Thứ trưởng Bộ NN&PTNT lo lắng về tương lai con em Việt

(PLO) -  “Phương thức canh tác thiếu bền vững, nương rẫy luân canh thường xuyên, sau vài vòng luân chuyển, chúng ta đã phá rừng, chúng ta làm đất bị rửa trôi, bào mòn thì đất trở nên hoang hóa rất nhanh chóng. Đời sống của chúng ta sẽ không thoát được khỏi đói nghèo. Và không hiểu tương lai con em chúng ta sẽ sống như thế nào từ đất”, Thứ trưởng  Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn lo lắng.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT và tỉnh Điện Biên trồng cây nhân ngày chống sa mạc hóa và ngày đa dạng sinh học.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT và tỉnh Điện Biên trồng cây nhân ngày chống sa mạc hóa và ngày đa dạng sinh học.

Huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên được Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT chọn tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm ngày quốc tế phòng chống sa mạc hóa, hưởng ứng ngày môi trường thế giới và ngày đa dạng sinh học năm nay. 

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (TCLN), rừng đóng vai trò quan trọng trong điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường, là nơi bảo tồn và duy trì đa dạng sinh học, ngăn chặn và phòng chống sa mạc hóa. Những cộng đồng, cá nhân sống phụ thuộc vào rừng có cơ hội được cải thiện sinh kế, nâng cao mức sống nhờ những dịch vụ nó mang lại.

Lễ mít tinh năm nay là một trong những phương thức của TCLN nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vai trò và tầm quan trọng của đa dạng sinh học. Là cơ hội để gắn kết cộng đồng, các thế hệ trẻ cùng nhau hành động cho hiện tại và tương lai.

Phát biểu tại lễ mít tinh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn công bố: Ở Việt Nam hiện có khoảng 7,6 triệu ha đất đang chịu tác động của thoái hóa, hoang hóa dẫn tới sa mạc hóa. Riêng tỉnh Điện Biên có tới 68 ngàn ha nằm trong diện bị de dọa.   

Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp, nguyên nhân dẫn tới tình trạng sa mạc hóa chủ yếu là do con người sinh ra. “Phương thức canh tác thiếu bền vững, nương rẫy luân canh thường xuyên, sau vài vòng luân chuyển, chúng ta đã phá rừng, chúng ta làm đất bị rửa trôi, bào mòn thì đất trở nên hoang hóa rất nhanh chóng. Đời sống của chúng ta sẽ không thoát được khỏi đói nghèo. Và không hiểu tương lai con em chúng ta sẽ sống như thế nào từ đất”, Thứ trưởng Tuấn lo lắng.

Người đứng đầu ngành lâm nghiệp cho hay, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách để bảo vệ rừng, bảo vệ đất hướng tới mục đích nâng cao đời sống của người dân. Cùng với đó là nhiều chính sách an sinh xã hội cho những vùng khó khăn.

Từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định ban hành kế hoạch hành động để chống sa mạc hóa. Cùng với đó có rất nhiều chương trình bảo vệ và phát triển rừng như: Chương trình 327, Chương trình 661 và hiện nay đang thực hiện Chương trình 57.    

Ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cũng đánh giá vấn đề sa mạc hóa đã thành hiểm họa của cả nhân loại. Và tỉnh Điện Biên cũng không phải là ngoại lệ. Theo ông Tiến, tỉnh Điện Biên hiện có tỷ lệ che phủ rừng thấp nhất nước 38,5%. Còn huyện Điện Biên Đông là huyện có tỷ lệ che phủ thấp nhất tỉnh đạt 27,5%.

“Phương pháp canh tác đốt rừng làm nương của người dân là hết sức lạc hậu. Đây là nguyên nhân chính làm hoang hóa đất. Vấn đề đặt ra là chúng ta làm sao để khôi phục lại rừng. Con người đã lấy đi của thiên nhiên cái gì thì phải tìm cách trả lại cho thiên nhiên cái đó, để sau này thiên nhiên phục vụ lại chính cuộc sống của chúng ta” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên nhấn mạnh.  

Tại buổi lễ, TCLN cho biết, năm nay Tổng Thư ký Liên Hợp quốc và Thư ký điều hành của Công ước chống sa mạc hóa đã gửi đến các quốc gia thông điệp nhằm bảo vệ đa dang sinh học, chống sa mạc hóa đất.

Theo đó, theo người đứng đầu cơ quan Liên Hợp quốc, sinh kế và nhu cầu sống của 1 tỷ người trên trái đất đang bị đe dọa. Gần 800 triệu người bị suy dinh dưỡng đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi suy thoái đất, độ phì nhiêu của đất giảm, sử dụng nước không bền vững, hạn hán và suy giảm đa dạng sinh học. Trong 25 năm tới, suy thoái đất có thể làm giảm 12% sản lượng toàn cầu và làm giảm giá lương thực trên toàn thế giới tăng thêm 30%.  

Đọc thêm