Tìm lại chợ Hàng Bè một thời của Hà Nội

(PLO) - Đất phố cổ đắt như vàng. Ấy vậy, khu chợ ấy lại có đặc quyền nằm gọn dưới lòng đường và cả phố phải “nhường” không gian. Cả khu chợ nằm hẳn trong con phố Gia Ngư, thông với phố Cầu Gỗ, Đinh Liệt, Hàng Dầu… theo thói quen người ta vẫn gọi chung là chợ Hàng Bè. 
Một góc chợ Hàng Bè xưa
Một góc chợ Hàng Bè xưa

Chợ Hàng Bè khoác áo mới, đẹp thì có đẹp nhưng có ai biết những tiểu thương khi xưa giờ ra sao? Các món ăn nức tiếng, các quán quen của người Hà Nội bây giờ như thế nào? 

Chợ Hàng Bè với người Hà Nội

Xưa kia, chợ luôn nổi tiếng với đồ ăn ngon, đồ khô, gia vị, rau quả, thịt cá tươi không chỉ ở Hà Nội mà còn quy tụ ở nhiều vùng miền trên cả nước… Với những bà, những chị yêu nội trợ, đây quả là một thiên đường phục vụ các mặt hàng để họ trổ tài nấu nướng. Không những thế, chợ còn có rất nhiều hàng quà bánh đặc sản để phục vụ ngay tại chỗ cho những thực khách ưa ẩm thực phố phường… 

Với những cô gái hơi vụng về trong khâu nấu nướng, chợ cũng có đủ các đồ làm sẵn, nóng hổi phục vụ tận tình. Ngày Tết, giỗ chạp hay khi có khách, các chị vụng về muốn mâm cơm ngon lành đầy đặn thì chỉ cần ra chợ, đi một vòng là đã có thể mua hết thức ăn ngon về nhà. Món nào cũng đậm vị, đúng kiểu. 

Đã là chợ thì không phải lúc nào cũng sạch sẽ. Người ta đã quen nghe những tiếng lộp cộp suốt ngày đêm mỗi khi người, xe lướt đi qua nắp cống. Mùi mắm tép chưng thịt, mùi nem… toàn mùi thức ăn vốn là “đặc sản” của chợ Hàng Bè luôn bốc lên ngùn ngụt. Dân trong phố chắc cũng có người khó chịu, nhưng đã quen với nếp sống ngàn đời, chẳng mấy ai phàn nàn về điều này. Vì cũng từ cái mùi ấy, họ có thể kiếm sống dễ dàng, lo cho gia đình cuộc sống đủ đầy.

Nhân kỷ niệm Đại lễ nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, chợ Hàng Bè đã bị giải tỏa. Dù là chợ truyền thống nhưng Hà Nội cũng cần một môi trường trong sạch để đón khách du lịch quốc tế. Giải tán chợ rồi, người ta mới nhìn ra được những mái nhà rêu phong, những cây cao bóng cả rất đỗi giản dị trong phố Gia Ngư. Du khách quốc tế đều không khỏi trầm trồ trước một khu chợ hoang sơ trong lòng phố cổ. 

Nếu không nhìn vào biển hiệu giới thiệu thì chẳng ai biết đây là chợ đầu mối Hàng Bè
Nếu không nhìn vào biển hiệu giới thiệu thì chẳng ai biết đây là chợ đầu mối Hàng Bè

Đìu hiu nơi ở mới 

Nằm cách phố Gia Ngư không xa, chừng 5 phút đi xe máy người ta có thể tìm đến con phố Vọng Hà, nơi ở mới của chợ Hàng Bè. Ấy vậy, dù vào giờ họp sầm uất nhất của các khu chợ, nơi đây lại toát lên bầu không khí đìu hiu.

Có lẽ vì con phố Vọng Hà nằm lọt bên trong phố Hàm Tử Quan, trông như một con ngõ nhỏ nên chẳng ai để ý đến. Ngay đến những người đi qua đây nếu không nhìn thấy chiếc biển “Chợ Hàng Bè” sẽ chẳng bao giờ nghĩ đây là một khu chợ, lại là khu chợ nổi tiếng nhất xứ Kinh Kỳ một thời.

Gửi xe ở tầng hầm, sau đó chúng tôi chờ thang máy đi lên tầng. Những người đi cùng ai cũng ngạc nhiên khi chúng tôi tìm đến chợ Hàng Bè. Hầu hết người dân vào đây đều là nhân viên của tòa nhà hoặc tìm đến công ty tổ chức tiệc cưới, chứ chẳng có mấy ai lên chợ Hàng Bè.

Nhìn quanh, chúng tôi thấy cả chợ chỉ có 4 hộ đang hoạt động. Từng một thời huyên náo tiếng người cười nói, tiếng chặt cá, tiếng mặc cả, tiếng thức ăn xèo xèo trên chảo, nhưng nay chợ Hàng Bè chỉ còn tiếng ti vi, cả chợ chỉ có 3 người, họ cũng chẳng nói với nhau câu gì. Người thì nằm ngủ, người ngồi lặng lẽ phân loại hàng hóa, người chơi điện thoại.

Dường như nơi đây chỉ còn cái “xác” của chợ Hàng Bè, lác đác vài hộ khi xưa từng bán hàng ở chợ, còn người buôn năm cũ nay mỗi người một phương. Toàn bộ không gian bên phải lối vào tối om, bàn ghế để phủi bụi vì chẳng có mấy ai đụng tới. 

Thấy người lạ, những người kinh doanh cũng chẳng buồn ngó lên để chào mời. Ôi quái lạ! Đâu rồi những nữ tướng Hàng Bè khét tiếng bán đắt, khuôn mặt đanh thép khi mặc cả với khách?

Cô Lành, chủ hộ hải sản tươi sống nói với chúng tôi: “Cô chuyển về đây cũng được 5 năm rồi. Ai không trụ được thì đi. Họ chuyển sang chợ Phùng Hưng hoặc thuê lại nhà của những người trong phố Gia Ngư. Mà nói vậy thôi, có người có lộc thì vẫn bán được còn chủ yếu là ế hơn trước, buôn bán kiểu cầm chừng. Cháu bảo, giá thuê nhà thì đắt, khách mua hàng cũng vãn dần, người ta thấy chợ giải tán thì tìm đến các chợ lân cận, làm sao bằng được ngày xưa. 

Bây giờ cô chỉ bán buôn cho khách quen thôi. Hàng ngày làm hàng rồi nhân viên đến lấy, cả ngày cũng chẳng có khách lẻ nào. Có chăng khách nào quen lắm họ vẫn còn giữ số điện thoại của cô thì gọi điện cô mang hàng tới cho. Buôn bán đúng là có thời, có vận, mỗi ngày cô phải lãi được tiền triệu, bây giờ thì…”. Cô Lành bỏ dở câu nói, tiếng thở dài hắt ra trĩu nặng cả bầu không khí im ắng xung quanh. 

“Do ế khách nên việc đóng hay mở cửa hàng cũng không có nhiều ý nghĩa. Cô ở đây chỉ là lấy chỗ làm hàng, chứ làm gì có khách. Những ngày đầu ở đây còn có nhiều người do họ không mất tiền thuê. Duy trì được một thời gian họ chuyển đi chỗ khác, kiếm được đồng nào hay đồng đó chứ” – cô chia sẻ thêm. 

Theo chúng tôi tìm hiểu, cảnh tượng này đều là tình trạng chung của những khu chợ được cải tạo, chuyển đổi mô hình. Không riêng gì chợ Hàng Bè, chợ Cửa Nam, Hàng Da, Ô Chợ Dừa… đều đồng chung cảnh ngộ. Các khu chợ kết hợp với trung tâm thương mại gần như đi vào tình trạng đóng cửa do không có khách. 

Nguyên nhân là do mô hình chuyển đổi không phù hợp với văn hóa Thủ đô. Với người Việt, đi chợ đâu phải chỉ để mua bán, có người tranh thủ tạt qua chợ, ngắm nghía thức ăn, xem có đồ gì ăn, đồ gì rẻ thì mua về cho cả nhà. Hoặc có khi chỉ là nhớ cô hàng thịt, hàng chè, họ ghé vào hỏi thăm sức khỏe của nhau.

Ở các siêu thị, trung tâm thương mại thì đâu có tiếng râm ran mặc cả, đâu có nhịp sống họ vẫn quen, nên đương nhiên các mô hình hiện đại thường “chết yểu”. Đã là thói quen ngàn năm của người dân thì khó lòng có thể thay đổi. Chợ di dời, tức là chợ mất. Nét mặt tự tin của những tiểu thương khi xưa nay thay bằng sự ủ rũ trong từng tiếng nói, ánh mắt. Giọng buồn buồn, cô Lành dặn tôi: “Lưu số điện thoại của cô vào nhé, khi nào lấy hải sản cô mang đến nhà cho”. 

Các gian hàng khác từng có người thuê nay bỏ hoang, có chăng chỉ lác đác dăm ba tiểu thương
Các gian hàng khác từng có người thuê nay bỏ hoang, có chăng chỉ lác đác dăm ba tiểu thương

Tìm lại “vị xưa” trong lòng phố cổ

Trở lại chợ Hàng Bè trên phố Gia Ngư, chúng tôi thấy một quang cảnh sạch sẽ hơn. Đông đúc, tấp nập các đoàn khách tây đi vào ngắm nghía. Khách sạn lớn mọc lên, nhiều bạn trẻ, khách tây ngồi kín vỉa hè hàng Ốc Vi, quán trà sữa hay các quán bán lẩu. Con đường gần phía phố Cầu Gỗ  tập trung nhiều gian hàng thực phẩm tươi sống như chợ ngày xưa nhất. Ngó quanh, ở chợ mới vẫn còn hàng chè của bác Loan, còn hàng cơm của cô Tuyết mà tôi yêu thích.

Cô Tuyết bán cơm bình dân ở phố Hàng Bè xưa nhận ra chúng tôi. Cô nổi tiếng với tài làm các món ăn mặn. Thịt kho, cá kho, sườn xào chua ngọt của cô ai đã ăn rồi đều “nghiện”. Ngày trước một khúc cá kho cô cũng phải bán sáu mươi đến trăm nghìn đồng, giờ đây ế ẩm, cô Tuyết xởi lởi hơn, mua gì cô cũng múc thêm cho tôi vài ba miếng.

Quán chè của cô Loan thì vẫn đông khách. Tuyệt nhiên chè của cô không có những thứ màu mè xanh, đỏ người ta hay thấy ở những nơi “thời thượng” bây giờ. Cô chỉ bán chè đỗ xanh, đỗ đen, hạt sen, xôi chè, cốm xào, chè kho… toàn những món chè đậm “hồn quê”, ấy thế mà lại khéo đến nỗi làm tôi nhớ da diết hương vị đó. Chẳng khi nào tôi thấy quán của cô vắng khách, dù cốc chè của cô luôn đắt hơn nơi khác. 

Vẫn biết là mọi thứ phải thay đổi, phải sạch sẽ, nhưng giờ nếu du khách đến Hà Nội, liệu họ có tìm được đúng hàng quán, cảm nhận được đúng kiểu, hương vị món ăn của Hà Nội khi xưa?

Đọc thêm