Thiếu nữ vượt 1200km viết truyện tình cổ tích với chàng trai bại liệt

(PLO) - Đọc bài báo viết về chàng trai bại liệt, chị Hồ Thị Nga (SN 1977) rơi nước mắt thương cảm. Tiếng gọi của trái tim, đã khiến chị vượt 1200 km, tìm người đàn ông của cuộc đời mình, cùng nhau viết nên câu chuyện ngỡ như cổ tích.
Hình minh họa - Internet
Hình minh họa - Internet
Số phận bất hạnh
Lê Văn Thành, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở huyện Hoàng Xuân (Thanh Hóa). Nhà nghèo, phải cố gắng vô cùng, Thành mới trở thành sinh viên Trường ĐH Thương mại. Đầu năm 2 đại học, bố Thành đổ bệnh nặng. Thành quyết định bảo lưu kết quả học tập, vào TP.HCM làm thuê kiếm tiền chữa bệnh cho bố. 
Một ngày, đang đứng trên lầu 3 của công trình, Thành không may trượt chân ngã. Cú ngã định mệnh ấy làm đôi chân của Thành bại liệt. Nghe tin dữ, người bố ở quê đau xót qua đời.  
Lo tang cho chồng xong, mẹ Thành khăn gói tức tốc vào chăm lo cho con trai. Tuổi già sức yếu lại cộng thêm bệnh hở van tim, rối loạn tiền đình nên không làm được gì nhiều. Không có tiền trả viện phí, hai mẹ con ngậm ngùi xin ra viện khi vết thương vẫn còn rỉ máu. 
Thuê được căn nhà trọ nhỏ, xin được chiếc xe lăn, hàng ngày mẹ đẩy Thành đi qua các ngõ phố Sài Gòn ăn xin, bán vé số.  Suốt 7 năm qua, Thành sống kiếp tàn phế, không thể làm được việc gì, kể cả vệ sinh cá nhân, tất cả đều dựa vào người mẹ. 
Thế rồi một ngày cuối năm 2013,  “phép màu” đã tới. Nhìn vào mắt người yêu, Thành nói: “Cám ơn ông trời đã đưa Nga đến bên tôi. Từ nay tôi đã có lý do để sống tiếp”.
Bài báo se duyên
Chị Nga sinh ra và lớn lên trên vùng rẻo cao của mảnh đất huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Năm 13 tuổi, Nga phát hiện bị bệnh phù chân voi. Dù đã trải qua một cuộc phẫu thuật nhưng được một thời gian đôi chân lại càng phát triển. Không có tiền đi viện tiếp, Nga đành gánh chịu nỗi đau mặc cảm về đôi chân “quái dị”.
Từ đó, cô gái sống khép kín, quanh quẩn trong khu vườn nhà. Đầu năm 2013, tình cờ cô đọc được một bài báo viết về Thành. Đọc xong, cô ướt đẫm nước mắt, nhắn tin kết bạn.
“Lần đó tôi chỉ nghĩ nhắn tin hỏi thăm thôi. Ai ngờ Thành cũng nhắn tin lại. Được đôi lần Thành không nhắn nữa. Lòng tự ái của người con gái nổi lên, thế là tôi xóa số Thành luôn”, chị Nga nhớ lại.
Hơn một năm mất liên lạc. Đến ngày 8/3/2014, bỗng dưng chị nhận được một cuộc điện thoại chúc mừng. Giọng nói yếu ớt của Thành, chị nhận ra ngay. “Không hiểu sao nghe giọng nói ấy mình rất vui mừng, cảm giác ấm áp vô cùng. Mình hỏi Thành “sao vẫn còn số điện thoại” và Thành ấp úng bảo: “Vì mình nhớ trong đầu trong tim mà…””, chị nhớ lại. 
Một sáng, chị Nga bỗng nhận được tin nhắn: “Em có thể vào đây với anh không? Mẹ anh cũng già rồi, giá như có người con gái nào đó chịu thiệt ở bên cạnh anh thì tốt biết mấy”. Câu nói ấy đã tiếp thêm động lực, chị xếp quần áo tức tốc bắt xe xuống Đông Hà, tìm xe vào Nam. 
Ước mơ đám cưới
Xe dừng bánh trên đất Sài Gòn, Nga hồi hộp lê chân tìm gặp Thành. “Lần đầu tiên gặp mặt mà cả hai đều có cảm giác giống như người yêu xa từ lâu lắm rồi mới được gặp lại. Hai đứa cứ nhìn nhau khóc mà chẳng nói câu nào. Thành đưa bàn tay yếu ớn cầm lấy tay mình, cảm giác ấm áp đến lạ”, đôi mắt Nga lấp lánh khi nhớ lại.
Thế nhưng, được 3 hôm là chị Nga đã kiệt sức, muốn bỏ cuộc. Nhiều người xung quanh dèm pha, bảo chị đừng dấn thân vào mà khổ cả đời. Vừa buồn tủi vừa nhớ nhà, cô gái lặng lẽ ngồi trong bóng tối khóc một mình. 
Biết chuyện, trái tim Thành đau đến ngộp thở. Chàng trai đưa ra ý kiến khi hai dòng nước mắt chảy ngược: “Em đi tìm hạnh phúc khác đi. Anh xin lỗi, anh chỉ làm em khổ hơn mà thôi”. 
Khi anh ngắt lời, Nga bỗng gục vào lòng Thành, òa khóc. Nghe câu nói ấy, chị biết sẽ không có ai yêu thương mình hết mực như Thành. “Mới đó mà đã được sáu tháng rồi, bây giờ mình không thể sống thiếu Thành được nữa. Mình sẽ làm đôi chân của Thành đến hết cuộc đời”, chị Nga khẳng định.
Mặc cho phòng trọ chật chội, dột nát, dãy (ở 47/22, đường 120- khu phố 2, phường Tân Phú, quận 9), họ vẫn luôn ngày ngày vun đắp hạnh phúc. Mọi người ở đây quen với hình ảnh cô gái “chân voi” yếu ớt đẩy Thành đi bán vé số ở khu vực Suối Tiên. 
Những ngày trở trời, cơ thể họ đều đau nhức nhưng vẫn gượng cười để dựa vào nhau quên đi bệnh tật hành hạ. 
Nói về ước mơ, Thành ngại ngùng chia sẻ: “Tôi chỉ ước Nga được hạnh phúc. Tôi đã gọi điện về thuyết phục mẹ Nga cho hai đứa lấy nhau và bà đã đồng ý. Giá như tôi có tiền để chữa đôi tay khỏe hơn. Như thế Nga sẽ không phải lê đôi chân đau đẩy tôi đi bán vé số. Tôi có thể tự đẩy xe lăn kiếm tiền và tổ chức một đám cưới”./.

Đọc thêm