Thực hư lúa ma

(PLO) - Lúa ma hay còn được người dân vùng Đồng Tháp Mười gọi là lúa trời. Cái tên có phần bí ẩn xuất phát từ đặc điểm cũng kỳ lạ của giống lúa này. Lúa chỉ chín vào ban đêm, thấy mặt trời là rụng khiến nông dân ở đây phải gặt lúa lúc tờ mờ sáng. 
Cánh đồng lúa ma ở Vườn quốc gia Tràm Chim.
Cánh đồng lúa ma ở Vườn quốc gia Tràm Chim.
Giống lúa “đỏng đảnh” 
Thời điểm miền Tây vào mùa mưa, chuẩn bị đón những đợt lũ đầu mùa thì những hạt lúa ma lâu ngày nằm sâu dưới lòng đất cũng rục rịch nảy mầm. Đây là giống lúa mà người dân vùng Đồng Tháp Mười cho là được trời ban tặng vì lúa mọc tự nhiên trên những vùng đất ngập phèn, cằn cỗi. 
Điều kỳ lạ là đến mùa lũ, những con nước ồ ạt chảy về, nước dâng tới đâu thì lúa ma vươn cao đến đó, như thách thức sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Khó tin hơn, lúa có thể vươn khỏi mặt nước để đạt độ cao hơn từ 3 – 5 mét. Có những thời điểm nước lũ về xối xả, lúa ma vươn mình mỗi ngày cả tấc để ngoi lên khỏi mặt nước.
Lão nông Nguyễn Văn Hoàng (Bảy Hoàng, ngụ xã Phú Đức, huyện Tam Nông, Đồng Tháp) kể: “Lúa ma bây giờ gần như tuyệt chủng, hiếm hoi lắm mới gặp được một đám. Mà phải vào sâu trong rừng quốc gia Tràm Chim mới gặp. 
Lúa ma từ lúc nảy mầm cho đến khi chín phải mất ngót gần sáu tháng. Lúa trưởng thành có thân cứng, lá to. Dù đất xấu thế nào cũng gồng mình ngoi lên cho được”.
Lão nông  cũng kể thêm, thời điểm lúa ma còn nhiều nhất đã cách đây hơn 40 năm. Khi những cánh đồng lúa ở vùng Đồng Tháp Mười còn nghèo nàn, cằn cỗi, nông dân quần quật cả năm không đủ ăn thì lúa ma là một giải pháp tạm thời và tuyệt vời nhất. Giống lúa trời cho này đã cứu không biết bao nhiêu gia đình nông dân thời kỳ khốn khó ấy.
Không như những giống lúa khác, hạt lúa ma khi chín có màu đen, to gấp rưỡi hạt lúa thường. Bông lúa ma không dài và cong như cần câu mà lại mọc thẳng, trực tiếp từ thân ra. Nếu không phải là những lão nông sành sỏi thì khó lòng phân biệt đâu là bông lúa ma, đâu là bông cỏ. 
Hạt lúa không chín đều trên mỗi bông mà có hạt chín trước, hạt chín sau. Vì thế, cũng từ một cây lúa nhưng 2 - 3 ngày mới thu hoạch hết được. 
Người dân ở vùng Đồng Tháp Mười đều nhất trí cho rằng, cây lúa ma “đỏng đảnh” như một thiếu nữ dậy thì. Vì lẽ, lúa chỉ chín vào ban đêm, hễ trời sáng, ánh mặt trời bừng lên là những hạt lúa ma lại “e thẹn” rụng mất tiêu. Đặc điểm cây lúa ma “lạ đời”, vì thế cách thu hoạch giống lúa này cũng đặc biệt “khác đời”. 
Người dân không gặt lúa, không đập lúa, mà đi “rung” từng cây rồi hứng từng hạt lúa rơi xuống. Trên những cánh đồng lúa ma, 2 - 3 người cùng ngồi trên xuồng tiến vào vùng lúa chín. Chiếc xuồng được cơi nới hai bên rộng ra rồi đặt những tấm bồ để hứng lúa. Một người chống sào để chèo xuồng, người còn lại tay cầm cây đập nhẹ vào thân cây lúa, hạt lúa chín cứ thế rơi xuống bồ rồi nằm gọn trong xuồng. 
Tất nhiên, những công đoạn vất vả trong quá trình thu hoạch lúa ma đều diễn ra từ lúc nửa đêm cho đến tờ mờ sáng, khi mặt trời chưa kịp ló dạng. “Chờ trời sáng mới đi đập lúa thì tụi nó rụng hết trơn rồi còn đâu”, một lão nông cười khà khà giải thích. 
Cứ thế, nông dân miền Tây sống khỏe nhờ có lúa ma chống đói chờ cho đến  những vụ lúa thường năm sau. Vào thời điểm lúa ma còn dồi dào, nhiều hộ gia đình suốt mùa đập được gần cả tấn. 
Với độ quý hiếm của loại lúa này, giá trị kinh tế của lúa ma cũng cao hơn nhiều lần. Nhiều hộ nông dân đập được nhiều lúa ăn không hết nên đem ra chợ đổi lúa thường để dành. Mỗi giạ lúa ma đổi được hai giạ lúa thường, có khi còn nhiều hơn thế.
Lúa đặc biệt cho gạo “đệ nhất”
Những hạt lúa ma được chắt chiu từ những tinh túy của vùng đất màu mỡ phù sa Đồng Tháp Mười, không sử dụng bất kỳ một loại phân bón, hay thuốc bảo vệ thực vật nào. Chính vì thế, hạt gạo thu từ lúa ma cũng chất lượng. Gạo lúa ma tuy không trắng sáng, nhưng chắc hạt. 
Lão nông Bảy Hoàng bồi hồi kể lại: “Thời gian nấu gạo lúa ma cũng phải lâu hơn bình thường, lửa phải đun nhỏ, đều. Khi nấu cơm, mùi thơm bay khắp nhà. Khi ăn vị ngọt, béo khó quên. Tui khoái ăn gạo lúa ma vì no rất lâu, một ngày tui ăn một bữa cũng đủ sức đi cày rồi.
Đến bây giờ lúa ma như huyền thoại người lớn kể cho con cháu nghe. Giống lúa này hiện sâu trong vườn quốc gia Tràm Chim vẫn còn nhưng làm gì đến lượt người ăn. Lúa ma hiện đang được lưu giữ, bảo tồn và làm thức ăn cho chim chóc trong vườn”.
Nhiều giống lúa mới được nghiên cứu cho năng suất cao
 Nhiều giống lúa mới được nghiên cứu cho năng suất cao
Giống lúa có khả năng mọc trong điều kiện khắc nghiệt, lại ít nhiễm sâu bệnh như thế nhưng lại rất khó trồng. Những lão nông vùng đất này kể rằng, thời gian thu hoạch lúa ma lâu gấp đôi lúa thường. 
Hơn nữa, đây là giống lúa chỉ mọc vào mùa nước nổi. “Mà vào mùa nước thì làm sao trồng được loại cây gì. Cứ thế, giống lúa ma cứ kỳ bí, tự sanh rồi tự để lại hạt giống cho mùa sau”, lão nông Bảy Hoàng giải thích. Nhưng trước những đặc tính tuyệt vời của giống lúa này, nhiều nhà khoa học đã vào cuộc nghiên cứu để có thể đưa giống lúa này vào sản xuất. 
Sau hàng chục năm nghiên cứu, các nhà khoa học thuộc Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long đã cho ra đời giống lúa mới kết hợp giữa các đặc tính như chịu phèn, thiếu lân, độ mặn cao, kháng rầy của lúa ma và những ưu điểm của giống lúa cao sản. 
Kết quả của sự kết hợp này là cho ra đời giống lúa AS 996 mang tính đột phá không chỉ ở trong nước. Dù giống lúa mới được nghiên cứu thành công, nhưng để lưu giữ lại ký ức một thời về loại lúa ma “thần kỳ”, Vườn quốc gia Tràm Chim đã dành một phần diện tích đất để lưu giữ những “hậu duệ” của giống lúa này.

Đọc thêm