Thay “bêu rếu” người mua dâm bằng mại dâm “sạch“?

(PLO) - Nên xây dựng các mô hình “sạch” về mại dâm (MD) trong nội thành, giãn dần các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí dễ phát sinh tệ nạn mại dâm ra ngoại ô và quản lý thật chặt các tụ điểm này.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Mặc dù chúng ta đã có chế tài xử phạt cả người bán dâm và người mua dâm nhưng dường như vẫn không đủ tính răn đe. Chính vì thế, tình hình MD vẫn diễn biến phức tạp. 
Nguyên nhân của tình trạng này không phải chỉ do các quy định pháp luật mà còn do các xu hướng của sự biến đổi xã hội. Thực tế, tình hình mua, bán dâm ngày càng gia tăng, nhức nhối. Hình thức bán dâm thì ngày càng biến tướng, tinh vi, dưới nhiều hình thức... Đáng lo ngại nhất là tình trạng tiếp thị, quảng cáo MD trên mạng, khiến cơ quan chức năng càng khó khăn trong công tác quản lý và  triệt phá.
Thực tế hiện nay Việt Nam chưa có “phố đèn đỏ”, nhưng những “tụ điểm” mua bán dâm rất phổ biến ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, do cơ quan chức năng không quan tâm, các cấp chính quyền cũng chưa làm hết trách nhiệm của mình nên MD vẫn tồn tại. Bên cạnh đó là những hạn chế và sự mâu thuẫn giữa cơ quan cấp phép và cơ quan “thổi còi” (việc cấp phép cho các dịch vụ vui chơi giải trí liên quan đến hoạt động MD quá tràn lan, trong khi lực lượng phòng chống tệ nạn xã hội thì không đủ sức quản lý), càng tạo điều kiện cho MD phát triển…
Tùy thực tế của địa phương, các tỉnh, thành phố có thể tìm cách đi của riêng mình để hạn chế tệ nạn MD, Hà Nội cũng vậy. Nhưng khi đưa ra quan điểm, giải pháp để hạn chế tình trạng này, chúng ta phải tính toán hơn, thiệt. Đề xuất công khai danh tính người mua dâm mà Hà Nội đưa ra mới chỉ nghĩ đến “lợi ích trước mắt” mà không nghĩ đến “hậu quả lâu dài”. Nếu đề xuất này được thực hiện, không những bản thân người mua dâm bị trừng phạt mà cả vợ con, họ hàng thân thích, rồi cả cộng đồng phải liên đới. Tôi từng chứng kiến một số trường hợp ở một số địa phương, chỉ vì “một lần lỡ dại” bị công khai danh tính, bị kỷ luật, khai trừ ra khỏi Đảng, gia đình tan nát. Hậu quả này quả thực rất nặng nề...  
Thực ra đây không phải là một quy phạm pháp luật mà chỉ là một quy tắc, quy ước, hương ước nào đó thôi, nhưng hậu quả của nó lại quá nghiệt ngã. Theo một nghiên cứu, trong 100 người đàn ông mua dâm bị công khai danh tính thì có tới 90% trong số đó tan vỡ gia đình. 
Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có tới hơn 30.000 cô gái bán dâm, đồng nghĩa với việc sẽ có hàng trăm ngàn người đàn ông mua dâm. Chỉ cần xử lý 10% trong số đó thôi (ước khoảng 10.000 người), đã cần tới một lực lượng xử phạt rất lớn, kèm theo đó là 10.000 gia đình tan vỡ, hàng vạn đứa trẻ phải chịu bất hạnh…
Theo tôi, mạnh tay là cần thiết, nhưng không nhất định phải dùng biện pháp sỉ nhục và trừng phạt quá nặng nề như vậy. Tại sao chúng ta không học tập kinh nghiệm của các nước khác, cụ thể là Nhật Bản hoặc Thái Lan? Tốt nhất, Hà Nội nên triệt phá các tụ điểm MD trong nội thành, hoặc xây dựng các mô hình điểm về phòng, chống MD. 
Giãn dần các cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí dễ phát sinh các dịch vụ MD ra các vùng xa khu dân cư, xa trường học, xa các trung tâm văn hóa, chính trị…, kết hợp với việc tiến hành các can thiệp giảm tác hại do MD gây ra và quản lý chặt chẽ hoạt động MD ở những khu vực này; cần nghiên cứu thay đổi mức thuế, có thể với mức thuế thật cao các dịch vụ đó. 
Những người đến “vui chơi” tại đây sẽ phải nộp phí cao, phải chấp nhận sự kiểm soát của dư luận xã hội, của cơ quan và gia đình. Cùng với đó, phải nâng cao hơn nữa nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương trong việc quản lý lĩnh vực này (nơi nào có MD hoạt động, lãnh đạo cơ sở đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm, có thể bị kỷ luật, nặng hơn là bị cách chức, khai trừ ra khỏi Đảng). Có như vậy, bài toán phòng, chống MD mới có thể từng bước được giải quyết. 

Đọc thêm