Tổ chức sự nghiệp đưa lao động đi nước ngoài làm việc: Cần “chuẩn hóa” hành lang pháp lý

(PLVN) - Hoàn thiện các quy định pháp luật phù hợp với điều kiện thực tiễn tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của tổ chức sự nghiệp đưa người lao động  (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài là một trong những yêu cầu được đặt ra khi sửa đổi Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Luật số 72/2006/QH11).
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Một hình thức có lợi cho NLĐ

Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được Chính phủ cho phép thỏa thuận với một số nước đưa chuyên gia và LĐ đi làm việc ở nước ngoài và đã giao cho các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện.

Việc cho phép các tổ chức sự nghiệp thực hiện đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài đã góp phần làm đa dạng hóa các hình thức đi làm việc ở nước ngoài, tạo cơ hội để NLĐ đi làm việc ở nước ngoài với chi phí thấp hơn, thu nhập cao hơn. Hàng năm, số LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức này chiếm 11%, đứng thứ hai sau doanh nghiệp dịch vụ. 

Bên cạnh đó, chi phí ban đầu để đi làm việc ở nước ngoài thông qua tổ chức sự nghiệp là rất thấp nên số tiền NLĐ tích lũy được sau khi hoàn thành hợp đồng sẽ lớn hơn nhiều so với các hình thức đi qua các doanh nghiệp dịch vụ.

Dưới góc độ xã hội, hình thức này đã tạo ra cơ hội để các đối tượng chính sách xã hội như người nghèo, người dân tộc…  được đi làm việc ở nước ngoài, qua đó vừa tăng thu nhập để góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao nhận thức và cải thiện chất lượng LĐ các vùng sâu, vùng xa. 

Hơn nữa, thông thường, các điều kiện khi đi làm việc ở nước ngoài, chế độ, quyền lợi của NLĐ đi làm việc ở nước ngoài thông qua hình thức này đã được đưa vào thỏa thuận cấp Bộ. Vì thế, khi triển khai thực hiện, quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ luôn được đảm bảo, các phát sinh tranh chấp liên quan tới NLĐ và chủ sử dụng LĐ trong quá trình làm việc ở nước ngoài thường không nhiều và ngay cả khi có phát sinh, sự phối hợp xử lý, giải quyết của các cơ quan chức năng của hai nước cũng rất  kịp thời nên hầu như không có những vấn đề phức tạp liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ xảy ra.

Quy định chưa chặt chẽ

Luật số 72 quy định Tổ chức sự nghiệp được đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài trong trường hợp thực hiện Thỏa thuận quốc tế do Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ ký với bên nước ngoài, nhưng tại Nghị định 126/2007/NĐ-CP, Chính phủ chỉ giao trách nhiệm cho Bộ LĐTBXH “Đàm phán, đề nghị cấp có thẩm quyền ký kết điều ước quốc tế về LĐ theo quy định của pháp luật về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế; ký kết các thỏa thuận quốc tế về LĐ theo quy định của pháp luật về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế”.

Như vậy, có thể hiểu các bộ, ngành khác không được giao chức năng đàm phán, ký kết các thỏa thuận về LĐ nhưng lại tổ chức đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo các thỏa thuận Bộ, ngành đó ký.

Mặt khác, theo quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn, lĩnh vực đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài là lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ LĐTBXH nhưng lại không quy định là khi các Bộ, ngành khác ký thỏa thuận về LĐ và chuyên gia với nước ngoài thì có hay không việc cần lấy ý kiến của Bộ quản lý chuyên ngành? Điều này vừa gây khó khăn cho công tác phối hợp và quản lý, vừa không tránh khỏi những điều không phù hợp liên quan đến quyền và lợi ích của NLĐ khi đàm phán, ký kết thỏa thuận.

Luật cũng quy định Tổ chức sự nghiệp phải “Xây dựng phương án tổ chức thực hiện việc đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”. Tuy nhiên, Luật và các văn bản hướng dẫn đã không chỉ rõ cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp này là cơ quan nào.

Trong khi đó, Bộ LĐTBXH là cơ quan quản lý nhà nước duy nhất được giao nhiệm vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài thì tổ chức sự nghiệp chỉ có nghĩa vụ “Báo cáo Bộ LĐTBXH về nội dung của Hợp đồng cung ứng LĐ (nếu có), Hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài và phương án tổ chức thực hiện trước khi đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài…”.  Đây là điểm dẫn tới sự bất cập trong việc thống nhất quản lý việc đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức này.

Luật hiện hành cũng chưa quy định rõ trách nhiệm quản lý của các Bộ chủ quản đối với các đơn vị sự nghiệp trong hoạt động đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài, dẫn tới những lỗ hổng trong công tác quản lý...

Chính vì thế, trong đề án sửa đổi, bổ sung Luật số 72, Bộ LĐTBXH kiến nghị, cần có chế tài ràng buộc trách nhiệm quản lý của cơ quan chủ quản của tổ chức sự nghiệp, đồng thời quy định hồ sơ, thủ tục đối với tổ chức sự nghiệp để Bộ LĐTBXH cho phép đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài, bổ sung quy định chế tài xử lý đối với tổ chức sự nghiệp vi phạm quy định.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị định về tự chủ tài chính  thì việc quy định hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài của tổ chức sự nghiệp là hoạt động phi lợi nhuận sẽ không còn phù hợp nên cần nghiên cứu cho phép tổ chức sự nghiệp được thu phí dịch vụ từ NLĐ.

  142.860 LĐ đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2018

Năm 2018 là năm thứ năm liên tiếp số lượng LĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt ngưỡng 100.000 LĐ/năm. Theo số liệu thống kê, năm 2018, tổng số LĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 142.860 LĐ (50.292 LĐ nữ) vượt 30% so với kế hoạch năm 2018 (kế hoạch năm 2018 đưa 110.000 LĐ đi làm việc ở nước ngoài), tăng 06% so với năm 2017 (năm 2017, tổng số LĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 134.751 LĐ). Trong đó thị trường: Nhật Bản: 68.737 LĐ, Đài Loan: 60.369 LĐ, Hàn Quốc: 6.538 LĐ, Ả rập - Xê út: 1.920 LĐ, Rumania: 1.319 LĐ, Malaysia: 1.102 LĐ, Algeria: 1.014 LĐ, Kuwait: 794 LĐ… 

Đọc thêm