Thức trắng ba đêm tạc tranh đồng vị Đại tướng huyền thoại

(PLO) - Trong căn phòng nhỏ tầng hai trên đường Trần Thái Tông, TP.Thái Bình, hai người thợ một già, một trẻ ba đêm trắng tập trung cao độ đưa nhẹ chiếc cưa kim hoàn “vẽ" chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp để kịp tham gia lễ viếng vào tháng 10/2013…

Anh Ổn (bên phải) và anh Tuyến bên bức tranh “Đại tướng và chiến thắng Điện Biên Phủ” tặng Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Anh Ổn (bên phải) và anh Tuyến bên bức tranh “Đại tướng và chiến thắng Điện Biên Phủ” tặng Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Ba đêm thức trắng 
Đã hơn một năm trôi qua từ ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp tạ thế, nhưng trong ký ức của anh Lê Văn Ổn (SN 1970) chuyện mới như hôm qua. 
Xuất thân từ làng chạm bạc Đồng Xâm, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, anh Ổn và người cháu Lê Anh Thắng đã có sẵn “nghề ở trong máu”. Vốn có hoa tay lại khéo léo, cẩn thận nên dù không theo nghề cha ông, anh Ổn vẫn là một người thợ kính nức tiếng thành phố Thái Bình. 
Hồi tưởng lại thời gian tháng 10 năm trước, anh Ổn kể: Khi Đại tướng vừa qua đời, chứng kiến hàng người xếp dài vào viếng trên tay cầm hoa, dâng ảnh... anh không khỏi xúc động. “Tiếc thương vị Tướng huyền thoại của dân tộc, sau một đêm suy nghĩ mình nảy ra ý định tạc chân dung Đại tướng bằng tranh đồng. Song không phải là những hình khối như tượng mà bằng những lá đồng. Nếu ở các chất liệu khác như giấy hoặc bằng sứ theo thời gian có thể bị rách, vỡ…thì chất liệu đồng lại hoàn toàn chiếm ưu thế, vì tính oxy hóa của đồng rất thấp, nó gần như có thể trường tồn cùng thời gian”.
Sáng hôm sau, anh Ổn đem ý tưởng của mình chia sẻ với anh Lương Phú Tuyến, vừa là bạn thân, vừa là họa sỹ. Trưa hôm sau nữa, có thêm sự giúp đỡ của anh Lê Anh Thắng, cả ba bắt tay vào chế tác. Anh Tuyến phụ trách thiết kế, phác họa trên máy tính; anh Ổn và anh Thắng phụ trách chế tác. 
Sau 3 ngày làm việc liên tục, những mảnh ghép cuối cùng về bức chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp và trận địa Điện Biên Phủ có kích thước 78 x 88cm hoàn thành. 
Chia sẻ về sự đặc biệt của bức tranh, anh Ổn hào hứng: “Trên mặt các lớp đồng, nhóm mình có thể tạo nên những vết xước để làm cho những miếng đồng có thể phát sáng, mang vẻ đẹp đặc trưng, tự nhiên của đồng và làm nổi bật hình ảnh Đại tướng”. 
Khi bức tranh được hoàn thành, cả nhóm liền mang lên nhà số 30 Hoàng Diệu (Hà Nội) để kịp lễ viếng Đại tướng. 
Tri ân vị Anh hùng dân tộc
Lễ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đi, các anh được rất nhiều bạn bè, cựu chiến binh lặn lội từ các vùng miền khác nhau tìm đến chúc mừng và động viên, ủng hộ nhiệt tình với ý tưởng độc đáo. Anh Ổn và anh Tuyến không thể ngờ tác phẩm của mình lại giành được nhiều tình cảm của mọi người đến vậy. 
“Cách ngày kỷ niệm 60 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ khoảng hai tháng, nhóm mình bàn nhau làm thêm một bức tranh nữa để tặng Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ”, anh Ổn tâm sự.  Do bức tranh lần này có kích thước khá lớn (160 x 189 cm) nên  phải thuê thêm 3 nhân công có kinh nghiệm. Anh Ổn và anh Tuyến đã tính toán rất tỉ mỉ và chi tiết trên bản thiết kế, sau đó cùng các thợ của mình làm việc. 
Những bức tranh đồng lá của nhóm anh Ổn có một nét đặc biệt khác. Đó là màu sắc tự nhiên được tạo nên từ nguyên liệu của chính quê hương “đất lúa – chị Hai 5 tấn” Thái Bình. Hai người sử dụng rơm nếp đốt lấy khói để hun cho đồng chuyển màu. Công việc này tưởng đơn giản nhưng thực chất rất phức tạp. Để lấy được màu trên miếng đồng như ý, nghệ nhân không chỉ cần kỹ năng mà còn cả kinh nghiệm. Nếu nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp, lượng khói không phù hợp có thể làm hỏng miếng đồng. 
Sau hơn một tháng chế tác, bức tranh hoàn thành. Việc vận chuyển bức tranh an toàn lên Điện Biên cũng là một việc kỳ công. Anh Ổn nhớ lại: Hôm bắt xe lên Điện Biên, vì bức tranh quá lớn lại bọc kín nên gây sự chú ý của mọi người đi cùng xe; bác tài xế không biết là tranh Đại tướng nên định “cho Bác lên nóc”. Nhưng khi anh giải thích đó là bức tranh Đại tướng được mang lên để tặng Bảo tàng Điện Biên thì lập tức bác tài đã giành hẳn hai chiếc ghế cạnh nhau để dựng bức tranh mà không lấy thêm tiền. 
Bức tranh đồng Đại tướng cùng tấm bản đồ Chiến thắng Điện Biên Phủ, bức tượng chân dung Bác Hồ làm bằng thạch cao và Chiến thắng Điện Biên Phủ là 3 trong số nhiều hiện vật quý giá được trưng bày ở Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ./.

Đọc thêm