Tình yêu kỳ lạ của chàng trai bại não

(PLO) -  Ước mơ một lần được cắp sách đến trường như các bạn cùng trang lứa theo đó cũng vụt mất. Thế nhưng, với niềm đam mê cùng nghị lực phi thường, Nguyễn Chí Trung đã tự học chữ, tự tìm tòi nghiên cứu về lĩnh vực văn hóa, lịch sử.
Tình yêu kỳ lạ của chàng trai bại não

Căn bệnh bại não quái ác đã đeo bám Nguyễn Chí Trung (26 tuổi, ở xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, Phú Thọ) ngay từ khi mới lọt lòng, khiến chân, tay của em bị co rút, hệ thống dây thần kinh cổ bị mất tự chủ.

“Lịch sử như ngấm vào máu của em”

Chúng tôi gặp chàng trai khuyết tật Nguyễn Chí Trung bên thềm buổi tổng duyệt chuẩn bị cho buổi phát sóng trực tiếp chương trình giao lưu Biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ 5 vào đầu tháng 4 năm 2016. 26 tuổi nhưng Trung nói chuyện rất khó khăn, mọi việc đi lại của Trung đều phải có người giúp đỡ.

Thật bất ngờ khi chàng trai tật nguyền, yếu đuối này lại có niềm đam mê khám phá đối với môn lịch sử và có thể viết nên câu chuyện cổ tích về tinh thần học tập và nghị lực.

Đối với một người bình thường, lành lặn, để có thể tìm tòi, nghiên cứu và tìm ra hướng tiếp cận với môn lịch sử “khô cứng” đã khó. Với Nguyễn Chí Trung, công việc ấy còn khó khăn gấp vạn lần. Trung bảo, khó khăn nhất khi Trung học tập và tìm hiểu về môn lịch sử đó là việc đọc, bởi lẽ, căn bệnh bại não khiến chân tay Trung bị co rút lại không thể cầm nắm hoặc đi lại được.

Ngoài ra, hệ thống dây thần kinh cổ bị mất tự chủ, khiến đầu Trung lắc lư liên hồi, rồi khẩu âm phát ra cũng không thể tròn vành, rõ chữ. Vì thế, để có thể đọc được hết một trang giấy, Trung phải mất hàng giờ, thậm chí là vài ngày.

Trung bị khuyết tật bẩm sinh nên em đau yếu quặt quẹo từ bé. Đến tuổi cắp sách đến trường, nhìn bạn bè cùng trang lứa tung tăng đến lớp mà em ứa nước mắt. Thương con và hiểu được tâm tư của con, bố mẹ Trung đã tự dạy học cho con ở nhà.

Trung nhớ lại: “Năm lên 6 tuổi mẹ bắt đầu dạy em học chữ, nhưng vì phần cổ của em lắc lư không tự chủ được, nên để đọc và nhận diện được một chữ cái, một phép tính, em phải mất rất nhiều thời gian. Nhiều lúc em thấy nản vô cùng, nhưng khi được mẹ động viên, được bố khích lệ em đã tự nhủ mình phải cố gắng hơn gấp nghìn lần để không phụ lòng cha mẹ”.

Với sự cố gắng và tinh thần chiến đấu không biết mệt mỏi, cùng sự giúp đỡ, động viên tinh thần của bố mẹ, lên 9 tuổi, Chí Trung đã cơ bản hoàn thành chương trình tiểu học, đặc biệt là Trung đã có thể đọc trôi chảy những thông tin trong sách giáo khoa. Biết đọc là một bước ngoặt lớn trên chặng đường nỗ lực vượt lên số phận của Chí Trung. Từ đây, cánh cửa vào kho tàng tri thức của nhân loại như mở rộng với chàng trai khuyết tật. 

Lên 11 tuổi, sau một thời gian được nghe, được xem về những kiến thức lịch sử trên sóng phát thanh, truyền hình, cùng những tài liệu mà bố mẹ mua về, Trung bắt đầu tìm tòi đọc rồi nghiên cứu về môn lịch sử. Trung tâm sự: “Khi đọc và tìm hiểu về lịch sử, những câu chuyện cứ hiển hiện trong đầu em rồi từ từ ngấm vào máu em lúc nào không hay.

Nên dù rất khó khăn để ngồi im được nhưng em có thể đọc sách cả ngày. Mỗi khi gấp lại một cuốn sách, một thế giới mới, một chân trời mới lại mở ra, để em được đắm chìm và khám phá nó”. Thế nên có những quyển sách Trung đọc nó tới 10 lần như quyển “Đại Việt sử ký toàn thư” của Lê Văn Hưu hay quyển “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim. 

Ước mơ truyền cảm hứng đến các bạn trẻ

Thời đại công nghệ thông tin và internet đã mở ra một chân trời tri thức đối với chàng trai khuyết tật Nguyễn Chí Trung. Internet đã mang lại niềm vui cho Trung, khi em được nhận vào làm việc tại một công ty chuyên về máy tính của một người đồng cảnh ngộ là anh Nguyễn Quốc Toàn. Tại đây, Trung được nâng cao rất nhiều kỹ năng về máy tính, quản trị mạng cùng những kỹ năng tìm kiếm, nghiên cứu văn hóa, lịch sử thông qua mạng internet.

Trung còn cho biết, để phục vụ ngành công nghệ thông tin và nghiên cứu văn hóa, lịch sử, Trung trau dồi thêm một số ngoại ngữ cơ bản như tiếng Anh, Pháp, Nhật, nghiên cứu thêm về văn tự Hán Nôm. 

Với niềm đam mê đặc biệt về môn lịch sử, Trung đã đề ra cho mình mục tiêu trở thành một nhà nghiên cứu lịch sử có chiều sâu và không ngừng luyện tập để có thể trở thành một diễn giả, truyền cảm hứng và niềm say mê yêu thích lịch sử đến cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.

Trung bảo: “Ngày nay nhiều bạn trẻ đang quay lưng lại với môn lịch sử, vì các bạn cho là học lịch sử rất khô cứng. Nhưng thật sự khi chúng ta đam mê, tìm ra được phương pháp học hợp lý, sẽ thấy môn lịch sử rất cuốn hút, mềm mại. Đặc biệt khi nghiên cứu về môn lịch sử, chúng ta sẽ thấy tự hào hơn về cha ông, về lịch sử nghìn năm của dân tộc mà cha ông ta đã tạo dựng. Vì thế, chúng ta phải biết trân trọng và gìn giữ lịch sử dân tộc qua các bài viết, bài giảng…”.

Trung khẳng định: “Em là một người khó khăn về tiếp nhận kiến thức, thông tin như thế này mà còn thấy hứng thú với lịch sử thì không có lý do gì các bạn trẻ lại thờ ơ. Ở nước ngoài, lịch sử có thể xuất hiện trong ngành giải trí qua các bộ phim, thể hiện qua các thiết kế của các công trình lớn nên khả năng tiếp nhận dễ dàng hơn. Em mơ ước mình có cách nào đấy để truyền tải những bài học, những câu chuyện lịch sử đến các bạn trẻ, để các bạn cũng đam mê nghiên cứu lịch sử như mình”. 

Hiện nay, ngoài việc là thành viên của nhóm Những người yêu văn hóa Nhật Bản và Hội Nhà kinh doanh trẻ Phú Thọ, Trung còn là thành viên của nhóm Đại Việt Cổ Phong với mục đích phục dựng lại các họa tiết hoa văn, quần áo, thiết kế từ thời Lý đến thời Trần.

Hiện nhóm này của Trung đã có 6.000 thành viên trên toàn quốc và Trung cho biết đã học được rất nhiều từ các bạn mình. Trung hào hứng tâm sự: “Lịch sử Việt Nam lúc nào cũng bao la và vi diệu. Đọc lịch sử mới ngấm được những bài học, sự khởi thủy của cội nguồn dân tộc. Đọc đến đâu em tưởng tượng ra đến đấy, thấy lịch sử thật sự sống động và hào hùng. Thế nên mỗi khi chìm vào một cuốn sách nào đó là em có thể ngồi cả ngày để đọc, bất chấp cơ thể thường không tuân theo sự chỉ đạo của mình”. 

Rồi Trung trầm ngâm chia sẻ: “Có rất nhiều vấn đề về lịch sử mà em cảm thấy bản thân mình cũng như thế hệ hôm nay, mai sau cần phải hiểu rõ và nắm chắc. Do đó, em mong sẽ có thêm nhiều người yêu thích lịch sử dân tộc, yêu thích tìm hiểu, khám phá những vùng đất mới để thêm yêu đất nước mình, thêm tự hào về dân tộc mình, từ đó biết trân trọng, giữ gìn những tài sản mà ông cha ta đã dày công gây dựng và bảo vệ”.

Đọc thêm