Thiên tai và nhân tai

(PLO) - Suốt một tuần, Bắc bộ và Bắc trung bộ trải qua một đợt lũ lụt kinh hoàng. Thủ tướng Chính phủ phải ra công điện khẩn cấp huy động sức người, sức của chống chọi với thiên tai, cứu giúp đồng bào.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tỉnh Hòa Bình thông báo tình trạng khẩn cấp. Thanh Hóa di dời hàng nghìn người dân trong đêm. Hà Tĩnh vỡ đập, xóm làng chìm trong biển nước. Nghệ An ngập lụt diện rộng trên toàn địa bàn tỉnh, sét đánh chết hai bố con đang ngủ vào lúc rạng sáng, đánh cả vào máy bay đang đậu tại sân bay Vinh. Yên Bái sập cầu, nhiều địa phương bị cô lập, thành phố chìm trong bùn. Sơn La lũ quét, 200 căn nhà trôi theo dòng nước. Đặc biệt là sự cố sạt lở đất đồng loạt xảy ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc, vùi lấp đoàn tàu hàng ở Yên Bái, gây tê liệt đường sắt, lở núi ở Tân Lạc (Hòa Bình) nhấn chìm 6 căn nhà, 19 người trong đất đá,... Sơ bộ, đợt lũ lụt này đã có hơn 50 người chết và mất tích, tài sản, hoa mầu thiệt hại rất lớn.

Rất bất thường khi giữa mùa thu thời tiết vốn ôn hòa, dễ chịu lại xảy ra mưa lớn kéo dài và giông sét dữ dội. Đó là hệ quả của áp thấp từ biển Đông và khí lạnh từ phương Bắc ập xuống cùng một lúc gây nên đại họa này. Tuy nhiên, không chỉ thiên tai mà có cả nguyên nhân từ con người mà thấy rõ nhất là nạn phá rừng là tác động trực tiếp gây nên lở đất và lũ quét. Không có rừng tự nhiên giữ nước và điều tiết nên các lượng nước ở các hồ chứa thủy điện dâng cao rất nhanh. Trong mưa lũ, thủy điện Hòa Bình lập kỷ lục xả 9 cống đáy cùng một lúc (năm 2007 kỷ lục là xả 6 cống), thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) cũng mở xả 3 cống đáy, hạ du bị ngập nước toàn diện là hệ quả tất yếu.

Cũng trong những ngày ngập lụt này, thông tin về các vụ phá rừng nhiêm trọng vẫn cứ rộ lên. Đáng ngờ nhất là các khu rừng bị phá trụi hàng trăm hec ta mà chính quyền địa phương không hề hay biết, giờ mới loay hoay tìm thủ phạm. Có vụ phá rừng ở Điện Biên để trồng hoa anh đào, rõ ràng là nhận diện rõ thủ phạm mà chẳng ngăn chặn được gì. Độc đáo (và cả độc địa nữa) là vụ phá rừng xảy ra trên địa bàn huyện Đắk Glong (Đăk Nông), gần 200ha rừng được giao cho Ban chỉ huy quân sự tỉnh làm nơi diễn tập của quân đội đã bị phá trụi, trong đó có 135 ha là rừng tự nhiên. Không xử lý đến nơi đến chốn được vụ này coi như bọn lâm tặc đã được phong quân hàm và không ai làm gì nổi.

Hậu quả khủng khiếp của thiên tai đã rõ mà người ta hoặc làm ngơ, hoặc thông đồng với những kẻ “nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”. Các dự án chặn dòng suối, dẫn nước đi nơi khác vẫn đang được thông qua và tiến hành, mặc cho người dân địa phương chịu hậu quả từ biến đổi thời tiết, mất mùa đến mối đe dọa của quả bom nước trên đầu.

Thiên nhiên không còn cảnh báo nữa mà đã thực sự trừng phạt vì con người không chung tay bảo vệ nó. Hậu quả nặng nề của đợt lũ lụt vừa qua là một bài học nhãn tiền và cả xã hội phải gồng sức lên mà chịu đựng, cần đến rất nhiều sức lực và thời gian mới khắc phục được. Nhưng, hẳn đây không phải đợt lũ lụt cuối cùng và kỷ lục, nó sẽ lập những kỷ lục mới nếu con người vẫn ra sức tàn phá thiên nhiên một cách không thương tiếc!

Đọc thêm