Thưởng thức “vị” ký ức bao cấp giữa lòng Hà Nội

(PLO) - Mất gần 2 năm chuẩn bị và dành tình yêu cho ký ức thời bao cấp, cửa hàng mậu dịch số 37 ở phố Nam Tràng, quận Tây Hồ, Hà Nội mới chính thức ra đời. Chủ nhân của nó, chị Đặng Thanh Thủy, sinh năm 1972, cũng là một người sống cùng thời kỳ ấy với rất nhiều ký ức khó quên. Câu chuyện về thời kỳ bao cấp tưởng như đã mất hẳn trong thời hiện đại nhưng lại đang sống dậy mạnh mẽ bởi những người muốn lưu lại ký ức. 
Những bạn trẻ thưởng thức vị xưa
Những bạn trẻ thưởng thức vị xưa

2 năm gom góp mở lại không gian xưa…

Đang làm ổn định và thành công trong nghề thiết kế in ấn, chị Thủy bỏ ngang để quyết tâm cho ra đời một không gian ngập tràn ký ức bao cấp. Sinh ra trong một gia đình đông con ở bãi An Dương, chị cũng đã từng đi xếp hàng đong gạo, dùng tem phiếu mua thịt nên ký ức của chị nhớ rất nhiều đến cuộc sống thời bao cấp. Chị lại chơi thân với nhiều người lớn tuổi, họ luôn hoài niệm và kể lại những câu chuyện về ngày bao cấp, mong muốn có một không gian để nhớ về những ngày khốn khó nhưng tràn ngập kỷ niệm ấy. Chị nung nấu ý định và quyết tâm thực hiện. 

Bắt đầu từ quá trình tìm kiếm các món đồ gợi lại kỷ niệm xưa, thông qua những  người bạn chơi đồ cổ, chị thuyết phục họ nhượng lại cho mình những món đồ cổ cũ kỹ nhưng nhiều dấu ấn. Rồi đi tìm các đồ dùng nhà bếp thời cũ, những chạn, những thớt dọc các vùng quê ven sông Hồng, thậm chí đến một làng thuộc vùng Ý Yên, Nam Định, chị vẫn thấy một gia đình đang dùng chiếc chạn gỗ. Phải thuyết phục mãi người ta mới bán lại cho. 

Ngoài ra chị tìm đến các chợ đồ cũ để tìm những món đồ gợi lại cho chị những hình ảnh của thời bao cấp xa xưa. Với mục đích là tìm lại không gian xưa cũ, là đam mê, là tình yêu nên chị cũng chẳng vội vàng. Phải mất 2 năm chị mới chuẩn bị xong những món đồ để trang trí, sắp xếp, lựa chọn cho cửa hàng mậu dịch của mình. 

Tuy nhiên, sát đến ngày khai trương, việc dùng bát đũa nào cũng vẫn là một trăn trở lớn với chị, bởi trong một không gian hoài niệm ngày xưa như cửa hàng của mình, không thể là một chiếc bát sứ men trắng tinh… Thật may mắn, như một cơ duyên với những kỷ vật hoài cổ, chị biết được thông tin một kho quân dụng thanh lý toàn bộ kho hàng của họ, bao gồm bát, đĩa, cốc tráng men. 

Chị bảo cảm giác như được dẫn đường, chỉ lối bởi để mở được cửa hàng mậu dịch này, chỉ có 40% là chị dốc sức cố gắng, 60% còn lại là may mắn, là cơ duyên mà ông trời đã dành cho một người biết trân trọng những thời kỳ khó khăn, một người luôn biết giữ gìn quá khứ khốn khó nhưng đầy hoài niệm như chị. 

Rồi ngay cả những món ăn cung cấp trong cửa hàng chị cũng muốn phải gợi lại chút gì đấy xưa cũ. Những mùi, những vị ký ức mà vừa mới cho vào miệng, cả một thời khốn khó như hiện hữu. Chị Thủy đã phải nghiên cứu rất kỹ càng, lục tìm trong trí nhớ, trong ký ức của mẹ, của bà, của những người bạn lớn tuổi, thậm chí cả của mình để lên một thực đơn đầy xao xuyến. Từ món cơm độn khoai, sắn, đến dưa xào tóp mỡ, mỳ nấu cà chua… kết hợp với những món hiện đại. 

Mặt tiền đậm chất xưa của quán
Mặt tiền đậm chất xưa của quán

Thưởng lại vị nhọc nhằn ngày xưa…

Chị hào hứng cho biết, nhiều thanh niên vào quán của chị, gọi các món xa xưa ăn để thỏa trí tò mò, muốn biết ngày xưa các cụ ăn uống kham khổ như thế nào nhưng đa phần lại có nhận xét “ai cũng kêu ngày xưa khổ mà ăn ngon thế”. Rồi nhắc đến món cơm độn khoai sắn, cơm chẳng được bao nhiêu, ngồn ngộn là sắn duôi phơi khô nhưng vẫn ăn ngấu nghiến, ngon lành. Những vị mặn ký ức ấy có lẽ là hành trang không thể quên với những người sinh vào gần những năm cuối cùng của thời kỳ bao cấp…

Chị mong muốn, trong không gian bé nhỏ của quán, mỗi vật dụng, mỗi món ăn đều mang một câu chuyện của ký ức, đều gắn với những câu chuyện của thời khốn khó nhưng đầy kiêu hãnh, đấy là lý do vì sao chị mất 2 năm mới chuẩn bị xong không gian cho quán ăn nhỏ của mình. Ngay cả thiết kế thực đơn chị cũng lồng ghép những sắc màu qua khứ vào cùng. 

Và câu chuyện dùng tem phiếu cũng được chị áp dụng, giống hệt ngày xưa. Khách hàng vào mua tem phiếu, đến khi nhận được các món ăn của mình thì nhân viên cũng sẽ thu lại tem phiếu. Chỉ khác là không phải xếp hàng đứng đợi như ngày xưa thôi. Chị đang có ý định sẽ tái hiện một không gian nhà cấp 4 ngày xưa trong quán ăn của chị. 

Những ngày đầu mới mở cửa hàng, con phố Nam Tràng còn là một cái tên quá xa lạ với người dân Thủ đô. Con đường lại chưa được đổ bê tông, là đường đất bẩn thỉu, mưa thì nhão nhoét, nắng thì mịt mù bụi nhưng chị vẫn thích sự tách biệt yên ả của con phố này nên dù bị mọi người cản ngăn, chị vẫn quyết đặt cửa hàng tại đấy. 

Không ngờ bây giờ, con phố Nam Tràng lại trở nên nổi tiếng nhờ cửa hàng mậu dịch của chị. Nhiều báo, đài truyền hình lớn của thế giới như NewYork Times, đài NHK của Nhật đều đã ghé qua và đưa hình ảnh cửa hàng mậu dịch của chị đến với thế giới. 

Chị Thủy bên góc quán chị yêu thích
Chị Thủy bên góc quán chị yêu thích

Một người bạn của tôi, cũng lớn lên ở thời kỳ ấy kể rằng, ngày chị còn nhỏ, trưa nào cũng vác rổ ra hàng rào nhà mình hái cây cúc tần về nấu thành một bát canh. Vị cây đăng đắng khó ăn nhưng là món phải ăn hàng ngày. Rồi cơm độn khoai cũng ngon lắm. Chị háo hức “Bây giờ mà được ăn lại những món ăn ấy thì chắc phải vừa chảy nước mắt vừa ăn vì không thể nghĩ rằng mình đã đi qua một thời khốn khó như vậy”. 

Và rồi, bên những đồ vật của một thời xưa cũ, trong cái không gian bình yên, lắng đọng nằm khuất hẳn ở bên Hồ Tây hiện đại, trong những chiếc bát, đĩa, cốc tráng men mang đầy dấu ấn thời gian, chúng tôi đã cùng thưởng lại những vị ký ức nhọc nhằn ngày xưa… 

Đọc thêm