Thông điệp mùa dịch: Hãy ở nhà

(PLVN) - Xin hãy ở nhà! Đó là thông điệp đang lan truyền trên toàn thế giới. Thông điệp ấy khuyến cáo và mong muốn người dân bớt tham gia các hoạt động xã hội, mở rộng những giao tiếp không cần thiết để tránh lây lan dịch bệnh. 
Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP HCM đưa thông điệp mong người dân hạn chế đi lại.
Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP HCM đưa thông điệp mong người dân hạn chế đi lại.

Chúng tôi đi làm vì bạn!

Ngày 19/3, mạng xã hội Việt Nam lan tỏa đi thông tin được đưa ra bởi các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP HCM, mong người dân hãy ở nhà. Trên bức ảnh đang được chia sẻ với tốc độ chóng mặt, các bác sĩ và nhân viên y tế đứng tại bệnh viện, bàn tay chắp vào nhau thể hiện sự mong mỏi, giơ cao tấm bảng viết: “Chúng tôi phải đi làm vì bạn/Xin bạn ở nhà vì chúng tôi”.

Trên khắp thế giới, thông điệp này cũng được lan tỏa với nhiều thứ tiếng, nhiều hình thức. “We stay at work for you. Please stay at home for us” được các đội ngũ y tế từ Malaysia, Anh, Mỹ, Ý… đưa cao bằng những dòng chữ đơn giản hoặc những bức vẽ sinh động.

Nhưng có một điểm chung, trong tất cả những tấm hình, đều có hình ảnh các bác sĩ, nhân viên y tế trang bị cẩn thận, có thể thấy rõ đang trong ca trực, đang trong tâm thế sẵn sàng cho cuộc chiến chống dịch.

Trong mỗi bức ảnh ấy đều có hag tag #Stay home - ở nhà, mong mỏi mà ngành Y tế và Chính phủ các nước gửi đến người dân. Đừng ra ngoài khi không cần thiết, vì chính mình, vì cộng đồng và vì những người đang lao vào tuyến đầu dập dịch.

Mạng xã hội Việt thời gian này cũng lan tỏa nhiều thông điệp ẩn chứa trong các câu thơ vui phóng tác ca dao, tục ngữ, khẩu hiệu. “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào/Ai ở chỗ nào ở yên chỗ đấy”. Hoặc “Hãy ở yên khi Tổ quốc cần”…

Trong cuộc chiến chống Covid-19, các cơ quan chức năng đang tham gia chống dịch và đặc biệt là ngành Y tế là những người vất vả, nhiều hy sinh nhất. Tại Vũ Hán, Trung Quốc thời điểm đỉnh dịch, người ta thấy biết bao hình ảnh rơi nước mắt về những bác sĩ, nhân viên y tế kiệt sức lê chân khỏi khu chăm sóc y tế, ngủ đầy các hành lang.

Những nhân viên y tế tự cách ly mình khỏi gia đình hàng tháng trời vì sợ lây nhiễm. Những bác sĩ đột quỵ vì quá vất vả, hoặc chết vì lây nhiễm từ bệnh nhân. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Ý mới đây, khi các bác sĩ trở nên quá tải đến mức tuyệt vọng. 

Tại Việt Nam, nhờ tiên liệu tình huống tốt cũng như công tác phòng chống dịch hiệu quả, tình hình vẫn được kiểm soát. Nhưng nỗi vất vả của đội ngũ y tế vẫn không thể đong đếm được. Thời điểm Bình Thuận bùng phát dịch, con gái của một bác sĩ nơi đây đã có bức tâm thư hết sức xúc động kể chuyện cha mình tự cách ly với gia đình và rất nhiều ngày không có bữa cơm nhà. Hàng loạt nhân viên y tế bị cách ly từ đầu mùa dịch đến nay.

Ý thức từ những hành động nhỏ

Cứ có thêm một ca nhiễm là có thêm hàng loạt ca cách ly. Kéo theo đó là sự vất vả của cả một hệ thống chính trị, tiêu tốn không biết bao chi phí, sự tất bật của lực lượng bộ đội, của các lực lượng hỗ trợ và các cán bộ y tế. 

Thực tế cho thấy, số ca nhiễm Covid-19 tăng lên thời gian qua phần nhiều là người từ nước ngoài nhập cảnh vào cộng với sự thiếu phòng bị trong cộng đồng. Nhiều người mang mầm bệnh như các bệnh nhân 21, 34, hay bệnh nhân tại Ninh Thuận mới đây đã di chuyển quá nhiều nơi, gặp gỡ quá nhiều người, gây nên tình trạng lây nhiễm chéo, khiến nhiều người dương tính, hàng loạt người bị cách ly theo.

Cư dân mạng sáng tạo những bức hí họa với mục tiêu chung là đẩy lùi dịch Covid-19.
 Cư dân mạng sáng tạo những bức hí họa với mục tiêu chung là đẩy lùi dịch Covid-19.

Cuộc chiến chống lại Covid-19 tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn cực kì quan trọng. Thời gian qua, công tác tìm kiếm và đưa vào cách ly những người đến từ vùng dịch, đi các chuyến bay có dịch hay tiếp xúc với người dương tính với virus cũng đã được lực lượng chức năng thực hiện nghiêm túc. 

Trong nước hiện vẫn còn hàng trăm nghìn người nước ngoài đã nhập cảnh chưa quá thời hạn cách ly 14 ngày, trong đó có rất nhiều người đến từ các nước có dịch. Vì thế, trên thực tế, có thể vẫn còn không ít trường hợp đang trong thời kì ủ bệnh mà những người chung quanh và chính cả người bệnh cũng không biết. Việc tiếp xúc, đặc biệt là tiếp xúc gần, hoặc cùng đi trên những phương tiện công cộng sẽ tăng rất cao khả năng lây nhiễm.

Hiện nay, bên cạnh những người dân có ý thức phòng chống lây nhiễm bệnh, còn không ít trường hợp thiếu ý thức, thiếu trang bị thông tin phòng bệnh. Đơn cử, quy định của Chính phủ yêu cầu đeo khẩu trang nơi công cộng, nhưng những ngày qua, việc “người đeo, người không” nơi công cộng cũng còn phổ biến. Nhiều quán nhậu vẫn tụ tập đông người, nhậu nhẹt, ăn uống, gắp chung đũa, chén… 

Vẫn biết, khi rất nhiều hoạt động giải trí tạm ngưng, việc đi lại hạn chế sẽ gây ra những xáo trộn sinh hoạt nhất định. Nhưng, cố gắng dẹp bỏ những nhu cầu cá nhân không quá cần thiết vào thời điểm này cũng chính là góp sức ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh.

Ý thức công dân không cần tìm đâu xa. Chỉ cần vì đến mình, đến mọi người mà bớt di chuyển, tụ tập, tìm được niềm vui trong chính căn nhà mình, ấy là ý thức đó thôi!

Đọc thêm