Thú vị chuyện về tên 11 người con trong gia đình một 'đại gia'

(PLO) - Tên cha và các con nhập lại thành câu: “Công thành, danh toại, phỉ chí nam nhi, bia truyền, tạc để”.  
Các thành viên trong một gia đình tại miền Nam khoảng năm 1900
Các thành viên trong một gia đình tại miền Nam khoảng năm 1900

Cách nay cả thế kỷ, các điền chủ, các nhà cự phú, quan lại nhà giàu có tại miền Nam thường không có suy nghĩ thương mại, chê nghề buôn bán. Ít có nhà giàu chịu bỏ tiền ra làm ăn, lập công ty. Những người Việt đi tiên phong trong thương trường, cạnh tranh với người nước ngoài chỉ gồm một số nhỏ như Trương Văn Bền ở Chợ Lớn… Tâm lý chung của giới nhà giàu là có tiền mua thêm ruộng đất, huê lợi chậm nhưng chắc chắn.

Về cách đặt tên con trong gia đình, người giàu, có học, coi trọng chữ nghĩa thường rất thận trọng, chọn lựa các mỹ danh tiêu biểu cho đạo đức, ước vọng phú quý giàu sang. Họ không có tham vọng lớn, chí hướng cao mà chỉ lo đến tương lai con cháu sẽ phát tài, làm ăn thịnh vượng. Chẳng hạn gia đình cô Năm Phỉ ở Mỹ Tho là một trường hợp điển hình. 

Cô Năm Phỉ sinh trong một gia đình trung lưu, tại làng Điều Hoà, Mỹ Tho. Các chị em cô phần lớn đều là nghệ sĩ. Thân phụ cô tên Công (Lê Văn Công). Ông có 11 người con đều đặt tên: Hai Thành, Ba Danh, Tư Toại (trai), Năm Phỉ (gái), Sáu Chí (trai), Bảy Nam (gái), Tám Nhi (trai), Chín Bia (gái), Mười Truyền (gái), Mười Một Tạc (gái), Úi Để. Tên cha và các con nhập lại thành câu: “Công thành, danh toại, phỉ chí nam nhi, bia truyền, tạc để”.  

Trong số các con của gia đình này, có cô Năm Phỉ, Bảy Nam, Chín Bia, Mười Truyền đều là đào hát cải lương trong mấy thập niên 1920-50. Các anh của cô Năm Phỉ là nhà giáo, Úi Để là chồng nữ nghệ sĩ Kim Hoàng. Tám Nhi bị Tây giết năm 1945.

Năm 1926, cô Bảy Nam gá nghĩa với vua cờ bạc Sáu Ngọ (tên Tây là Paul Daron), được chồng bỏ tiền ra lập gánh “Nam Hưng ban”. Bảy Nam cho hai em nhập gánh này là Chín Bia Mười Truyền làm đào. Sau đó, gánh này tan rã tại Tân Châu và cô Bảy Nam đầu quân cho đại ban Phước Cương (Nguyễn Ngọc Cương).

Cô Năm Phỉ (sinh năm 1910), là một nghệ sĩ cải lương rạng rỡ trên sân khấu trong 30 năm liền. Cô Năm Phỉ không phải là trang sắc nước hương trời, nhưng rất ăn khách trên sân khấu. Tên tuổi và hình ảnh của cô được Phủ Toàn quyền Đông Dương cho in vào quyển kỷ yếu “Souverains ét Notabilités d’indochinois”, xuất bản năm 1943.

Cô Năm Phỉ từng hát trên ba sân khấu “Nữ Đồng Ban”, “Nam Đồng Ban”, “Văn Hí Ban” và lưu diễn khắp Bắc – Trung - Nam, tới Bangkok, và hội chợ Paris năm 1931. 

Khi đứng trên sân khấu “Văn Hí ban”, Năm Phỉ diễn chung với một người kép đẹp trai, rồi yêu luôn người kép ấy, đó là Tư Cương tức Nguyễn Ngọc Cương, con bà Ba Ngoạn (Lưu Thị Ngoạn). Bà Ba Ngoạn là một người giàu sang, tân tiến, giao thiệp rộng trong giới thượng lưu ở Sài Gòn. thuở đó, bà thường lái xe du lịch đi Vũng Tàu hóng gió mỗi tuần (1910 - 1920).

Nhờ đó bà gặp ông vua mất ngôi, đang sống lưu đày ở đây và hai người kết thân với nhau một thời gian. Dư luận đồn rằng bà Ba Ngoạn, cũng là chủ gánh hát bội rất lớn, cùng rạp hát, cũng như bà Tám Đội, cũng chủ gánh hát bội, có cung cấp tiền bạc cho ông vua mất ngôi ấy.  

Vị vua được cho là có tặng bà Ba Ngoạn một bộ ấm tách uống trà (có triển lãm tại vườn Tao Đàn năm 1926). Ngoài ra, theo tác giả Hồ Trường An thì nhà vua đang bị lưu đày ấy còn phong cho bà Ba Ngoạn “Hoàng ngự muội” và tặng cho một cặp kiếm làm kỷ niệm.

Khi Năm Phỉ hát trên sân khấu “Văn Hí Ban” mê chàng kép độc Tư Cương, mặc dầu Tư Cương đã có vợ là Cô đào Năm Nhỏ, đóng xuất sắc nhiều vai trong các tuồng cổ. Gánh “Văn Hí Ban” thường đóng đô tại rạp hát ở gần cầu Palicao, Chợ Lớn. Đào Năm Nhỏ dâu của bà Ba Ngoạn, thanh sắc vẹn toàn, rất ăn khách thời bấy giờ. Là bầu gánh, bà Ba Ngoạn rất quý trọng cô Năm Nhỏ, nên cưới cho người trưởng nam.

Rủi ro, người con trai trưởng vắn số, chết sớm. Lo sợ mất cô đào chánh, gánh hát bộ sẽ suy sụp, nên bà bắt con thứ hai là Nguyễn Ngọc Cương (Tư Cương) cưới cô dâu goá của bà làm vợ. Hai vợ chồng sống cũng rất hạnh phúc, sinh được một người con, tức hề Ngọc Trai sau này.

Cô Năm Phỉ lấy Nguyễn Ngọc Cương (sau làm bầu gánh Phước Cương) không có con. Tuy vậy, cô Năm Phỉ cũng được Tư Cương sủng ái, xuất tiền lập gánh hát chuyên về cải lương, còn gánh thứ nhất chuyên về hát bộ.

Có những gia đình giàu có, đặt tên các con theo sở thích riêng, không biểu lộ ước vọng gì cả. Đó là trường hợp gia đình ông Hội đồng Nguyễn Văn Hạc (chim hạc). Ông đặt tên các con đều thuộc các loại chim quen thuộc ở miền Nam như:

- Cô con gái đầu lòng là cô Hai Én.

- Các người em kế đều có tên: Cậu Ba Nhạn (công tử), cậu Tư Quắc, cậu Năm Sắt (chim sắt), cậu Sáu Sẻ (chim se sẻ), Bảy Trích, Tám Diệc (chim diệc tương tự con cò, màu trắng hơi xám).  

Một gia đình khác thuộc cự phú khác ở Mỹ Tho là gia đình “Thương Hữu” như: Thương Hữu Lân (nghiệp chủ giàu số 1 ở Mỹ Tho từ năm 1950). Thương Hữu Long, y sĩ Đông Dương. Các ông Thương Hữu Quy, Thương Hữu Phụng đều là điền chủ nhiều ruộng đất, nhà phố cho mướn ở Vĩnh Long, Cái Sơn.

Riêng ông Thương Hữu Phụng có mở trường học tư lấy tên “trường Thương Hữu Phụng”. Bác sĩ Thương Hữu Long là lương y, chữa bệnh mát tay. Hơn nữa ông có tính bình dân, ăn ở hiền lành, được bệnh nhân quý mến.

Tại Bạc Liêu có dòng họ Cao Triều cũng rất nổi tiếng. Ông Phủ Cao Triều Thạnh có con đặt lên là Cao Triều Hưng, Cao Triều Phát… đều biểu lộ ý muốn con cháu làm ăn rạng rỡ ở tương lai. Ông Cao Triều Phát là đại điền chủ (1888-1956), gia nhập đạo Cao Đài rất sớm. Năm 1933, ông Cao Triều Phát cùng với chưởng pháp Trần Đạo Quang và Y sĩ Trương Kế An lập Cao Đài hệ phái Hậu Giang gọi là Minh Nhân đạo. 

Phú quý sinh lễ nghĩa, nhà giàu lúc nào cũng bày vẽ nhiều lễ nghi. Người bình dân thường chế nhạo: “Phú quý đa nhân hội, bần cùng bà nội cũng xa” cùng một ý nghĩa trên. Hồi trước, con trai lấy vợ gọi là “thú”. Con gái lấy chồng gọi là “giá” (vì thế mới có mấy chữ hôn nhân giá thú). 

Trong việc hôn nhân trước đây, quyền quyết định tối hậu thuộc về cha mẹ. Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Muốn kết tình sui gia, các nhà giàu xưa thường tìm chỗ môn đăng hộ đối, có nghĩa là gia cảnh, địa vị của hai gia đình phải tương xứng. Vì lẽ, các cự phú không thể tìm người có địa vị tương xứng trong cùng một làng, một tổng, nên họ phải cưới vợ, gả chồng cho con ở xa. Do sự quen biết, môi giới, hay bạn quen, miễn gia cảnh tương tự, họ sẽ kết thông gia bất kể xa gần. 

Nhắc chuyện các nhà giàu gả con đi xa, phải kể trường hợp Tổng đốc Đỗ Hữu Phương. Ông Phương hứa hẹn kết tình thông gia với Tổng đốc Hoàng Cao Khải khi ông này vô thăm Sài Gòn năm 1896. Dịp đó, ông Phương gả con gái cho con ông Hoàng Cao Khải là Hoàng Trọng Phu, sau cũng làm Tổng đốc Hà Đông. Gia đình ông Bùi Quang Chiêu, giàu lớn, thế gia vọng tộc ở Mỏ Cày cũng vậy. Ông Chiêu có người em gái tên Bùi Thị Lan, gả cho Trần Văn Thông Tổng đốc Nam Định, nhưng sinh quán tại Biên Hòa.  

Ông Thông sinh năm 1875, là một trong những người Việt Nam đầu tiên đậu Tú tài Pháp năm 1894. Ban đầu ông làm trong ngành giáo dục, rồi được bổ làm Giám đốc trường thông ngôn từ năm 1907-1911. Sau đó, ông chuyển sang ngạch hành chánh, làm Tổng đốc Nam Định trong 17 năm liền. Lúc đó, gia đình ông Trần Văn Thông có đồn điền và tư dinh ở tại Phủ Lý. Thời gian này, các con ông chào đời:

- Trần Văn Chương (1898), đậu Tiến sĩ Luật năm 1922 tại Pháp, về nước làm luật sư Toà Thượng thẩm Hà Nội. Thời Ngô Đình Diệm, ông Chương làm Đại sứ VNCH tại Mỹ.

- Trần Văn Đỗ sinh năm 1904, du học Pháp, đậu Tiến sĩ Y khoa, từng giữ chức Bộ trưởng Ngoại Giao cho Tổng Thống Diệm. Ông Trần Văn Đỗ là con rể bác vật kỹ sư Lưu Văn Lang, quê tại Sa Đéc.

Ông Trần Văn Chương kết hôn với bà Thân Thị Nam Trân, con gái Tổng đốc Thân Trọng Huề với một bà công chúa. Ông bà Chương sinh được 2 gái: Trần Thị Lệ Chi và Trần Thị Lệ Xuân, và một trai Trần Văn Khiêm. Trần Thị Lệ Xuân sau này kết hôn với Ngô Đình Nhu.

Ông Bùi Quang Chiêu có một người con gái, đậu bác sĩ y khoa, tên Henrien Bùi, đính hôn với luật sư Vương Quang Nhường, người Gò Công. Về sau, tâm tình không hợp, hai người đồng huỷ hôn ước. Ông Nhường cưới công chúa thứ 16 của vua Thành Thái.

Đọc thêm