ, anh đã giúp bản thân và nhiều người nghiện ma túy khác tìm được đường về với nẻo thiện…
Anh Lê Trung Tuấn (áo trắng) chụp ảnh cùng các học viên tại một trung tâm cai nghiện ở Nghệ An.
Anh Lê Trung Tuấn (áo trắng) chụp ảnh cùng các học viên tại một trung tâm cai nghiện ở Nghệ An.

“Dính” vào ma túy khi đi sinh nhật bạn

Bên ấm trà nóng, anh Lê Trung Tuấn (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ tâm lý cho người nghiện ma túy (PSD) kể cho tôi nghe cuộc đời đầy trăng trầm, nước mắt và “nẻo về” của mình. Trên chặng đường đó, anh trở thành “thiên sứ” chống lại sự cám dỗ của “nàng tiên nâu” cho biết bao người nghiện khác.

Anh Tuấn sinh năm 1977 trong một gia đình có 3 chị em. Là con trai út nên anh được bố mẹ, các anh chị nuông chiều, bao bọc. Đáp lại tình yêu thương của mọi người, anh Tuấn luôn chăm chỉ học hành và giúp đỡ cha mẹ công việc gia đình. Tốt nghiệp cấp ba, anh thi đỗ vào trường Cao đẳng Quản trị kinh doanh ở Hưng Yên. Những năm đầu Cao đẳng, Lê Trung Tuấn cố gắng trở thành một chàng sinh viên năng động, hoạt bát và chịu khó học tập, rèn luyện.

Thầy yêu, bạn mến, thế nhưng, đến năm cuối Cao đẳng, một biến cố lớn đã làm thay đổi cuộc đời và số phận chàng sinh viên say mê với những uớc mơ táo bạo phía trước. Hôm ấy, trong buổi sinh nhật người bạn cùng lớp, Tuấn uống rượu say. Trong men say, Tuấn không làm chủ được mình. Một người bạn dúi vào tay cậu điếu thuốc lá có chứa ma túy để “thử cho vui, không nghiện đâu mà sợ”. Tin tưởng bạn, anh hút một điếu. Giây sau, Tuấn thấy tỉnh táo lạ thường, đầu óc minh mẫn, cơn say rượu cũng được giải tỏa. Vài ba lần chỉ “hút cho vui”, Tuấn dính và bị cuốn vào ma túy lúc nào không hay.

Nghiện ma túy, Tuấn bê trễ việc học tập trên giảng đường. Tuấn thích tụ tập nhóm bạn  nghiện của mình, bỏ dở ước mơ chỉ còn 2 tháng nữa là tốt nghiệp. Tuấn nói dối cha mẹ để xin tiền hút hít. “Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”, cuối cùng cha mẹ Tuấn cũng biết cậu con trai mình nghiện ma túy. “Bố mẹ tôi rất sốc và suy sụp. Ra ngoài đường, bố mẹ tôi phải đối diện với rất nhiều những lời kỳ thị, dị nghị từ mọi người. Họ nói, “thôi ông bà chết đi, con bà nghiện ma túy thì sống làm gì. Cha tôi đang giữ chức Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh cũng phải xin nghỉ vì bị đàm tiếu quá nhiều…” – anh Tuấn day dứt nhớ lại.

Có lẽ, cả đời này, anh Tuấn sẽ không bao giờ quên được hình ảnh đám trẻ con gần nhà chạy toán loạn khi vừa nhìn thấy anh. “Hồi đó tôi vừa đi cai nghiện về được khoảng một tháng, khi về đến ngõ, đám trẻ con đang chơi đánh đáo nhìn thấy tôi vội hô: “Chúng mày ơi, thằng Tuấn nghiện nó về đấy, chạy mau thôi”. Đám trẻ chạy toán loạn, cha mẹ chúng đổ ra bế con vào nhà. Lúc đó, tôi đau đớn nghĩ mình cố gắng làm lại cuộc đời cũng đâu có được trân trọng, vậy mình cố gắng làm gì. Và ngay sau đó tôi lại tái nghiện” – anh kể.

Sự đời, dính vào ma túy thì muốn cai không phải dễ. Anh Tuấn cứ cai rồi lại nghiện như một vòng luẩn quẩn không lối thoát. Ra đường, về nhà, ngửi thấy mùi nào ngai ngái mùi cũ, là toàn thân anh rạo rực, bức bối, khó chịu vô cùng. Năm lần bảy lượt, anh ra trung tâm cai nghiện rồi lại vào như cơm bữa, đến nỗi, chính anh có lúc cũng rơi vào bế tắc, tuyệt vọng và muốn buông xuôi. Nhưng khi đứng chênh vênh giữa sự sống và cái chết, rơi xuống tận cùng đau khổ của cuộc đời, anh mới ngộ ra mình cần phải làm gì để cứu lấy mình, cứu lấy cả niềm hi vọng mong manh của cha mẹ.
Với anh Tuấn, niềm vui lớn nhất là giúp được những người nghiện tìm được đường về nẻo thiện.
 Với anh Tuấn, niềm vui lớn nhất là giúp được những người nghiện tìm được đường về nẻo thiện.

Nghiệp làm “thiên sứ” cho những “đệ tử nàng tiên nâu”

Ma túy khiến cho anh mất đi tổ ấm vừa nhen nhóm của mình. Ma túy khiến cha mẹ anh suy sụp khi mỗi ngày khi nhìn con trai héo mòn, vật vã với những cơn nghiện. Ma túy suýt nữa cướp đi mạng sống của anh. Anh nhớ lại cái ngày vợ anh kiên quyết đòi ly hôn vì “không thể sống chung với một người chồng chỉ biết nướng tiền vào ma túy” chỉ 1 năm sau ngày cưới. 
Ngày ra Tòa, anh đau khổ trở về nhà, nghĩ đến cái chết. Anh sử dụng ma túy gấp 20 lần bình thường. Nhưng “thần chết” đã không tới dẫn anh đi, sau khi chết lâm sàng vài giờ, tỉnh dậy anh Tuấn biết mình phải sống khác. Anh quyết tâm đoạn tuyệt với ma túy, làm lại cuộc đời. Và sau khoảng 5 – 6 tháng, anh đã cai ma túy thành công. Cảm phục anh, một cô gái trong làng, kém anh 7 tuổi đã đến bên anh để yêu thương, chia sẻ, động viên anh vượt qua khó khăn và cùng anh xây dựng hạnh phúc.

Để có tiền làm lại cuộc đời, anh bàn với vợ sang nhượng quán café đang làm để trả nợ và lấy vốn đi buôn xe máy. Sau những năm tháng bôn ba mưu sinh, anh Tuấn đã có được một ít vốn trong tay để mở doanh nghiệp. Cũng từ đây, anh bắt đầu ấp ủ thực hiện “sứ mệnh” chống lại ma túy của mình – sứ mệnh mà trước đó khi bước chân ra khỏi trung tâm cai nghiện, anh biết mình sẽ quay trở lại trong một tư thế khác – tư thế của người giúp những người nghiện đoạn tuyệt với ma túy.

“Khi công việc kinh doanh đi vào ổn định, tôi giao lại công việc cho chị gái và vợ để chuyên tâm thực hiện “sứ mệnh” của mình. Tôi bắt đầu đi gặp gỡ những người cai nghiện thành công để hỏi bí quyết cai nghiện của họ đồng thời ra nước ngoài gặp các giáo sư, tiến sỹ hỏi về những vấn đề liên quan đến việc cai nghiện ma túy. Và nhờ sự giúp đỡ của một số nhà khoa học người Nga tiếp cận với các tài liệu chuyên ngành liên quan, chúng tôi đã đúc kết ra được phương pháp “Xóa bỏ lệ thuộc vào ma túy bằng ngôn ngữ và tình cảm”. Phương pháp này hiện đang được Trung tâm nghiên cứu và Hỗ trợ tâm lý cho người nghiện ma túy (PSD) áp dụng và đang rất thành công” – anh Tuấn cho biết.

Được biết hồi tháng 11 vừa qua, phương pháp “Xóa bỏ lệ thuộc vào ma túy bằng ngôn ngữ và tình cảm” đã được PSD giới thiệu trong Hội thảo “Một số nghiên cứu mới trong lĩnh vực phòng ngừa và chống tái nghiện ma túy” do PSD phối hợp cùng Tạp chí Tri thức và Phát triển tổ chức. Trong hội thảo, có rất nhiều học viên chia sẻ, khẳng định mình đã đoạn tuyệt được với ma túy nhờ phương pháp cai nghiện bằng tâm lý và tình cảm của PSD. Và phương pháp này cũng được giới chuyên môn có mặt trong hội thảo hoan nghênh, đánh giá cao.

“Mục tiêu của tôi không dừng lại ở con số 40 người cai được ma túy khi mới áp dụng phương pháp này mà phải nhiều hơn nữa. Với tôi, hạnh phúc nhất chính là được giúp những người, những gia đình có con cái nghiện ma túy đoạn tuyệt được với ma túy để làm lại cuộc đời” – anh Tuấn khẳng định. Và nhìn ánh mắt anh, tôi tin anh sẽ hoàn thành tốt “sứ mệnh” của mình.

Đọc thêm