Tháp cổ ngàn năm thách thức mọi lời giải về kết cấu

(PLO) - Chứng kiến bao thăng trầm, biến động, bất chấp sự hủy diệt tàn khốc của chiến tranh và thời gian, tháp cổ vẫn sừng sững hiên ngang đứng giữa trời. Ngôi tháp gắn liền với nhiều huyền thoại kì bí ấy tọa lạc tại phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) cho đến nay vẫn là ẩn số về mặt kiến trúc.

Lễ hội của đồng bào Chăm tại tháp Ponagar.
Lễ hội của đồng bào Chăm tại tháp Ponagar.
Huyền thoại thần bí về ngôi tháp cổ
Quần thể tháp Ponagar là công trình kiến trúc được xây dựng trong suốt một thời gian dài, từ thế kỉ VII đến thế kỷ XIII. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử tồn tại, bụi thời gian bao phủ, tháp cổ vẫn giữ nguyên vóc dáng như thuở ban đầu. Trên những tầng tháp không hề thấy có dấu hiệu của sự bào mòn, nấm mốc hoặc rêu phong. 
Theo nhiều tài liệu, ngôi tháp là trung tâm tôn giáo của vương quốc Chămpa cổ, được dựng nên chủ yếu phục vụ cho việc cúng tế thần linh, tổ chức các lễ hội dân gian đặc trưng của đồng bào Chăm. Ngôi tháp gắn với huyền thoại về một vị thần có công dạy bảo nhân dân khai phá, làm ăn trên vùng đất này. Đó là nữ thần Ponagar, hay còn gọi là Thiên Y Ana. 
Chuyện kể rằng, xưa kia trên đỉnh núi Đại An có hai vợ chồng tiều phu sống bằng nghề đốn củi, lên cất nhà vỡ rẫy, trồng dưa trên triền núi. Cứ mỗi lần dưa chín, chờ thu hoạch thường hay bị mất trộm. Một hôm ông rình, bắt gặp một bé gái trạc 10 tuổi, đang vừa hái dưa vừa đùa giỡn dưới trăng. Thấy cô bé dễ thương, ông đem về nuôi. Vợ chồng tiều phu lớn tuổi nhưng chưa có con, đối xử với cô bé như con ruột. 
Một hôm trời mưa lớn, cảnh vật tiêu điều, thiếu nữ buồn bã lấy những hòn đá xếp thành 3 hòn giả sơn, xong lấy hoa lá cắm vào, đứng ngắm làm vui. Cho rằng hành động của con gái nuôi không hợp với phép tắc, ông lão nặng lời rầy la. Ông không ngờ rằng đứa con gái chính là tiên nữ giáng trần, đang nhớ cảnh Bồng lai.
Đang buồn bực lại bị mắng oan, thiếu nữ liền hóa thân vào khúc kì nam (khúc gỗ trầm) theo dòng nước nguồn trôi đến. Khúc gỗ trôi ra biển, tấp vào một miền đất lạ, hương thơm tỏa ngào ngạt. Người địa phương rủ nhau ra xem, thấy khúc gỗ tốt nên hùa nhau định khiêng về, nhưng người đông bao nhiêu cũng không thể nhấc lên nổi. Thái tử Bắc Hải nghe tin đồn tìm đến xem thực hư, thấy khúc gỗ không lớn lắm, lẽ gì không nâng lên được. Thái tử liền đưa tay nhấc thử, phép màu liền xảy ra, khúc kì nam được nhấc lên nhẹ nhàng. Thấy vật lạ, chàng đem về cung, nâng niu trân trọng như một báu vật.
Một đêm dưới ánh trăng mờ, Thái tử thấy thấp thoáng bóng người nơi để khúc kì nam. Lại gần xem, bốn bề vẫn vắng vẻ, chỉ phảng phất mùi hương từ khúc kì nam bay ra. Nhiều đêm sau, chàng quyết định rình xem, phát hiện một giai nhân tuyệt sắc theo ngọn gió hương ngào ngạt, từ khúc kì nam bước ra. Thái tử liền chạy vội đến ôm choàng. Không trốn kịp, giai nhân đành theo Thái tử về cung. Giai nhân xưng là Thiên Y Ana. Thái tử liền tâu phụ vương cho cưới nàng làm vợ. Hai người ăn ở hòa thuận, sinh được hai con, trai tên Trí, nữ tên Quý, dung mạo đều tuyệt đẹp. 
Thời gian trôi qua êm ấm, nhưng bỗng một hôm, lòng nhớ quê thúc giục, Thiên Y Ana bồng hai con nhập vào khúc kì nam, trở về nhà cũ. Núi Đại An còn đó nhưng vợ chồng cha nuôi đã về cõi âm. Thiên Y bèn đắp mồ mả, sửa sang lại nhà cửa để thờ phụng. 
Thấy nhân dân trong vùng còn lạc hậu, bèn đem văn minh truyền bá, giáo dục cho biết cày cấy, kéo sợi, dệt vải... Từ đó, ruộng nương được mở rộng, đời sống nhân dân ngày càng no ấm. Công khai phá của bà không chỉ dân địa phương mà vùng lân cận cũng được nhờ. Rồi một hôm vào ngày lành tháng tốt, trời quang mây tạnh, một con chim hạc từ trên mây bay xuống, bà cùng hai con cưỡi lên lưng hạc, bay về trời. 
Tháp Ponagar, niềm tự hào của bao thế hệ người Việt.
Tháp Ponagar, niềm tự hào của bao thế hệ người Việt. 
Nhân dân địa phương nhớ ơn đức, xây tháp tạc tượng phụng thờ. Mỗi năm vào ngày 23/3 Âm lịch, ngày bà Thiên Y thăng thiên, dân chúng đều tổ chức lễ tạ ơn rất long trọng. Ở Bắc Hải, Thái tử trông đợi lâu ngày không thấy vợ con bèn sai một đạo binh sang Đại An tìm kiếm. Khi đến nơi tìm mãi mà không thấy dấu vết, giận dữ bèn cho quân lính hành hung dân trong vùng. Vì nhớ ơn bà, không ai muốn chống cự. Đang lúc dân chúng bị dồn ép, một trận cuồng phong nổi lên, cuốn bay đạo quân Bắc Hải. Giữa biển nổi lên một hòn đá tảng gọi là “đá chữ”. Huyền thoại kì bí về nữ thần có công khai phá vùng đất này được truyền từ đời này sang đời khác. Đó là niềm tự hào, cũng là “khiên chắn tâm linh” che chở cho bao thế hệ đồng bào Chăm nơi đây.
Độc đáo kiến trúc “ẩn số” chưa lời giải
Tọa lạc trong khuôn viên khoảng 50 ngàn mét vuông, để tận mắt chứng kiến tháp cổ phải di chuyển qua các bậc thang, từ chân tháp lên tới đỉnh. Theo đó, tháp cổ có thể chia thành 3 lớp. Tại lớp dưới cùng bao gồm cổng chính, các cổng phụ và tường rào bảo vệ. Tiếp theo là lớp giữa nằm đối diện với tháp chính là khu Tiền đình Mandapa với 22 trụ hình bát giác, chiều cao rất khác nhau. 
Theo tài liệu lịch sử văn hóa Chăm, đây là khu hành lễ trước khi vào tháp cúng bái. Lớp trên cùng có bốn tháp, trong đó có tháp chính là Dinh Bà (Nữ thần Ponagar), tháp giữa (Dinh Ông), tháp Đông Nam (Dinh Cố), tháp Tây Bắc (Dinh Cô, Cậu). Đây cũng là không gian chính để tổ chức các hoạt động văn hóa lễ hội.
Một số tài liệu nghiên cứu của Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa cho rằng, kĩ thuật kiến trúc tháp là nét nổi bật nhất, cũng được tập trung nghiên cứu nhiều nhất. Theo đó, chiều cao thân tháp có thể chia ra các phần: mặt trên của gờ móng đến gờ dưới cửa; gờ dưới cửa đến lanh tô trên cửa. Thường thì mặt ngoài tháp đều thấp, có thể được điêu khắc hoặc không. Có một số tháp ở phần cuối, trụ cửa, lanh tô cửa, bậc thang làm bằng sa thạch. Nhìn chung, kiến trúc các thân tháp trùng lặp, kể từ phần lanh tô đến phần ngọn tháp. 
Ngoài ra, thân tháp còn có nhiều loại hoa văn điêu khắc thể hiện sự sắc sảo của nghệ nhân Chăm như: tượng Nữ thần Ponagar, Thần hủy diệt Siva và nhiều tạo hình độc đáo về các loài vật. Nền móng cũng là sự kết hợp tinh xảo của kĩ thuật kiến trúc, đó là sự quyện hòa giữa cát, đất sét, sa thạch, đá sỏi đầm chặt. Tính cố kết của các vật liệu tạo cho công trình rất bền vững, có thể nhận và phân phối toàn bộ tải trọng của tháp lên nền đất. Tất nhiên chỉ trong điều kiện không có tác động của thủy văn, dòng chảy hoặc bờ cát.
Thêm một nét độc đáo nữa khi nghiên cứu về tháp Ponagar là kĩ thuật mài chập. Các nghiên cứu gần nhất cho rằng đồng bào Chăm từ thời xa xưa không chỉ thông thạo kĩ thuật ghè đẽo, còn rất giỏi trong khả năng mài chập các viên gạch lại với nhau, tạo ra vật liệu cố kết công trình. 
Minh chứng cho điều này, các viên gạch đều có vết xước do mài. Các vết xước có hướng trong phần diện tích tiếp xúc của hai viên gạch trùng khớp, tức là đối xứng qua gạch mài. Trên cùng một mặt của viên gạch có thể xảy ra một trong hai khả năng này. Cũng do xây mài chập bằng nhựa cây nên gạch hút nước rất tốt, đồng thời có khả năng dẫn ẩm. Vì thế gạch nhanh chóng tạo ra cân bằng nhiệt trên mặt thoáng, không bị ứ nước trong cấu trúc. Điều này lí giải vì sao nấm mốc, rêu và vi sinh không thể phát triển.
Ngày nay, dù đã có nhiều công trình nghiên cứu về chất kết dính nhưng kết cấu xây dựng tháp vẫn là ẩn số. Các tài liệu nghiên cứu đều nhận định quần thể tháp là công trình kiến trúc đặc sắc bằng chất liệu gạch nung. Với tài năng và sự sáng tạo, các nghệ nhân Chămpa đã kết hợp hài hòa, tinh tế giữa kiến trúc và điêu khắc, thể hiện đặc trưng của văn hóa Chămpa. Với những giá trị đặc sắc ấy, năm 1979 quần thể Tháp Ponagar đã được xếp hạng Di tích Kiến trúc nghệ thuật văn hóa cấp quốc gia./.

Đọc thêm