Thiếu nữ trượt ngã từ... 'cú đẩy' của gia đình

(PLO) - Đó là câu chuyện của rất nhiều cô gái trẻ từng là nạn nhân của nạn mua bán người. Tại Ngôi nhà Bình yên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, không hiếm những ký ức thấm đẫm nước mắt về hành trình bị mua bán và trở về.
Hình minh họa
Hình minh họa

“Lúc 14 tuổi, một phần do bạn bè rủ rê lôi kéo, phần do bố mẹ không quan tâm chăm sóc và bị chửi mắng nên em đã bỏ nhà đến ở cùng với hai người bạn quen trên mạng. Không ngờ chính họ lại lừa bán em sang Trung Quốc. Bà chủ mua em với giá 5000 tệ và bắt phải làm gái bán dâm hoặc lấy chồng. Em không chọn gì cả liền bị bà ta đánh đập và gí que lửa vào chân. Quá đau đớn nên em đã đồng ý lấy chồng. Nhà chồng thì kẻ điên, người què, người bệnh nên em bị đánh đập liên tục”. 

“Năm em học lớp 8 bố mẹ ly hôn. Một năm sau mẹ lấy chồng và ít quan tâm đến chị em em hơn, bố dượng thì hay đánh đập, chửi mắng. Em chán đã bỏ nhà ra đi và bị một chị người quen lừa bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm. Một ngày em phải tiếp từ 10-15 khách, đêm giao thừa khách đông đến nỗi em không có thời gian mặc nổi bộ quần áo lên người...”.

Qua những tâm sự trên đây có thể thấy, bên cạnh những nguyên nhân như thiếu hiểu biết, thiếu thông tin, muốn thoát nghèo thì nhiều nạn nhân, nhất là trẻ em đã sa vào con đường bị mua bán chính vì sự xáo trộn của gia đình, sự thờ ơ, thiếu quan tâm của người thân.

Không chỉ vậy, khi được giải cứu trở về, những tưởng nỗi đau ngỡ như đã dừng lại khi họ được giải thoát về đoàn tụ cùng gia đình, vậy nhưng tại chính nơi ấy họ lại tiếp tục trở thành nạn nhân mới của sự kỳ thị bởi chính gia đình mình. Sau đây là những dòng tâm sự như thế:

“Mẹ em cảm thấy rất khổ tâm và xấu hổ. Bà bảo hàng xóm nói em đi Trung Quốc làm gái mại dâm vì chê ở Việt Nam làm được ít tiền quá. Giờ thì bệnh tật vào người rồi nên bị đuổi về Việt Nam. Sau đó không lâu cha mẹ em tìm cho em một người chồng, bất chấp việc anh ta đang là người nghiện hút”.

“Ngày trở về em tưởng đã thoát khỏi thế giới ngục tối, không còn phải lo lắng sợ hãi nữa. Thế nhưng thật đau lòng, khi em trở về nhà lại chịu thêm sự kỳ thị của làng xóm, bạn bè, người thân và cả người cha dượng. Mọi người đã dùng những từ ngữ rất khó nghe để lăng mạ, xúc phạm em... Mỗi lúc như vậy em lại nghĩ đến cái chết...”.

Nỗi đau thân thể thì có thể được điều trị, nhưng những tổn thương về tâm lý dù có cố gắng cũng không thể phai nhạt. Theo các nhân viên công tác xã hội tại Ngôi nhà Bình yên, đối với đa số nạn nhân bị mua bán trở về, những gì họ trải qua thường gây cho họ những ám ảnh. Nỗi ám ảnh đó nếu không được điều trị kịp thời cũng như không nhận được sự sẻ chia từ người thân, gia đình thì sẽ để lại hậu quả xấu cho nạn nhân, thậm chí là bệnh thần kinh, điên loạn.

Đọc thêm