Tiếng đàn lay động lòng người của cô gái khiếm thị

(PLO) - Dù là người bộn rộn nhất, bị cuốn xô với guồng quay mưu sinh đến mức nào thì khi tiết xuân tươi mởn tràn về, họ cũng sẽ lắng lại. Như tôi lắng lại khi cánh chim câu trắng vụt lên nóc thành phố. Và đôi khi, chúng ta biết ơn vì một sự lay thức của ai đó.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
1. An sinh ra trong gia đình chẳng đến nỗi trong con ngõ sâu hoắm dẫn vào làng cổ xưa cũ của Hà thành. Bố mẹ công chức, không giàu nhưng có của ăn của để. Cô được đầu tư học hành nhưng chẳng chịu khó học, lúc nào cũng muốn phá bĩnh. Cô đã nhuốm bẩn màu áo trắng tinh khôi thiếu nữ, để theo mấy người được coi là “đại ca cà trớn” ăn chơi vô độ. Chuyện học hành đổ vỡ. Cô lê lết trong nỗi đời lắm cạm bẫy và bội bạc. Rồi bị ném trở lại thực tại với biết bao vết thương. Cha mẹ buồn lòng. 
Một hôm người mẹ đưa An đến chơi với cô bé khiếm thị chơi đàn hàng xóm. Cô không nhìn thấy, nhưng tiếng đàn óc-gan của cô làm rung động đến nỗi một người cứng cỏi cũng rợn lòng. Mười ngón tay lướt trên hàng phím tự tin và đầy cảm xúc. Người mẹ có ý mang đến cho An một sự lay thức, một so sánh đầy hiện thực. Rằng cô bé khiếm thị kia có hoàn cảnh éo le nhưng đã vượt lên số phận, sống với những phím xuân lạc quan và gắng gỏi. Còn cô xinh đẹp, mắt sáng, lại chẳng thể nhìn rõ tương lai, đi cho đúng đường sáng mà lạc lối trong ngập ngụa bùn nhơ của cạm bẫy. 
Người mẹ hỏi con rằng, con so với bạn ấy, về mọi thứ thì hơn hẳn, nhưng  tại sao con rơi vào thảm cảnh? An sụt sịt khóc không trả lời được. Người mẹ hiểu rằng, tiếng khóc đó đã là câu trả lời. Và với một cô gái nhạy cảm, hẳn sẽ biết phải làm sao. Bằng sự cảm thông sâu sắc và nể trọng, An đã nói với cô gái khiếm thị: “Chị chẳng bằng em. Chị có gia đình, có nhan sắc, nhưng lại không biết trân trọng. Chị đã phí phạm tuổi xuân của mình!”. 
Thay vì nói điều gì đó với An thì cô gái khiếm thị chơi một bản nhạc không lời. Âm thanh buông rơi trong căn phòng chật hẹp, le lói ánh mặt trời đã khiến An và mẹ cô chùng lòng. An hiểu rằng, cô bé muốn nói khi biết trân trọng bản thân thì chúng ta đều có nghĩa trong cuộc đời. An quyết tâm phải khác, bằng hành động, trước hết xuất phát từ việc tôn trọng bản thân. 
2. Trong ngôi làng xưa cũ ấy vẫn còn nhiều lắm những mảnh đời chơi vơi lạnh. Mùa xuân dù rộng lượng đến mấy cũng đâu đủ sức sưởi ấm tất thảy. Nhưng mọi người đều cảm phục tiếng đàn của cô gái khiếm thị. Nó trong trẻo lạ lùng, vô cùng phấn chấn. 
Bởi thế, chị lao công thêm phần hăng hái. Mấy anh kéo xe chở nguyên vật liệu thuê, ở trọ cạnh đấy cũng ấm lòng và tha thiết muốn nghe tiếng đàn của cô gái. Bởi thế, nhiều buổi tối họ ngồi thật lâu bên gốc cây đa buông rễ chùm lòa xòa như ông cụ hiền từ mà nghe tiếng đàn. 
Họ là những người lao động chân tay, xa quê, xa vợ, xa con. Đồng tiền kiếm được gửi về nuôi vợ, nuôi con, chẳng có chỗ vui chơi giải trí thì chính tiếng đàn kia bồi đắp sự thiếu hụt ấy, cho họ một chốn nương nhờ. Mấy tháng vừa qua, không ít bài viết về cô gái khiếm thị chơi đàn. 
Vượt qua mọi trở ngại, cô không chỉ đứng vững trong cuộc đời mà còn trở thành một tấm gương giúp ủi an người khác. Nội dung những bài báo nói như thế. Người trong ngôi làng chẳng để ý nhiều đến những bài báo. Nhưng chính những người đến viết bài, đến nghe cô gái chơi đàn ngồi bàn tán, ca tụng ngoài quán nước đã góp phần làm tên tuổi cô gái nổi hơn. 
Người trong làng bắt đầu mới mở điện thoại, vào mạng, tìm ảnh cô gái. Họ quen thuộc với cô rồi, yêu tiếng đàn của cô, thì qua những bài viết, nhìn vào hình ảnh sắc nét về cô ở trên máy tính, tên điện thoại, họ càng nể, càng trân trọng. Từ bà bán nước đến người dân bình thường, từ chú xe ôm, anh chở vật liệu xây dựng đến ông tổ trưởng dân phố… Một cái nhìn thiện cảm và trân trọng. Có người ồ lên, làng ta sở hữu một tài sản nhân văn, cần phải bảo vệ. 
Khi tên tuổi cô gái đã được định vị trong lòng một cách sâu sắc thì không ít bậc phụ huynh có con trượt trong vũng lầy nào đó của cuộc đời, cũng lấy cô gái khiếm thị ra làm bài học, hoặc có điều kiện là đưa đến. Cô gái khiếm thị trở thành người truyền cảm hứng sống, một diễn giả bất đắc dĩ nhưng cực kỳ quan trọng của làng, của phường. Người này mách người kia, người kia lại mách những người khác nữa. Có những ông bố lần lượt cõng hai đứa con nghiện vật lộn trong màn khói thuốc, đứng trước bờ vực thẳm, tìm đến cô gái khiếm thị hy vọng một phép màu. 
Cô gái đã nói: “Mỗi con người đều có quyền năng và có phép màu cho mình. Ví như cháu, tìm ra phép màu là sử dụng cây đàn vào đúng dịp của nó”. Người cha đau khổ kia hiểu ra. Phải, con trai họ cũng từng rất hữu dụng. Cần phải cai nghiện, chỉ cho chúng lối đi phải hướng về tương lai. Ông cũng trách mình một thời gian dài bỏ rơi hai con. Phải chăng cuộc sống càng vèo trôi với bao nỗi lo thì người ta cần những trụ vững tinh thần, cần những tấm gương để neo đậu tâm hồn, vịn vào đó và tự cựa quậy tìm một đường đi.
3. Cô gái khiếm thị có cái tên rất xuân: Bảo Xuân. Mỗi khi cô ngân những phím đàn ngôi làng trở nên tuyệt diệu. Cô khiến cả làng mến mộ. Cô khiến cuộc đời này thêm niềm tin và nghị lực. Tiếng đàn cô cho mọi người tin rằng, mỗi con người đều là những phím đàn trong mùa xuân của cuộc đời. Cuộc đời lại chẳng thể thiếu những con người và hy vọng như thế. 
Xin cảm ơn Bảo Xuân, cô là bản nhạc âm thanh đẹp vĩnh cửu, là giá trị vô vàn yêu mến của làng tôi. Cô là vạn nốt nhạc, đại diện cho vạn bông hoa trong vườn hoa của làng còn gìn giữ được nhiều giá trị là những di tích lịch sử, những thiết chế văn hóa. Mùa xuân đã ban tặng cô cho làng, cho những mảnh đời, cho con ngõ trầm lắng chật hẹp làng tôi bừng thức. Bao khát vọng tin yêu cũng được nhân lên từ đó./.

Đọc thêm