Thư viện nhà trường phủ... bụi, tủ sách ở nhà khóa trái cửa

(PLO) - Đã nhiều năm nay, học sinh và ngay cả thầy cô cũng thờ ơ với sách. Và đó cũng là hiện tượng chung của xã hội. Đã qua rồi những năm tháng mà từ những đứa trẻ cũng say mê đọc sách. 
Rất ít trường mà thư viện có học sinh đến đọc sách như thế này
Rất ít trường mà thư viện có học sinh đến đọc sách như thế này
Đành rằng, thói quen đọc sách phải từ trong mỗi nếp nhà, tới trường lớp và quan trọng hơn là mỗi chúng ta phải dành thời gian cho sách. Thế nhưng, tất cả chỉ là hô hào, và thư viện trong nhà trường vì thế, phần lớn “có” theo hình thức. Cũng như không ít gia đình, tủ sách để đó cho... sang.
90% học sinh chưa từng mượn sách 
Một thầy giáo cả đời gắn bó với bục giảng chia sẻ, hiện chúng ta có 25 triệu học sinh  sinh viên trong cả nước, hầu hết chỉ gắn bó với sách giáo khoa (các cấp học dưới) hoặc giáo trình (nếu là sinh viên đại học, cao đẳng). 
Nếu hỏi, bao nhiêu phần trăm học sinh lớp 10 trong cả nước đọc toàn văn “Truyện Kiều”, niềm tự hào của dân tộc? Còn lớp 11, mấy em đọc hết “Số đỏ” để hiểu trích đoạn Hạnh phúc của một tang gia, và rộng ra để hiểu văn tài Vũ Trọng Phụng? Và lớp 12, sắp thành cô tú cậu tú, bao nhiêu em đọc hết một tuyển tập truyện ngắn Nam Cao, ngoài trích đoạn truyện ngắn “Chí Phèo” và truyện ngắn “Đôi mắt”? 
Tôi ngờ là kết quả khảo sát rất đáng báo động. Đấy là chưa nói đến bao loại, dạng sách khác rất cần cho lứa tuổi sắp trưởng thành. 
Bởi lẽ, quĩ thời gian của học sinh (HS) hết sức eo hẹp để có thể đọc sách, mở mang kiến thức. HS lớp 10 bây giờ học đến 15 môn, môn nào cũng “quan trọng”, mỗi ngày học 5 tiết, ngoài ra còn lao động, học thêm, hoạt động tập thể và phụ giúp gia đình lao động… Như vậy, mỗi HS chỉ có thể dành khoảng 30 phút mỗi ngày để tự học mỗi môn học, hỏi còn thời giờ đâu mà đọc sách, vui chơi? 
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng HS của chúng ta đã đánh mất thói quen đọc sách. Một chủ quán Internet nói: “Tôi chỉ thấy HS lên mạng để “chát chít”, chơi game, nghe ca nhạc… chứ không thấy em nào đọc sách báo cả”.
Và trong một báo cáo khác của Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), một số liệu được đưa ra cũng rất đáng suy nghĩ: tỉ lệ người hoàn toàn không đọc sách chiếm tới 26%, thỉnh thoảng mới cầm một cuốn sách lên đọc chiếm áp đảo tới 44%, còn đọc thường xuyên là 30%. Bạn đọc của thư viện chỉ chiếm 8-10% dân số. 
Thư viện Quốc gia Việt Nam có khoảng 50.000 bạn đọc thường xuyên, thư viện cấp tỉnh chỉ có 1.000 - 2.000 bạn đọc, cấp huyện 500 - 600 bạn đọc, thư viện/phòng đọc cấp xã 100 - 200 bạn đọc.
Kết quả thống kê của ông Nguyễn Quang Thạch, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ tri thức và Phát triển cộng đồng (qua hành trình đi bộ Hà Nội - Sài Gòn tăng tốc chương trình sách hóa nông thôn Việt Nam), khi phỏng vấn trên 3.000 người 6-80 tuổi (chủ yếu độ tuổi 10-40) cho thấy 90% người chưa từng mượn sách ở thư viện nhà trường, hoặc nhà trường không cho mượn sách về nhà đọc.
Hiện nay cả nước có 27.541 trường học, trong đó 24.746 trường có thư viện, chiếm tỉ lệ 89,9%. Số thư viện đạt chuẩn chiếm 49,3%. Tuy nhiên, số thư viện hoạt động hiệu quả không nhiều. 
TS Nguyễn Thụy Anh, người sáng lập Câu lạc bộ Đọc sách cùng con, buồn bã nói: “Rất nhiều thư viện ở trường học bị khóa lại hoặc phủ bụi hay sử dụng không đúng chức năng, không hết công suất. Trẻ em chủ yếu vẫn quan tâm đến truyện tranh, ngại ngần với truyện chữ. Trẻ sợ văn trong nhà trường vì ít đọc, vốn từ nghèo nàn, cảm xúc khô cứng”.
Ông Phạm Sỹ Bỉnh - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên Bộ GD-ĐT nhận định: “Đa số bạn trẻ ngày nay thờ ơ với văn hóa đọc. Đặc biệt, thế hệ trẻ bị hình thức nghe nhìn lôi cuốn nhiều hơn hình thức đọc. Trong nhiều năm qua, học sinh nông thôn hầu như không có sách gì để đọc ngoài sách giáo khoa do một số nguyên nhân: thu nhập gia đình thấp và cha mẹ không có thói quen đọc sách; sức ép do phải học tập quá nhiều; không có các hiệu sách đến cấp xã; hệ thống thư viện nhà trường và điểm bưu điện văn hóa xã yếu kém, hầu hết học sinh không được mượn sách từ thư viện nhà trường đem về nhà; chương trình giáo dục chưa kích thích học sinh tìm kiếm tri thức ngoài sách giáo khoa...”. 
Ở góc độ khác, theo bà Phạm Thị Thành Tâm - Trường ĐH Văn hóa, tổng số cán bộ làm việc trong các thư viện trường học của Việt Nam hiện nay là gần 22.000 người, trong đó có 4.718 cán bộ chuyên trách, chiếm 22%; 78% còn lại là cán bộ kiêm nhiệm. Mỗi thư viện trường học thường chỉ có một cán bộ.
Do đó, trình độ cán bộ thư viện còn thấp, nhiều cán bộ chưa được đào tạo cơ bản, chỉ một số ít người có trình độ đại học và trung cấp. Cán bộ thư viện trong các nhà trường chỉ được xem như “nhân viên giữ chìa khóa phòng đọc sách.
Những “thư viện” thương nhớ
Những “thư viện” thương nhớ 
Đọc cũng phải coi trọng như học và thi
Theo PGS.TS Trần Hữu Tá thì ngay ở nhiều lớp cao học chuyên ngành Văn tại TP HCM, Đà Lạt, Cần Thơ... mà ông tham gia giảng dạy, ông “vỡ” ra một sự thật: rất nhiều tác phẩm xuất sắc, thậm chí thuộc loại kiệt tác của văn học Việt Nam và thế giới đã dịch và tái bản nhiều lần khắp trong Nam ngoài Bắc, nhiều anh chị học viên mới nghe tên, khá hơn một mức là loáng thoáng biết về nội dung chứ chưa từng đọc toàn văn. 
Những người sắp nhận bằng thạc sĩ văn chương mà cứ kiên quyết “không biết, không nghe, không thấy” trước những tinh hoa văn chương của dân tộc và nhân loại, chỉ khuôn sự hiểu biết của mình trong bộ sách giáo khoa và sách giáo viên, thì làm sao nâng cao chất lượng giảng dạy, làm sao truyền cho học sinh nhiệt hứng đến với sách? 
Nguyên nhân quan trọng là tình trạng công thức hóa cứng nhắc trong chương trình, nội dung giảng dạy và quan niệm “hoàn thành nhiệm vụ” công chức một cách máy móc. Có nhiều giáo viên (GV) chỉ cần trau chuốt cho cái giáo án thật đẹp, kẻ xanh kẻ đỏ, đủ các mục, thế là bao giờ cũng được xếp loại lao động tiên tiến, lương thì “đến hẹn lại lên”. Hiện nay, tình trạng “nhân bản vô tính” giáo án vi tính đã trở nên phổ biến. 
Một GV Văn trong giờ thao giảng nhưng chỉ biết đọc lại phần chú thích đã in trong sách giáo khoa, một GV Anh văn thì viết lên bảng sai rất nhiều từ. 
Đã có hiện tượng HS “nổi loạn” đòi đổi GV, thậm chí có nhiều HS khi biết thầy giáo nọ được phân công dạy lớp mình đã khóc. 
Nhiều ý kiến đều cho rằng, để hình thành thói quen, nhen nhóm đam mê đọc sách cho giới trẻ, không có nơi nào hiệu quả hơn các nhà trường. “Thay vào việc học sinh đến trường chỉ để nghe giảng, ghi chép kiến thức, chạy theo áp lực kiểm tra, thi cử thì cần dành thời gian, không gian cho học sinh được đọc sách, trao đổi về sách trong trường” - một ý kiến chia sẻ.
Ông Nguyễn Quang Thạch đã nêu một sáng kiến ở Thái Bình khi gầy dựng Tủ sách phụ huynh từ cấp trường đến cấp huyện, cấp tỉnh. Cùng với việc xây dựng tủ sách này, các nhà trường còn dành thời gian để học sinh giới thiệu sách vào tiết học đầu tuần, bố trí giờ để đọc sách trong các lớp, tổ chức cho học sinh viết cảm tưởng, suy nghĩ về cuốn sách đã đọc... 
Đây là những giải pháp đầu tiên để khơi dậy thói quen đọc sách cho học sinh.
Một số ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT cần có chỉ đạo chính thống để các nhà trường chủ động sắp xếp giờ đọc sách cho học sinh, kiên quyết trong các giải pháp nhằm thúc đẩy việc học sinh đọc sách như một nhiệm vụ bắt buộc. 
Là người gợi nhiều cảm xúc, đam mê cho trẻ đọc sách, TS  Nguyễn Thụy Anh kể câu chuyện vài năm trước chị đã chứng kiến khi tới thăm nhà bạn: “Anh chị đang đốc thúc con học. Góc nhà có một tủ đầy ắp sách nhưng bị khóa chặt. 
Bố mẹ quyết định chỉ được đọc khi… nghỉ hè để không ảnh hưởng đến việc học. Mà kỳ nghỉ hè của chúng thì giờ đây bị “cắt giảm” chỉ còn vẻn vẹn một tháng. Các cô cậu nhỏ phải tập trung học kiến thức, đắm chìm vào các kỳ thi, rảnh ra chút nào lại đăng ký học các lớp kỹ năng sống, lấy đâu ra thời gian cho sách.
Sau này, nghiên cứu thời gian biểu của rất nhiều bạn nhỏ, thời khóa biểu ở trường, tôi nhận thấy, việc đọc sách trên thực tế trở nên là một hoạt động phụ, chỉ được sắp xếp vào những “cửa sổ trống” hay tiết “sinh hoạt” để không ảnh hưởng đến việc đảm bảo chương trình học của trẻ”. 
Có nghĩa là, đọc cũng phải được tôn trọng như việc học và việc thi, cần phải đưa vào chương trình như một môn học nhưng không phải một môn Văn thứ hai mà là một hoạt động riêng được xây dựng phương pháp và quy trình riêng để hướng dẫn các em tự đọc, tự khám phá. 
Theo các tác giả, những chuyên gia về văn học thiếu nhi Sherron Killingsworth Roberts và Patricia A. Crawford, thì sách và văn học còn giúp trẻ vượt qua được những khủng hoảng gia đình hay những áp lực đến từ cuộc sống. 
Dẫn lời của tác giả người Mỹ William Lyon Phelps, thì có “hai loại người đọc - những người đọc để nhớ và những người đọc để quên” - quên những cơn chấn động tinh thần mà vì lý do gì đó họ phải trải qua. 
Ở xã hội hiện đại của chúng ta bây giờ, khi mà những thông tin về hiện tượng trẻ bị trầm cảm, hay nạn tự tử ở thanh thiếu niên tăng lên, thì đọc sách sẽ là một cách nâng đỡ đứa trẻ trong tuổi khủng hoảng dậy thì, giúp nó tìm được sự cân bằng và những ý nghĩa tích cực của cuộc sống.
Như mặt trời mọc lên mỗi sáng, sách và những đứa trẻ dù sớm dù muộn cũng cần được tìm đến với nhau tự nhiên và giản dị nhất. Nếu thay đổi cách tiếp cận, thay đổi phương pháp hướng dẫn trẻ, chúng ta sẽ đạt được điều này. 
Ngay cả công nghệ thông tin với e-books và nhiều phương tiện khác nữa cũng sẽ đóng góp tích cực vào việc đưa trẻ vào thế giới kỳ diệu của sách, thế giới tri thức phong phú và tinh tế về cảm xúc. "Hãy để những tủ sách chứa những cuốn sách sẽ là thày, là bạn thân thương của các em không bao giờ còn bị khóa trái" - TS Thụy Anh chia sẻ.

Đọc thêm