Thợ đá cược mạng sống với tử thần

(PLO) -Có thanh âm nào khô khốc, chát chúa bằng tiếng búa tạ, mũi khoan chọi khoét vào lòng đá? Có nhọc nhằn nào bằng miếng cơm, manh áo người thợ đá làm ra. Và, có đau đớn, ám ảnh nào bằng cái chết bị đá đè, rớt xuống từ núi đá? Đời thợ đục đá, chẻ đá đối mặt với sinh tử trong tấc gang. 
Thợ đá cược mạng sống với tử thần
“Tôi làm gì có lựa chọn”
Đó là câu “chào khách” khi chúng tôi hỏi anh Trần Hoàng Minh Tâm (SN 1980, ngụ tại thôn Xuân Ngọc, xã Vĩnh Ngọc, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) vì sao không chọn một nghề nào khác để kiếm cơm thay cái nghề đục đá quá nguy hiểm và vất vả này. Theo người đàn ông này cho biết, tuổi trẻ của mình không được may mắn như bạn bè cùng trang lứa nên bây giờ ông mới là thợ đục đá như vậy. 
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, đông anh em ở một huyện nghèo Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, anh Tâm không có điều kiện được ăn học như bạn bè. 15 tuổi, anh đã đã rời quê đi khắp nơi để làm thuê, làm mướn nuôi bản thân.
Đi nhiều nơi, làm nhiều nghề khác nhau như làm cỏ thuê, làm gạch thủ công, làm phụ hồ từ Nam chí Bắc nhưng đối với anh, không nghề nào trụ được lâu. Năm 18 tuổi, anh được nhận làm công nhân ở một nhà máy chế biến nhựa ở Sài Gòn, nhưng được vài ba tháng thì bị đuổi vì không có bằng cấp nghiệp vụ. 
Từ cuối năm 2002, anh Tâm thất nghiệp và về nhà người em rể ở xã Vĩnh Ngọc để ở tạm, chờ kiếm việc làm. Cũng trong thời gian này, anh đã quen với những người thợ đá địa phương. Như “mở cờ trong bụng” vì có được việc làm có tiền, Tâm liền hì hục mang búa đục ra bãi để làm đá cùng với đám thợ. 
Anh Tâm đã 13 năm gắn bó với nghề
Anh Tâm đã 13 năm gắn bó với nghề 
Nhưng không phải cứ muốn là được, nghề gì thì cũng cần phải qua trường lớp hoặc người lành nghề chỉ dẫn mới thành. Em rể của Tâm đã bỏ tiền mua sẵn đục, búa lớn nhỏ các loại, xà beng và sang những mỏ đá lớn để tìm “thầy” truyền nghề cho anh trai mình. “Người bình thường thì có khi phải học 6 tháng đến 1 năm mới có thể thạo nghề, nhưng vì gia đình không có đủ tiền để cho tôi học, vả lại cũng muốn nhanh đi làm nên tôi chỉ học 3 tháng rồi đi làm luôn. Mỗi tháng học phải đóng hơn 1 triệu đồng tiền học nghề chứ chẳng ít ỏi gì, với số tiền này những năm trước đó có thể chi tiêu được một tháng”, người thợ đá gạt mồ hôi trên mặt tiếp lời.
Vừa trò chuyện với chúng tôi, anh Tâm vẫn không rời tay khỏi những chiếc đục, những chiếc búa giáng xuống từng hồi trên bọng đá lớn. Mồ hôi nhễ nhại trên mặt và ướt đẫm lớp áo nhưng vẫn không làm người đàn ông này cảm thấy nhụt chí. Ngược lại, dưới cái nắng đỏ ong của dải đất miền Nam Trung bộ, dáng người chắc nịch của người thợ đá có thâm niên hơn 13 năm trời vẫn mạnh mẽ trong từng nhát búa.
 Khi đã đục thành những lổ nhỏ trên bề mặt bọng đá, người thợ đá đặt những thanh thép cứng theo từng lỗ nhỏ đã định sẵn và giáng búa lớn xuống cho đến lúc bọng đá bong ra theo một chiều thẳng. Sau khi đã chẻ đá ra thành từng đoạn nhỏ hơn, công đoạn cuối cùng là đẽo những đoạn đá này thành viên tùy theo kích thước mà những người mua đặt hàng. 
“Chúng tôi làm đá thủ công thì chỉ đơn giản như thế này, thu nhập thấp lắm, có ngày chỉ được vài chục ngàn đồng. Nhưng không làm đá thì chẳng biết bám víu vào đâu. Không có đất đai, nghề nghiệp cũng không, nên dẫu biết nguy hiểm cũng phải gắng bám trụ lấy nghề để sống và có miếng cơm nuôi bản thân cùng gia đình. Mỗi viên đá thành phẩm, chúng tôi kiếm được khoảng 2500-3000 đồng là cùng, ngày gắng lắm cũng chỉ đủ mua gạo mua mắm thôi, chứ làm cái nghề này mà nói đến chuyện giàu có thì không bao giờ”, ông Bảy Nỗi (SN 1964, một thợ đá lâu năm) cho biết.
Cược mạng sống với đá 
 Những năm gần đây, số thợ đá ngày càng giảm đi. Đó cũng là điều dễ hiểu cho cái nghề “5 ăn – 5 thua” này. Với số tiền kiếm được khiến cho nhiều gia đình có được bữa ăn qua ngày, đôi lúc “trúng mánh được giá” có thể sắm được vài thứ nhưng chẳng đáng là bao. Ở một góc khác của cuộc sống những người thợ đá, sự mất mát trong nghề “kiếm cơm trong đá” là điều không thể tránh khỏi. 
Chỉ trong năm 2014, ở khu vực chân núi Hòn Thơm có đến 2 trường hợp thợ đá thương vong. Anh Tâm cho biết, cách đây vài tháng, ông Võ Văn Quảng (SN 1965, ngụ ở huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) trong lúc đang đục đá thì chẳng may bị búa rơi trúng đầu và tử nạn ngay sau đó.
Một trường hợp khác là ông Trần Phương Hùng (SN 1974) từ Hà Tĩnh vào Khánh Hòa để làm  nghề đá, kiếm tiền gửi về nhà nuôi vợ và con đang ăn học. Trong lúc đục đẽo, chẳng may mảnh dăm đá văng bụng, vào mắt phải. Dù anh em thợ sơ cứu và đưa đến bệnh viện ngay để gắp đá ra khỏi mắt nhưng quá trễ, mắt phải của người thợ bị thương tích nặng đến nỗi không bao giờ còn có thể nhìn được ánh sáng mặt trời nữa. Nước mắt và mồ hôi, thậm chí cả máu của người thợ đá là những cơ cực trong nghề không phải ai cũng có thể hiểu hết được. 
Những người thợ đá lâu năm cho biết, làm nghề này sống chết cũng chỉ trong gang tấc. Có lẽ hiểu được những nguy hiểm rình rập mà những người làm nghề này không mong muốn gắn bó lâu dài với nó. Nhưng hiện tại, việc làm vẫn là bài toán chưa tìm được đáp số cho phần đông lao động chân tay ở khu vực này. 
Người thợ đá luôn đối mặt với nhiều nguy hiểm
Người thợ đá luôn đối mặt với nhiều nguy hiểm 
Những người không có việc làm đành phải liều lĩnh để kiếm miếng miếng cơm manh áo cho vợ cho con. Thực tế đã không ít người “về hưu” sau vài năm làm thợ đá. Họ tích lũy được một số vốn để tính những việc làm ăn khác. Có người dùng số tiền từ nghề làm đá để đầu tư chuồng trại nuôi heo, nuôi gà, trong khi đó số khác lại bỏ nghề để trở lại con đường làm thuê làm mướn vì không chịu được vất vả. “Nhiều trường hợp do quá vất vả đã phải bỏ nghề vì chịu không nổi mấy chú à”, ông Bảy Nỗi tâm sự. 
“Mỗi ngay đục đẽo hì hục từ sáng đến tận tối chỉ được khoảng được hơn chục viên đá thành phẩm, so ra mức giá lao động cũng chẳng được mấy cọc mấy đồng, nhưng không làm thì lấy gì mà ăn. Làm nghề đá phải có sức khỏe tốt và sự dẻo dai chứ không thì cũng không trụ được. Mỗi viên đá “chảy máu con mắt” làm ra nhưng những người mua cứ trừ đầu trừ cuối hết chứ còn mấy đâu. Làm được đồng nào thì ăn qua ngày, chứ đâu mà tích lũy”, anh Tâm chốt lại câu chuyện kèm theo tiếng thở dài.
Một ngày ở cùng những thợ đá chân núi Hòn Thơm, tận mắt chứng kiến sự vất vả của những phận đời nghề “kiếm cơm từ đá”, chúng tôi không khỏi bùi ngùi cho những con người nơi đây. Những người thợ đá như anh Tâm liệu có đủ kiên nhẫn để bám nghề? Hơn nữa, đa số những người thợ đá ở khu vực này đều làm việc thủ công một cách hết sức nguy hiểm cùng với những vật dụng vô cùng thô sơ. 
Đó còn chưa kể bụi đá ảnh hưởng trực tiếp qua đường hô hấp đối với các thợ làm việc. Lao động theo kiểu thuê mướn thời vụ, tiền công hàng tháng qua chủ hoặc cùng làm, cùng chia lợi nhuận khiến cuộc sống của những người như ông Bảy Nỗi, anh Tâm bấp bênh không ổn định. Anh Tâm nói: “Cũng muốn làm công việc khác, nhưng thời buổi này mình học ít, không có bằng cấp nên không xin đâu được việc chứ ai chả muốn làm công việc ít vất vả hơn thế này”. 
Được biết, chính quyền xã Vĩnh Ngọc sắp tới sẽ thành lập xưởng đá do địa phương  quản lý và tìm đầu ra cho sản phẩm cho các xí nghiệp và cửa hàng vật liệu xây dựng. Ngoài việc quản lý và sắp xếp công việc cho những người thợ đá, cuộc sống sắp tới của họ sẽ có phần được cải thiện và bớt vất vả hơn.
Khi ra về, những tiếng búa, tiếng đục vẫn chát chúa văng vẳng bên tai chúng tôi. Trong làn khói trắng từ viên đá vừa được tách đôi, anh Tâm lau vội những giọt mồ hôi rơi lách tách xuống viên đá giữa trưa nắng, những giọt mồ hôi không kịp để lại vết ướt trên viên đá nóng hổi…

Đọc thêm