Tiền mất tật mang vì chữa bệnh bằng hầu đồng

(PLO) - Ở các bản làng hẻo lánh vùng đồng bào dân tộc thiểu số của các xã thuộc huyện miền núi Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa) vẫn còn tồn tại việc mở phủ hầu đồng để chữa bệnh. Hậu quả là không ít gia đình đã khuynh gia bại sản mà tiền mất, tật vẫn mang, gia đình lục đục vì trở thành nạn nhân của trò lừa đảo núp bóng tâm linh.
Đền Quan Giám Sát thường xuyên diễn ra lễ hầu đồng.
Đền Quan Giám Sát thường xuyên diễn ra lễ hầu đồng.
Ly kỳ hầu đồng chữa bệnh ung thư
Đền Mẫu Phố Cát của huyện miền núi Thạch Thành lâu nay được biết đến là nơi huyền bí, linh thiêng. Đi gần đến đền đã nghe điệu hát văn chầu Đệ nhị Thượng Ngàn mê mẩn lòng người. Biết phóng viên là khách xa đến vãng cảnh đền, muốn khám phá tìm hiểu nên ông bảo vệ bảo: “Hôm nay có người mở phủ hầu 36 giá đồng đấy, các cháu xuống mà xem”. 
Sự cuốn hút của điệu hát văn trầm bổng gợi cho chúng tôi liên tưởng đến văn hóa, tuy nhiên khi xuống đến nơi, những gì chúng tôi mắt thấy, tai nghe thì lại hoàn toàn khác.
Nơi mở phủ để hầu đồng thuộc đền Quan Giám Sát ở vị trí ngay cạnh đền Mẫu. Theo quan sát và tìm hiểu của chúng tôi thì đây không phải là do Ban quản lý đền mở phủ mà là khách mở phủ nhằm mục đích để chữa bệnh. Nhìn vào phủ là một người đàn ông mặc bộ y phục “bà chúa” đang hút theo điệu nhảy “Cô Đôi Thượng Ngàn”. 
Cứ hết một giá đồng lại có người thay y phục. Tiết tấu nhạc tăng, số người chầu ở dưới lại vái lạy lia lịa. Lúc này tôi liền rút máy ảnh ra, thấy có người chụp ảnh, người đàn ông càng nhảy hăng hơn. Sau mỗi giá đồng, người này lại tung tiền phát lộc, những người xung quanh nhặt tiền và khấn vái lia lịa.
Cảnh hầu đồng chữa bệnh trong phủ Quan Giám Sát.
Cảnh hầu đồng chữa bệnh trong phủ Quan Giám Sát. 
Khi chúng tôi hỏi chuyện, một người đàn bà trạc 40 tuổi suỵt khẽ đầy thành kính: “Ông thầy này là thầy Mai Văn Út, người ở Hoàng Cát, gia đình tôi có người bị ung thư nên mới phải mời thầy “bắt ma”. Đền Quan Giám Sát này linh thiêng nhất huyện nên gia đình tôi mới đến đây mở phủ, cầu cho người nhà chữa lành bệnh”. 
Đoạn người đàn bà kể tiếp: “Ông thầy này cao tay lắm, còn nói chuyện được cả với “ma” nữa đấy. Tôi để ý lúc khấn ông thầy bảo: “Bây giờ tôi bàn với các ngài như thế này, nếu các ngài đồng ý cho tín chủ sắm lễ hầu đồng thì ngài cho xin một đài âm – dương”. 
Không biết ông thầy cao tay đến đâu nhưng sự thật hiển nhiên mà chúng tôi thấy là chỉ qua trò sấp ngửa của đồng âm dương, nhiều gia đình đều đã mất oan hàng chục triệu đồng sắm lễ, để rồi “tiền mất, tật vẫn mang” vì căn bệnh ung thư y học hiện đại còn “bó tay” thì mấy trò cúng bái đồng bóng làm sao chữa khỏi.
Chúng tôi đang miên man trong dòng suy nghĩ đó thì gặp cụ Dương Thị Hòa (81 tuổi), vừa đi lễ ở đền Mẫu về. Khi được hỏi chuyện, cụ Hòa cho biết: “Dưới kia đang hầu đồng để chữa bệnh đấy. Đền Quan Giám Sát linh thiêng lắm, vì thế mà khách thập phương đến nườm nượp, không chỉ hầu đồng chữa bệnh, họ còn cầu thăng quan tiến chức, mua ô tô, cầu tình duyên, đủ cả”.
Bà Dương Thị Hòa (81 tuổi) trò chuyện cùng phóng viên.
Bà Dương Thị Hòa (81 tuổi) trò chuyện cùng phóng viên. 
Theo bà Hòa, hôm nay ít khách, chứ mồng một, ngày rằm thì rất đông, chủ yếu là người dân trong huyện và các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Hải Phòng, Ninh Bình. Hiện hệ thống đền này là do thôn Vũng Đình Lý trông coi, đền đã được trùng tu, tôn tạo lại từ những năm 1990. 
Cần có biện pháp bài trừ mê tín
Tại các bản làng vùng sâu của các xã miền núi huyện Thạch Thành phần đa là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó nhiều nhất là đồng bào dân tộc Mường. Do trình độ hiểu biết còn hạn chế nên nhiều hộ dân vẫn chọn cách chữa bệnh bằng cách hầu đồng. Hậu quả khiến nhiều gia đình khuynh gia bại sản mà bệnh tình không khỏi, chưa kể tình cảm gia đình còn lục đục. 
Người đàn ông bị bệnh ngồi trên cùng, người nhà chầu phía dưới.
 Người đàn ông bị bệnh ngồi trên cùng, người nhà chầu phía dưới.
Theo ông Quách Văn Hùng (công an viên xã Thành Công, huyện Thạch Thành), vừa rồi gia đình bà Mai ở thôn Bất Mê đã rước thầy đồng về để “bắt ma”. Theo quy định, chỉ cho phép hầu đồng đến 2h là phải ngừng để giữ trật tự, nhưng nhiều gia đình cúng lễ rất khuya làm ảnh hưởng đến trật tự của xóm, gây mất đoàn kết trong khu dân cư.
 Bên cạnh đó, nhiều cặp vợ chồng còn xảy ra bất hòa do tin lời thầy cúng, thầy bói phán linh tinh. Công an viên, cán bộ thôn lại phải nỗ lực hòa giải, tuyên truyền giúp bà con “tỉnh ngộ”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện tại ở khu vực huyện Thạch Thành vẫn còn nhiều “ông đồng, bà cốt” hành nghề mê tín dị đoan. Điển hình như ở thôn Hồi Phú, xã Thành Trực có bà Bùi Thị Thức, mở phủ hoạt động mê tín đã gần chục năm nay. Ngoài ra còn có ông đồng Sáu ở xóm Nghẹn, xã Thành Minh cũng mở phủ tại nhà. 
Hầu như khách tìm đến nhà đều bị họ yêu cầu phải sắm đồ cúng lễ trị giá hàng chục triệu đồng, vì các ông thầy dọa nếu không cúng sẽ gặp vận hạn, tai họa nên hầu hết người dân ít hiểu biết phải nghe theo thầy phán, với tâm lý “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. 
Thiết nghĩ, các ban ngành, đoàn thể trong thôn, bản cần có các biện pháp tuyên truyền giúp người dân nhận thức phân biệt rõ đâu là hoạt động tâm linh lành mạnh, đâu là mê tín dị đoan; bên cạnh đó cần có biện pháp xử lý nghiêm minh với những người cố tình lợi dụng hoạt động tâm linh để hành nghề mê tín trục lợi hoặc lừa đảo.

Đọc thêm