Thiệt hại nặng về người và tài sản do mưa lũ ở miền núi phía Bắc

(PLO) - Thống kê chưa đầy đủ, Hòa Bình có gần 20 người mất tích, Yên Bái có hơn 10 người. Mưa kéo dài kéo theo lũ dữ còn khiến nhà cửa, đường sá những tỉnh này bị thiệt hại nặng nề.
Mưa lũ vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp trong đêm 11 và ngày 12/10.
Mưa lũ vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp trong đêm 11 và ngày 12/10.

20 người bị lũ cuốn mất tích ở Hòa Bình

Thống kê chưa đầy đủ, tại Hòa Bình bước đầu xác định có 4 - 6 hộ gia đình đã bị nước lũ cuốn trôi. Nhận định ban đầu có khoảng 15 - 20 người đang mất tích. Thông tin về số người bị nạn đang được khẩn trương xác minh.

Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Hòa Bình đã giao Thượng tá Lê Hoa Vương – Phó Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ huy lực lượng cơ động gồm 20 cán bộ, chiến sĩ lên hai xã trên để chỉ huy và phối hợp với lực lượng tại chỗ gồm Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đà Bắc và lực lượng dân quân tự vệ các xã để khẩn trương tìm kiếm cứu nạn.

Do mưa lớn kéo dài, đường bộ nhiều đoạn bị tê liệt, Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh phải cơ động bằng tàu thủy TZ 1200 chở 20 cán bộ chiến sĩ cùng lực lượng chức năng khác trong tỉnh vượt sông Đà lên địa bàn bị lũ quét.

Lũ lụt làm hỏng đường ở Đà Bắc - Hòa Bình.
Lũ lụt làm hỏng đường ở Đà Bắc - Hòa Bình.

Xã Đồng Nghê và xã Suối Lánh là hai xã xa nhất của huyện Đà Bắc, giáp tỉnh Sơn La. Tính đến 11h ngày 11/10, lực lượng đã vượt được khoảng 2/3 quãng đường. 

Đại tá Vũ Thành Nam - Phó Chỉ huy trường, Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Hòa Bình - cho biết, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình yêu cầu về việc huy động lực lượng tìm kiếm cứu nạn ở 2 xã Đồng Nghê và Suối Lánh (huyện Đà Bắc).

Mưa lớn ở Yên Bái cuốn trôi nhà dân, gây thiệt hại nặng về người và tài sản

Theo thông tin lúc 11h hôm nay, tại huyện Trạm Tấu đã có 10 nhà bị trôi sạt, một người chết và ba người mất tích, bốn người bị thương. Nạn nhân là bà Lò Thị Ươi, thôn Hát 2, xã Hát Lìu bị chết; chồng và hai con bị nước cuốn trôi, mất tích. Hiện tại, toàn bộ thị trấn Trạm Tấu bị mất điện lưới, các mạng viễn thông đều không liên lạc được.

Tại khu vực suối Nung (thị xã Nghĩa Lộ), mực nước lũ dâng cao đỉnh điểm vào lúc 4h30 phút sáng nay (11-10), ảnh hưởng hơn 60 hộ dân sinh sống dọc hai bên suối thuộc địa phận các tổ dân phố 1, 2, 3, 15, 16 và các bản Ngoa, bản Noong, bản Noọng của phường Pú Trạng. Trong đó, có hai nhà tạm bị cuốn trôi hoàn toàn; môt người bị lũ cuốn trôi đã được cứu sống; một người bị điện giật đang được điều trị; còn lại chủ yếu là các hộ bị ngập lụt ảnh hưởng nghiêm trọng về tài sản, hoa màu. Trung tâm Y tế thị xã Nghĩa Lộ và nhiều hộ dân ở đây cũng bị ngập sâu trong nước.

Tại suối Thia, nước lũ cũng dâng rất cao, chảy xiết, xuất hiện trên dòng lũ là nhà cửa, tài sản, trâu bò từ đầu nguồn trên chảy về. Nước lũ cũng cuốn trôi nhà văn hóa tổ 2 phường Cầu Thia, gây gập úng nhiều nhà dân ở Thôn Rà Rèn, xã Nghĩa Lợi, kèm theo nhiều diện tích hoa màu, ngô đông bị ngập, nhiều ao cá bị cũng bị lũ cuốn trôi.

Một số người bị cuốn trôi khi nhịp cầu bị sập.
Một số người bị cuốn trôi khi nhịp cầu bị sập.

Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão thị xã Nghĩa Lộ và các xã, phường đã tích cực triển khai các phương án di dời người, nhà cửa, tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm. Theo đó, đã triển khai các lực lượng công an, bộ đội, dân quân tự vệ giúp dân di dời tài sản, trực tiếp cứu hộ, cứu nạn những gia đình bị ngập, di dời đến nơi an toàn. Đồng thời, chốt chặn các địa điểm nguy hiểm và cảnh báo cho người dân; tuyên truyền, vận động người dân không vớt củi, đánh bắt cá nguy hiểm đến tính mạng. Chủ động thống kê thiệt hại để có giải pháp khắc phục và hỗ trợ trước mắt giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Cùng việc chỉ đạo ứng phó tình hình bão lũ, thị xã Nghĩa Lộ đã kịp thời thăm hỏi, động viên một số hộ gia đình bị lũ cuốn trôi nhà cửa, tài sản. Trường hợp anh Vũ Văn Tân, ở tổ 7, phường Pú Trạng bị lũ cuốn trôi được cứu sống hiện đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện đa khoa khu vực Nghĩa Lộ.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy cùng Ban PCLB-TKCN tỉnh đang có mặt tại hiện trường, chỉ đạo việc khắc phục thiên tai.

Một số nguồn tin từ TTXVN cho biết có 2 phóng viên của cơ quan này bị lũ cuốn trong khi đang tác nghiệp tại khu vực mưa lũ ở Yên Bái. Một người đã thoát nạn an toàn, còn một người - nhà báo Đinh Hữu Dư, phóng viên thường trú của TTXVN tại Yên Bái - vẫn chưa được tìm thấy.

Cũng theo thông tin từ TTXVN, đến nay trên địa bàn Yên Bái đã có 16 người chết và mất tích, tại huyện Trạm Tấu, thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn.

Việc xác minh và tìm kiếm những người bị mất tích đang được các lực lượng chức năng khẩn trương tiến hành.

Nước lũ cô lập nhiều xã ở Phú Thọ

Do ảnh hưởng vùng áp thấp, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có mưa, nhiều nơi mưa rất to trên diện rộng, kéo dài nhiều giờ đồng hồ, gây ra lũ, ngập úng làm thiệt hại về thủy sản và hoa mùa của người dân...

Tại huyện Tam Nông, mưa lớn, nước từ đầu nguồn đổ về trên sông Bứa, khiến mực nước lên cao đã làm 58 hộ với gần 230 nhân khẩu phải di chuyển khẩn cấp; 34 lồng cá của người dân bị vỡ, hư hỏng; 30ha ao bị vỡ, tràn. Ngoài ra mưa lũ cũng đã làm hơn 200ha ngô thiệt hại. Thiệt hại ban đầu ước tính gần 7 tỷ đồng.

Tại huyện Thanh Sơn, mưa lũ đã làm sạt lở 125 m đường giao thông; 3 cầu bị nước xói chân cầu có nguy cơ bị sạt chân cầu; 220 nhà dân, trường mầm non bị ngập, trong đó nhiều nơi bị cô lập hoàn toàn. Ngoài ra, mưa lũ đã làm gần 400 ha hoa màu bị ngập. 

Ngay sau khi mưa lũ xảy ra, lãnh đạo các huyện đã xuống hiện trường, trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục. Huyện Tam Nông chỉ đạo các địa phương bị ảnh hưởng huy động toàn bộ lực lượng công an, dân quân tự vệ… hỗ trợ người dân di chuyển người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Lũ trên sông Bứa gây thiệt hại nặng.
Lũ trên sông Bứa gây thiệt hại nặng.

UBND huyện Thanh Sơn cũng chỉ đạo các xã, thị trấn ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả thiên tai, tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, ngập úng, lũ ống, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân cư đảm bảo an toàn. Tăng cường thông tin tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn người dân chủ động ứng phó, cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các đập tràn có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét trên địa bàn huyện. Đặc biệt đối với xã Sơn Hùng và Thị trấn Thanh Sơn có các hộ dân bị ngập úng, huyện đã chỉ đạo xã chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng di dời các hộ đến nơi an toàn

Bộ Tư lệnh Quân khu 2 đã điều động 200 cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn 543 và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Thọ cùng 90 dân quân tại chỗ, 5 xuồng cao tốc, 1 ca nô cứu nạn chuyên dụng, 12 ô tô các loại có mặt tại các điểm ngập của huyện Tam Nông và Thanh Sơn để giúp dân. Tính đến thời điểm này, lực lượng tại chỗ của Quân khu 2 đã cứu được 6 người và tài sản bị lũ cuốn trôi trên sông Bứa, di dời được hàng trăm hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Đọc thêm