Thiếu nữ người rừng... không thích mặc quần áo, đi bằng tay

(PLO) - Rơ Chăm Hơ Pơ Nhiêng (SN 1976, Rơ Chăm H’Pnhiêng, ngụ tỉnh Gia Lai) về với gia đình sau 18 năm lưu lạc trong rừng sâu. Ban đầu, cô đi bằng cả hai tay, hai chân; tóc và lông tay, lông chân đều dài; vừa mặc quần áo cô gái đã xé nát tươm, thậm chí không cầm được bát đũa. Hi vọng đưa cô gái trở về cuộc sống đời thường của gia đình gần như vô vọng.
H'Pnhiêng được tìm thấy trong rừng năm 2007
H'Pnhiêng được tìm thấy trong rừng năm 2007

Tình cờ phát hiện “người rừng”

Tháng 1/2007, một đồn phó công an cửa khẩu Oyadav (đồn cửa khẩu thuộc Campuchia, giáp tỉnh Gia Lai của Việt Nam) tiếp nhận thông tin của nhóm thợ khai thác gỗ nghi ngờ có “người rừng”.

Nhóm thợ này khai thác gỗ ở cánh rừng Tel, xã Oyatung, huyện Oyadav (Campuchia). Họ liên tục bị ăn vụng nồi cơm, “thủ phạm” sau đó được tìm thấy khiến nhiều người bất ngờ. Đó là một người đen đúa, không mảnh vải che thân, đầy lông lá, tóc dài, chuyền cành rất giỏi bằng cả tay chân. “Người rừng” này không nói được mà chỉ ú ớ.

Ngay sau khi công an huyện Oyadav tiếp nhận “người rừng”, có nhiều người hiếu kì đến xem. Gia đình ông Ksor Lu (khi đó đang là Công an huyện Oyadav, tỉnh Ratanakiri, Campuchia) đã nhận là con gái họ bị lạc vào rừng từ 18 năm trước. 

Danh tính của “người rừng” được hé lộ là Rơ Chăm Hơ Pơ Nhiêng (SN 1976, còn có tên Rơ Chăm H’Pnhiêng). Từ nhỏ H’Pnhiêng đã biết giúp đỡ gia đình từ việc chăm nương rẫy, chăn trâu. Cô bé thường kết thân với đứa em trai họ gần nhà để đi chăn trâu.

Đầu năm 1989, vào buổi chiều muộn một con trâu bị lạc khiến chị em H’Pnhiêng hoảng sợ cuống quýt đi tìm. Từ đó, gia đình gần như bặt tăm tin tức của hai chị em.  

H'Pnhiêng được gia đình ông Ksor Lu đưa về
H'Pnhiêng được gia đình ông Ksor Lu đưa về 

Sau khi đưa con gái về, gia đình phải mất rất nhiều thời gian mới đưa H’Pnhiêng hòa nhập được với lối sống thường ngày. Nhiều lần cô gái trốn vào rừng sâu nhưng không ai bắt kịp bởi H’Pnhiêng chuyền cành rất nhanh.

Em trai “người rừng” cho biết hồi mới về chị gái đi đứng và ăn theo bản năng. Cô gái đi bằng cả hai tay hai chân, hai bàn tay không có thịt và chai sần vì chống xuống đất. H’Pnhiêng đi bằng mũi chân, tóc dài, lông tay lông chân và móng tay đều dài. Quần áo vừa mặc vào cô đã xé nát, không cầm được bát đũa, tay lóng ngóng như tay vượn. Có đêm, khi mọi người ngủ say, H’Pnhiêng xuống bếp bốc gạo sống nhai ngấu nghiến. 

Mỗi khi buổi chiều chạng vạng, con mang tác nơi bìa rừng, con vượn hú bầy phía xa thì bản năng của H’Pnhiêng lại trỗi dậy. Cô toan vùng chạy vào rừng nhưng được mọi người ngăn cản.

Gia đình tưởng chừng như không có hi vọng đưa “người rừng” trở về lối sống bình thường. Đau khổ nhất vẫn là người mẹ, bà kiên nhẫn tiếp cận con nhưng càng khiến cô gái hoảng sợ hơn. Trong nỗi vô vọng, bà Rơ Chăm H’Soi nhớ khi còn nhỏ H’Pnhiêng được nghe những điệu dân ca J’rai nên hát cho cô nghe. 

Không ngờ những làn điệu dân ca ấy đã đánh thức tiềm thức hiếm hoi của “người rừng”. Cô gái ú ớ hát theo dù không thành lời. Nước mắt chảy tràn, cô gái chạy đến ôm mẹ, cả nhà cùng khóc theo. 

Hành trình trở về

Câu chuyện về cô gái sống như thế nào suốt 18 năm trong rừng già vẫn là một câu hỏi lớn. Trong những lần kí ức vụt lóe sáng, cô từng cầm bút bằng chân và tay vẽ hàng chục bức tranh về cuộc sống trong rừng. Trong tranh có hình ảnh của H’Pnhiêng, có muông thú, cây cổ thụ, có những con người nhiều đầu.

Bản năng con người trở lại, H’Pnhiêng không còn sợ hãi, nhận ra người thân, biết cầm muỗng xúc cơm, rửa cả chén bát khi ăn xong, đi vệ sinh đúng chỗ. Những cánh rừng thưa dần do sự chặt phá, H’Pnhiêng đã sống hẳn trong ngôi nhà nhỏ dành cho mình. Nỗi lưu luyến về cuộc sống 18 năm trong rừng già dường như đã vơi bớt.

Tuy nhiên, ngày 13/8/2016 người đàn ông Việt Nam tên Peo, 70 tuổi, đã đến tìm và khẳng định H’Pnhiêng chính là con ruột của mình. Ông chứng minh H’Pnhiêng là con gái mình bằng nhiều giấy tờ. Trên hồ sơ, người phụ nữ này là Đinh Thị Tak ở làng Tơ Răh 2, xã Bar Măih, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Ông Peo tiết lộ rằng nhận ra đứa con đáng thương bị tâm thần của mình sau khi thấy ảnh được đăng tải trên Facebook. 

Đoàn tụ với gia đình sau bao năm xa cách
Đoàn tụ với gia đình sau bao năm xa cách

Người cha nói con gái mắc bệnh thần kinh từ nhỏ nên thường đi lang thang. Vết sẹo trên tay Tak là do hồi nhỏ bị ngã. “Nhìn nét mặt nó mà xem, y hệt tôi. Đúng là nó đây chứ không phải ai nữa. Nó nói được cả tiếng Ja Rai và tiếng Ba Na của mình. Còn đứa con gái bị thất lạc của gia đình bên Campuchia không bị điên”, ông quả quyết.

Ông kể, khi cả nhà đi rẫy về thì không thấy Tak đâu, dân làng bỏ công đi tìm khắp nơi nhưng chẳng ai biết. Phần vì cuộc sống khó khăn, Tây Nguyên thì mênh mông bát ngát nên sau mấy tháng cất công đi tìm, ông đành bất lực trở về vì nghĩ Tak đã chết.

Tháng 7/2007, một thanh niên có đưa cho ông xem hình ảnh về Tak trên báo. Lúc đó Tak được kể là đã tìm thấy ở bìa rừng và có gia đình ở Campuchia nhận nuôi. Nhưng khi ấy, ông nửa tin nửa ngờ, thấy đường đi mấy trăm cây số, không phải con mình lại mất công nên thôi.

Sau nhiều năm dành dụm tiền, ông quyết tâm sang Campuchia tìm con. Biết chắc chắn là con gái, nhưng ông cũng phải mất 4 lần thuyết phục mới đưa được Tak về. Đưa Tak ra khỏi nhà, mấy người trong gia đình của ông Ksor Lu - gia đình đã nhận nuôi nấng Tak hàng chục năm khóc như mưa.

Phía trong ngôi nhà gỗ của ông Peo, Tak được cắt tóc ngắn, mặc một bộ đồ mới, ngồi ở thềm gỗ. Đôi mắt Tak vẫn ngờ nghệch, ngây dại. Ai hỏi gì cũng ú ớ đôi ba tiếng không rõ nghĩa. Tak được người làng dựng cho một cái chòi phía sau nhà ông Peo bởi nhiều năm nay Tak đã ở như thế bên gia đình tại Campuchia. 

(Còn nữa)

Đọc thêm