Thời niên thiếu của Bác Hồ ở Cố đô Huế

(PLO) - Thuở thiếu thời có hai lần Bác theo cha đến sống trên đất Huế, lần thứ nhất từ năm 1895 - 1901 với cái tên Nguyễn Sinh Cung, lần thứ hai từ năm 1906 - 1909, khi đã ở tuổi thanh niên và mang tên Nguyễn Tất Thành.
Ngôi nhà 112 Mai Thúc Loan, nơi Bác Hồ và gia đình sinh sống thuở thiếu thời khi đến Huế.
Ngôi nhà 112 Mai Thúc Loan, nơi Bác Hồ và gia đình sinh sống thuở thiếu thời khi đến Huế.
Khoảng thời gian mười năm sống cùng gia đình ở đất kinh kỳ chính là gốc rễ của một tâm hồn, một nhân cách, một tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sau này. 
Mầm non cách mạng chớm nở nơi mảnh đất Cố đô
Trở về với sự kiện lịch sử vào những năm cuối thế kỉ 19, cuối năm 1895, cậu bé Nguyễn Sinh Cung cùng gia đình rời quê hương xứ Nghệ lên đường vào kinh đô Huế sinh sống. Tại Huế, gia đình  cậu Cung thuê được một gian nhà nhỏ nằm ở đường Đông Ba trong Thành Nội (nay là ngôi nhà 112  Mai Thúc Loan, TP.Huế).
Tại ngôi nhà này, ông Nguyễn Sinh Sắc ngày ngày đi nghe giảng sách, thức khuya dậy sớm chuyên tâm học hành, bà Hoàng Thị Loan quán xuyến việc gia đình, tần tảo ngày đêm quay tơ dệt vải, chăm sóc con cái giúp chồng yên tâm học hành. Cũng chính tại nơi đây, cậu bé Cung và người anh trai của mình là Nguyễn Sinh Khiêm đã được cha mẹ hướng dẫn, dạy bảo làm việc nhà, quen với cuộc sống lao động. Nếp sống sinh hoạt gia đình giản dị, thanh bạch, chan hoà tình nhân ái, yêu thương. 
Những năm tháng sống ở đây, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã được học bài học đầu tiên về lòng yêu nước, về nỗi đau của một dân tộc bị mất nước qua lời kể hàng đêm của cha về sự kiện thất thủ kinh đô (23/5 năm Ất Dậu) cùng những buổi tham dự lễ cúng tế tại miếu Âm Hồn. 
Cũng chính trong căn nhà này, từ những năm 1895-1901, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã sống những ngày tháng tuổi thơ, đã chứng kiến những ngày tháng miệt mài kinh sử và nỗi lo khôn cùng của người cha, nỗi gian lao, vất vả của người mẹ. 
Đối với sự hình thành con người Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, kinh đô Huế xưa là quê hương thứ hai, nơi in đậm dấu ấn tuổi trẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình. Chính nơi đây là mảnh đất đã góp phần nuôi dưỡng, hun đúc và bước đầu hình thành tư tưởng yêu nước, thương dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để từ đó Người quyết định ra nước ngoài tìm đường cứu dân, cứu nước. Nghệ An  là nơi có truyền thống đấu tranh kiên cường chống ách thống trị của thực dân phong kiến. Hoàn cảnh xã hội và sự giáo dục của gia đình đã ảnh hưởng sâu sắc đến Người ngay từ thời niên thiếu.
Những năm tháng sống cùng gia đình ở Huế, cậu bé Cung ngoài sự chuyên tâm học hành còn đi tìm hiểu cái xã hội nghèo nàn đương thời. Cũng từ đó, nhiều lần Người đã đứng lên cùng nhân dân đấu tranh chống lại chế độ bóc lột của chủ nghĩa thực dân đối với nhân dân ta, tiêu biểu như cuộc đấu tranh chống thuế năm 1908. 
Trong cuộc đấu tranh này, chàng thanh niên tên Nguyễn Tất Thành là thông dịch viên để thay lời của nhân dân Trung kỳ gửi lên chính quyền Pháp những yêu sách. Sau cuộc đấu tranh này, bọn thực dân đã cho người theo dõi Người mọi lúc, mọi nơi bởi vì chúng thấy được mối đe dọa từ con người này, và chính đây được xem là bước ngoặt trong tư tưởng yêu nước của Người.
Thời gian sinh sống và học hành cùng gia đình nơi vùng đất kinh kỳ, cậu bé Cung đã chứng kiến sự bất lực của các vị vua triều Nguyễn, thấy được tội ác của bọn thực dân Pháp, học được văn minh của văn hóa phương Tây và tiếp xúc với đồng bào yêu nước. Với tinh thần yêu nước nồng nàn, thương dân sâu sắc, sự nhạy bén về chính trị, Người bắt đầu suy nghĩ về những nguyên nhân thành bại của các phong trào yêu nước lúc bấy giờ và quyết tâm ra đi tìm con đường để cứu dân, cứu nước vào năm 1911 khi Bác còn ở độ tuổi thanh xuân. 
Ghi đậm dấu chân Người
Hiện nay, ở tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 20 di tích và địa điểm di tích về Bác Hồ hoặc có liên quan trực tiếp đến gia đình Người. Trong đó có ngôi nhà 112 Mai Thúc Loan, Nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Dương Nỗ, Trường Quốc học Huế, đình làng Dương Nỗ đã được Nhà nước cấp Bằng công nhận là Di tích quốc gia. 
Di tích nơi Nguyễn Tất Thành cùng nhân dân Trung kỳ đứng lên đấu tranh chống sưu thuế năm 1908.
Di tích nơi Nguyễn Tất Thành cùng nhân dân Trung kỳ đứng lên đấu tranh chống sưu thuế năm 1908.
Các di tích và địa điểm di tích về Bác Hồ hoặc có liên quan trực tiếp đến gia đình Người ở Huế. Ngôi nhà 112 Mai Thúc Loan là nơi Bác Hồ và gia đình sinh sống, là nơi nuôi dưỡng tình yêu thuở thiếu thời của mình. Cũng chính tại ngôi nhà này, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã chịu một nỗi mất mát lớn khi mất đi người mẹ kính yêu.
Di tích Tòa Khâm sứ Trung kỳ ở bờ nam sông Hương, TP.Huế. Hiện nay khu vực này là khuôn viên Trường Đại học Sư phạm. Từ năm 1945 trở về trước, nơi đây là Tòa Khâm sứ Trung kỳ - cơ quan quyền lực cao nhất của thực dân Pháp ở miền Trung. Địa điểm này gắn liền với sự kiện lịch sử quan trọng; hiện nay trên bia di tích đài tưởng niệm ghi: “Nơi đây, anh Nguyễn Tất Thành (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh thời trẻ) đã tham gia phong trào chống thuế của nông dân Thừa Thiên Huế tại Tòa Khâm sứ Trung kỳ - 1908”. 
Đình làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế được công nhận là Di tích Quốc gia năm 1990. Ngôi làng Dương Nỗ đã mang dấu ấn sâu đậm trong thời gian Bác Hồ theo cha và anh về sinh sống, học tập trong thời gian từ 1898-1900. Đình làng Dương Nỗ là nơi Bác Hồ thường hay đến chơi và viếng cảnh trong thời gian Người sống và học tập ở đây. 
Được về sống ở làng Dương Nỗ, một làng quê yên ả, thanh bình, giàu truyền thống văn hoá, Nguyễn Sinh Cung có điều kiện hoà nhập với đời sống cộng đồng làng xã, được bao bọc bởi tình cảm yêu thương chan hoà, nhân hậu, bao dung của những người dân quê chất phác, thuỷ chung, được chứng kiến cuộc sống lao động cần cù của những người nông dân lam lũ, đời sống đó đã góp phần hình thành nên cội nguồn nhân bản trong tâm hồn Người.
Những địa điểm di tích này thu hút đông đảo nhân dân mỗi khi đến Huế, cũng là nơi để người dân Cố đô Huế viếng thăm mỗi khi nhớ đến Người.

Đọc thêm