Thợ mành trúc Củ Chi lo “không người thừa kế“

(PLO) - Nhắc đến Phước An, đến Tân Thông Hội, người Sài Gòn nghĩ ngay đến làng nghề mành trúc. Làm mành trúc là một nghề truyền thống từ lâu đời ở Củ Chi, từng có thời nổi danh đến tận nước ngoài. Nhưng giờ đây, số phận cái nghề thủ công truyền thống đang trở nên bấp bênh trước những xu thế thời đại.
Các công đoạn làm mành trúc.
Các công đoạn làm mành trúc.

Tìm ra “hoa đất” từ gian khó

Nghề làm mành trúc đến với người dân vùng đất Củ Chi như một cách vượt lên trên hoàn cảnh, chấp nhận cái khó của thiên nhiên để sinh tồn. Trước kia, Củ Chi chỉ có tài sản lớn nhất là những mảnh đất nghèo khó, khô cằn, chỉ toàn những bụi tre, bụi trúc. Tận dụng những bụi tre, trúc này người dân đã làm nên những mành tre, trúc và nhiều sản phẩm thủ công khác bằng trúc, sau đó phát triển thành một nghề truyền thống. Có thể nói, mành trúc và nghề thủ công từ tre trúc ở Củ Chi chính là “hoa đất” được con người năng động tìm ra từ gian khó. Những năm 90 của thế kỉ trước đánh dấu một thời kì hoàng kim của nghề mành trúc.

Giữa mùi sơn xộc vào mũi nồng nặc và không khí khẩn trương nhưng không gò bó xưởng mành trúc Thanh Trúc, xã Phước Vĩnh An, anh Diệp Thanh Văn, một thành viên của xưởng nhớ lại: “Thời hoàng kim của ngành này là vào những năm 1992, 1993, mành trúc xuất khẩu đi các nước Đông Âu rất nhiều, vùng làm mành trúc trải dài từ Phú Yên đến tận các tỉnh miền Tây. Thời ấy, một ngày công của người thợ làm mành trúc chúng tôi được trả 300.000 đồng, bằng một tháng lương của công nhân một xưởng may. Nhưng giờ đây, hơn 20 năm đã qua, nghề mành trúc chẳng còn thịnh vượng như xưa, đồng công nhật “tọp” đi chỉ còn 180.000 đồng. Hồi ấy, hơn 50 cơ sở sản xuất mành trúc với cả chục ngàn lao động, nhưng bây giờ đã thu hẹp lại còn chưa đến 10 cơ sở”. 

Để làm ra một sản phẩm mành trúc, tất tần tật các khâu đều phải làm thủ công. Trúc làm mành là trúc ở phần ngọn đường kính khoảng 3-5cm, có màu hơi ngà và bóng. Trúc thu hoạch sẽ được ngâm nước bồ hòn để tăng độ bóng đẹp, ăn sơn cho trúc. Sau đó là công đoạn phơi khô, cắt từng đoạn nhỏ, rồi xỏ kẽm. Kế đó, những người thợ giật mành sẽ giật mành trúc với lực đều tay. Tiếp đến là móc kẽm, cuối cùng là công việc của những người thợ sơn trúc.

Mỗi bức mành trúc gần như một tác phẩm nghệ thuật, nơi người thợ sơn thoả sức sáng tạo bằng những bức vẽ với các gam màu khác nhau, có thể là tranh phong cảnh, tĩnh vật, con người… Sự chăm chút kì công cho tấm màn là thế nhưng người bán lúc nào cũng thấp thỏm, bởi sản phẩm này tùy thuộc vào thị trường nước ngoài. Có khi đơn hàng về tới tấp, có khi mấy tháng trời công nhân chẳng có việc gì để làm. 

Nỗi niềm thợ sơn mành

Chính vì sự thiếu ổn định của nghề làm mành mà nhiều người đã bỏ nghề. Có nhiều gia đình trước đây cả vợ lẫn chồng làm nghề làm mành. Thế nhưng, đợt vắng hàng, nhiều người đã phải tách ra, chỉ còn vợ hoặc chồng làm mành, còn lại đi làm công nhân hoặc buôn bán kiếm sống. Đó cũng là chuyện nhà của anh Hoàng Công Định, một thợ sơn lâu năm. Gia đình anh nhờ phân công lao động hợp lý nên giờ cũng không chật vật. Nỗi buồn lớn nhất của anh giờ đây là con cái chẳng đứa nào theo nghiệp cha, dù tay nghề anh được đánh giá cao.

Nghề bấp bênh, không làm giàu được, lúc nào cũng lấm lem sơn nên giới trẻ Củ Chi ít hứng thú. Họ lên Sài Gòn, học cho mình những nghề thời thượng hơn, bỏ lại những người thợ sơn lớp cha, ông đau đáu với nghề. “Tôi thường nói đùa, thợ sơn mành trúc giờ đây là “động vật quý hiếm”, bởi 10 năm nay rồi chưa cho ra lò một thợ sơn mới nào” - anh Diệp Thanh Văn trào phúng trên nỗi lo của mình. Rất nhiều người lo rằng, với tình trạng này, sau khi lớp thợ sơn mành hiện nay “về  vườn”, thì chẳng còn ai kế tục nghề sơn, chẳng lẽ cái nghề này đành công nghiệp hoá, hay “tuyệt chủng”?

Bên cạnh khó khăn về nguồn lao động, ngành mành trúc ở Củ Chi  lại thêm chật vật ở khâu tìm nguyên liệu là cây trúc. Sản lượng trúc cung cấp cho nghề làm mành trúc càng ngày ít đi, người bán lại đòi giá thành cao.

Giờ đây, trúc Củ Chi cạn kiệt, cơ sở làm mành phải mua trúc tận miền Tây là chủ yếu. Nguồn nguyên liệu không nắm chắc trong tay, nên cơ sở nhiều khi phải lao đao vì bất ổn giá đầu vào. “Năm vừa rồi họ bán 6.000 đồng/kg trúc thô. Tôi kí hợp đồng xuất đi nước ngoài tới mấy chục ngàn tấm hồi  tháng 6, mới lấy được 1/3 thì tới tháng 11 họ đòi lên giá làm tôi chết dở luôn” - ông Nguyễn Hữu Bèn - Giám đốc Công ty Sản xuất mành trúc Thanh Trúc cho biết. 

Bên cạnh đó còn có một cái khó nữa là mành trúc Củ Chi chưa được công nhận là làng nghề truyền thống nên cứ phải chật vật tự cứu mình là chính, chứ chưa có sự hỗ trợ nhiều từ chính quyền địa phương.

Đọc thêm