Thí điểm 'Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình' tại 12 tỉnh, thành

(PLO) - 100 gia đình công nhân, viên chức, lao động tiêu biểu có thành tích trong công tác, lao động, học tập và lối sống tốt đẹp được Liên đoàn Lao động TP Hà Nội biểu dương trong năm 2018 đều có một nét chung là họ luôn giữ được ngọn lửa yêu thương trong mái ấm của mình, luôn cùng nhau san sẻ trách nhiệm, động viên nhau vượt khó vươn lên trong cuộc sống.
Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình đặc biệt nhấn mạnh đến 4 tiêu chí ứng xử chung là: tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ.
Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình đặc biệt nhấn mạnh đến 4 tiêu chí ứng xử chung là: tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ.

Đó cũng chính là mục tiêu hướng tới của Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình sẽ được thí điểm thực hiện trên 12 tỉnh, TP trong 2 năm (2019 - 2020).

Thuận vợ thuận chồng – câu đúc kết vẫn vẹn nguyên giá trị

Cách đây hơn hai chục năm, kể từ khi bước chân đi lấy chồng, chị Chu Thị Thành, công nhân Công ty TNHH Heiwa hygiene Hà Nội – KCN Hà Nội – Đài Tư, quận Long Biên (một trong 100 gia đình công nhân, viên chức, lao động được vinh danh) bắt đầu nhận một lúc nhiều trọng trách: làm cháu, làm dâu, làm vợ, làm mẹ trong một gia đình truyền thống với bốn thế hệ.

Một gia đình với bốn thế hệ thì để duy trì được không khí gia đình vui vẻ, hạnh phúc quả là không hề đơn giản, thế nhưng suốt hơn 20 năm qua, gia đình ấy vẫn luôn đầy ắp tiếng cười. 

“Sở dĩ chu toàn được mọi việc như vậy cũng là nhờ tình yêu, sự quan tâm, chia sẻ của chồng và sự tự giác, ngoan ngoãn của các con. Người ta nói “bát đũa còn có lúc xô nữa là vợ chồng”, nhưng thật may mắn là từ khi kết hôn với nhau đến giờ đã hơn hai chục năm, hai vợ chồng tôi chưa xảy ra một cuộc to tiếng cãi vã nào, luôn biết nhường nhịn lẫn nhau.

Tuy gia đình kinh tế khó khăn nhưng chồng tôi luôn yêu thương, tôn trọng, biết chia sẻ với vợ. Chính từ tấm gương của bố mẹ mà từ nhỏ đến giờ các con tôi luôn luôn biết vâng lời, lắng nghe những lời bố mẹ chỉ bảo”, chị Chu Thị Thành chia sẻ.

Sở dĩ được như vậy vì vợ chồng chị Thành hiểu được chính mình là tấm gương cho con cái nhìn vào nên muốn con ngoan thì bố mẹ phải cư xử đúng mực. Các con của chị thấy bố mẹ vất vả, hàng ngày đi làm nên từ khi còn nhỏ đã biết phụ giúp bố mẹ làm những công việc nhà như quét nhà, rửa bát, nấu cơm. Giờ các con đều đã lớn khôn, nhưng nền nếp gia đình của anh chị thì vẫn như xưa, không hề thay đổi.

Từ câu chuyện của gia đình chị Chu Thị Thành có thể thấy cách ứng xử trong gia đình là rất quan trọng. Người xưa có câu “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”. Câu đúc kết này vẫn vẹn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay.

Thực tế đã chứng minh để có gia đình hạnh phúc thì mọi thành viên trong gia đình đều yêu thương và tôn trọng nhau, biết chia sẻ trách nhiệm trong gia đình, tích cực tham gia hoạt động xã hội, biết tạo dựng sự bình đẳng giữa các thành viên. Trong đó, bên cạnh vai trò người vợ, người mẹ trong gia đình không thể không nhắc tới vai trò của người chồng, người cha.

Bởi chính người chồng, người cha trong gia đình cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đem lại sự gắn bó, gắn kết giữa các thành viên, tạo điều kiện để người phụ nữ rút ngắn khoảng cách về thời gian làm việc nhà, có thêm thời gian chăm sóc sức khỏe bản thân, nâng cao kiến thức xã hội, giữ gìn tình yêu và hạnh phúc của chính gia đình mình.

Theo thống kê của cơ quan tố tụng, phần lớn tội phạm ở tuổi vị thành niên đều xuất phát từ những gia đình bố mẹ lục đục, tan vỡ, không hạnh phúc, cha mẹ chỉ nghĩ đến mình mà không quan tâm đến gia đình, con cái.

Thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” trên 12 tỉnh, thành

Từ thực tế này cũng như yêu cầu cấp thiết của việc lan tỏa những giá trị tốt đẹp của gia đình trong xã hội nhằm khắc phục các vấn nạn liên quan đến hôn nhân – gia đình đang có chiều hướng gia tăng hiện nay, cuối năm 2017,  Bộ VHTT&DL đã ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình theo Quyết định số 4843 /QĐ-BVHTT&DL ngày 08/12/2017 của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL.

Bộ Tiêu chí ứng xử được áp dụng cho các thành viên trong gia đình (theo quy định tại khoản 16 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014) bao gồm: vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị, em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại. 

Bốn tiêu chí ứng xử chung của Bộ Tiêu chí là: Tôn trọng (đánh giá đúng mực, coi trọng danh dự, phẩm giá và lợi ích của nhau; Bình đẳng (có nghĩa vụ và quyền ngang nhau về mọi mặt trong gia đình); Yêu thương (có tình cảm gắn bó tha thiết, quan tâm chăm sóc nhau); Chia sẻ (cùng nhau vun đắp tình cảm, chia sẻ với nhau vui buồn, khó khăn, hoạn nạn).

Nhằm mục đích đánh giá tính khả thi, đề xuất giải pháp hoàn thiện và triển khai áp dụng chính thức Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình trên phạm vi cả nước, đầu tháng 11/2018, Bộ VHTT&DL đã ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện thí điểm Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình. Theo đó, phạm vi thực hiện Bộ Tiêu chí trên phạm vi toàn quốc và tiến hành các hoạt động thực hiện thí điểm Bộ Tiêu chí tại các tỉnh/TP vào 2 năm (2019 – 2020). 

Bộ VHTT&DL sẽ tổ chức thực hiện thí điểm Bộ Tiêu chí tại địa bàn 12 tỉnh/ TP đại diện cho các vùng, miền văn hóa trên cả nước, gồm: Vùng văn hóa Tây Bắc: Lào Cai, Yên Bái; Vùng văn hóa Việt Bắc: Cao Bằng, Quảng Ninh; Vùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ: Hà Nội, Thái Bình; Vùng văn hóa Trung Bộ: Thừa Thiên - Huế, Bình Thuận; Vùng văn hóa Tây Nguyên: Lâm Đồng, Đắk Lắk; Vùng văn hóa Nam Bộ: TP HCM, An Giang.

Sở VHTT&DL, Sở VHTT các tỉnh TP còn lại căn cứ điều kiện thực tế, chủ động triển khai thực hiện thí điểm Bộ Tiêu chí theo điều kiện đặc thù của địa phương và kế hoạch hướng dẫn của Bộ. Năm 2021 sẽ tổng kết hoạt động thí điểm Bộ Tiêu chí.

Trong quá trình tổ chức thí điểm Bộ Tiêu chí, Bộ VHTT&DL lưu ý đặc biệt chú trọng tuyên truyền về kỹ năng ứng xử trong gia đình để xây dựng gia đình hạnh phúc; các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp trong gia đình; gương chung thủy, hiếu nghĩa, yêu thương, chia sẻ… giữa các thành viên trong gia đình; chính sách, pháp luật quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của gia đình, các thành viên trong gia đình; phê phán các hành vi vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em, Luật Người cao tuổi và các văn bản liên quan khác. 

Bà Trần Tuyết Ánh - Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VHTT&DL) cho biết, mỗi tỉnh TP sẽ lựa chọn tối thiểu 2 địa bàn cấp xã mang đặc trưng văn hóa nông thôn và đô thị (đồng bằng/miền núi), có sự đa dạng về các thành phần dân tộc, tôn giáo, các loại hình gia đình.
Mỗi địa bàn cấp xã lựa chọn 2 câu lạc bộ về gia đình để thí điểm đối với các gia đình là thành viên của câu lạc bộ/ hoặc 1 đến 2 đơn vị thôn (ấp, bản, làng, tổ dân phố) tùy theo tình hình thực tế của địa phương. Câu lạc bộ hoặc thôn (ấp, bản, làng, tổ dân phố) được lựa chọn cần có các loại hình gia đình trẻ, gia đình trung niên, gia đình cao tuổi; đại diện cho nhóm nghề nghiệp, tôn giáo, dân tộc… 

Đọc thêm