Tội nghiệp 3 đứa trẻ 'vô thừa nhận' trong căn nhà khóa trái

Bà Ly không biết bố của hai đứa chắt và một đứa cháu ngoại là ai, mẹ chúng hiện làm gì, ở đâu. Hàng ngày bà đi làm, chuẩn bị sẵn đồ ăn để ba đứa tự ăn rồi lăn ra ngủ.
Cánh cửa sắt đóng kín, ngăn ba đứa trẻ với thế giới bên ngoài. Ảnh: Nguyễn Ngoan

Cánh cửa sắt đóng kín, ngăn ba đứa trẻ với thế giới bên ngoài. Ảnh: Nguyễn Ngoan.

Nằm sâu trong con ngõ Phùng Khoang, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, ngôi nhà chưa đầy 10 m2 của bà Nguyễn Thị Ly (67 tuổi) luôn kín cửa, chiếc khóa đồng lủng lẳng treo bên ngoài ngăn cách ba đứa trẻ bên trong với thế giới bên ngoài.

Nghe tiếng gọi cửa, Vy, chắt ngoại của bà Ly, lộp cộp chạy từ gác xép xuống, lật tấm chắn cửa, ghé đôi mắt nhìn quanh rồi cất tiếng chào. Thêm vài tiếng bước chân theo sau, tấm chắn cửa bên cạnh được lật lên, một cánh tay nhỏ thò ra nắm ổ khóa đang đóng chặt. Một đôi mắt ngờ nghệch đóng khung trong ô chắn cửa nhỏ, đảo mắt nhìn quanh rồi nở nụ cười. Vy giới thiệu đấy là dì Vân, bị bệnh down. 

Cửa đóng, không thể mời khách vào nhà nên Vy chỉ có thể thò đầu qua ô chắn cửa trò chuyện trong lúc dì và em trai nằm dưới sàn chơi chờ bà về. Hàng ngày, bà Ly đi làm từ sáng đến tối mới về. Ở nhà, Vy có trách nhiệm trông dì và em trai, cho ăn và ru ngủ. Cuộc sống của ba đứa trẻ lặp đi lặp lại như thế ngày này qua ngày khác.

Đã 10 tuổi nhưng Vy chưa từng được đến trường. Khi hỏi về mong muốn được đến lớp, ánh mắt trong veo ấy như bừng sáng, miệng đáp: "Cháu muốn đi học lắm. Cháu nghe các bác nói nếu đi học sẽ phải học cùng các em 6 tuổi. Cháu hơi ngại, nhưng không sao. Hồi Tết, cụ Sơn hàng xóm tặng một chiếc áo dài và váy trắng, cháu vẫn để dành để khi nào được đi học thì mặc".

Vy ước mơ sau này có thể làm cảnh sát để bảo vệ bà, dì và em trai.

Tranh thủ giờ nghỉ trưa, bà Ly về thăm cháu. Nghe tiếng lạch cạch biết bà về, ba đứa trẻ hét lên sung sướng: "Bà đã về".

Cánh cửa vừa mở, đứa lớn đứa bé chạy ra ôm chầm lấy bà. Cô bé bị bệnh down đang nằm dưới sàn cũng nhảy cẫng lên, chạy ra ôm bà Ly. Gạt những giọt mồ hôi lăn dài giữa trời oi bức, bà Ly kéo từng đứa vào rửa mặt, cho ngồi vào góc nhà để chừa lối cho khách ngồi.

Với tay lấy ba bịch sữa để trên tủ, bà chia cho mỗi đứa một bịch. Bà Ly tranh thủ cho bé Vân uống trong lúc chờ nấu cơm trưa. Đứa cháu bị down thi thoảng lại phun sữa lên mặt bà.

Bà Ly chỉ vào từng đứa trẻ giới thiệu. Ngoài đứa cháu ngoại tên Vân 7 tuổi, bà Ly còn hai chắt ngoại Phạm Khánh Vy, 10 tuổi, và Ram Bô, 2 tuổi rưỡi. Vân và Ram Bô hiện chưa được khai sinh và đặt tên chính thức. Nuôi nấng chúng đã nhiều năm nhưng bà Ly cũng không biết bố lũ trẻ là ai.

Một mình bà Ly phải đi làm kiếm tiền nuôi 3 đứa cháu bị các con bỏ lại. Ảnh: Nguyễn Ngoan

Một mình bà Ly đi làm kiếm tiền nuôi ba đứa cháu bị các con bỏ lại.Ảnh: Nguyễn Ngoan.

Bà Ly có bốn người con, hai trai, hai gái. Người con trai cả bị u não mất năm 31 tuổi, ba người còn lại nay đây mai đó, cuộc sống không ổn định. Bà cũng không biết con cháu mình hiện làm gì và ở đâu. Cứ sinh con ra là họ lại bỏ lại cho bà nuôi.

Hai đứa lớn được mẹ chúng bỏ lại đây cho bà Ly từ khi vài tháng tuổi. Tết vừa rồi, mẹ bé Ram Bô gọi điện bảo đem về gửi.

"Tôi trốn đi và nói về quê rồi. Vậy mà nó còn bắt Grab mang sang để trước cửa nhà giữa trời mưa lạnh. 23h đêm, hàng xóm thấy trẻ con khóc mới bế vào nhà rồi điện tôi về. Tôi giận lắm, nhưng chẳng lẽ cháu chắt mà mình lại không nuôi, sao nỡ bỏ nó được", bà Ly buồn rầu nói.

Mở tủ lấy đồ chuẩn bị nấu bữa trưa cho các cháu, bà Ly kể trước đây có nhà ở quận Thanh Xuân, nhưng chồng bị ung thư nên năm 2014 phải bán đi lấy tiền chữa bệnh. Chỗ ở hiện tại của bà từng là căn bếp chưa đầy 10 m2. Không còn nhiều tiền, bà đành mua lại, làm thêm gác xép để lấy chỗ cho bốn bà cháu trú nắng mưa. Đã ở đây được 6 năm, nhưng hộ khẩu của bà vẫn ở quận Thanh Xuân.

Hằng ngày bà đi làm cho quán ăn ngoài đầu ngõ hoặc ai thuê gì làm nấy, có hôm bà đi dọn nhà thuê. Tháng nào làm đều, bà kiếm được hơn 4 triệu; tháng nào ốm, bữa làm bữa nghỉ thì được 2,5-3 triệu. Khoản tiền ít ỏi không đủ để bà chi tiêu ăn uống, tiền điện nước hàng tháng. 

"Nhiều tháng tôi không có tiền đóng tiền điện, người ta đến dọa cắt điện", bà Ly cho hay.

Nhắc đến việc phải nhốt cháu trong nhà, bà Ly giải thích do ba đứa trẻ ở nhà không ai trông, người cháu mắc bệnh dowm có chìa khóa sẽ mở cửa chạy đi mất. Có lần bà không để ý, bé Vân chạy vụt ra khỏi nhà, dắt theo đứa nhỏ nhất đi một mạch đến Đại học Hà Nội giữa trời mưa lạnh. Lần ấy bà phải nhờ hàng xóm tìm cả tối mới thấy chúng. Thế nên, mỗi lần ra khỏi nhà, bà buộc phải khóa trái cửa, nhốt ba đứa trẻ ở trong.

Bà chuẩn bị sẵn đồ ăn, còn chúng sẽ tự ăn uống rồi lăn ra ngủ, chờ bà về.

Nhìn ba đứa cháu chạy quanh nhà, bà Ly thở dài tâm sự một mình nuôi ba đứa, nhưng bà có duy nhất giấy khai sinh của bé Vy. Bé Vân chỉ còn sót lại mảnh giấy chứng sinh photo, không còn bản chính nên không thể làm giấy khai sinh. Không biết bé Ram Bô sinh ngày, tháng, năm nào nên bà chỉ đoán cháu khoảng 3 tuổi. Vướng mắc về thủ tục giấy tờ nên ba đứa cháu của bà Ly chưa thể đến trường.

"Tôi đi hỏi để làm thủ tục nhưng cần rất nhiều giấy tờ, trong khi bố mẹ chúng thì không rõ ở đâu. Tôi già rồi không đủ sức chạy để lo nữa. Tôi chỉ thương các cháu sống mà không được đặt tên, không được đến trường", bà Ly chia sẻ.

Ram Bô, đứa chắt nhỏ nhất của bà Ly, đến giờ vẫn chưa được đặt tên và khai sinh. Ảnh: Nguyễn Ngoan.

Ram Bô, đứa chắt nhỏ nhất của bà Ly, đến giờ vẫn chưa được đặt tên và khai sinh. Ảnh:Nguyễn Ngoan.

Cuộc sống khó khăn, nhưng mong ước lớn nhất của bà Ly không phải là tiền bạc. Bà chỉ lo đến lúc mất đi các cháu vẫn chưa được khai sinh, không được ai công nhận.

"Tôi chỉ mong các cháu có giấy tờ, được công nhận và được đi học. Nếu làm được giấy khai sinh, cháu Vân sẽ được trung tâm bảo trợ nhận để có cuộc sống tốt hơn. Vy sẽ được đến trường đi học như mong muốn. Còn với Ram Bô, cho đến lúc chết tôi cũng cố gắng tìm bố mẹ nó về lo cho cháu cuộc sống ổn định", bà Ly nói.

Theo bà Nguyễn Thị Lụa, Phó chủ tịch UBND phường Trung Văn, trường hợp bà Ly và ba người cháu, chắt rất phức tạp. Bố mẹ các cháu đều không sinh sống trên địa bàn, cũng không biết ở đâu. Bà Ly có chồng đã mất, bán nhà ở quận Thanh Xuân rồi về sinh sống ở phường Trung Văn, trong mảnh đất mua tiếp tay, không có tạm trú, tạm vắng.

UBND phường hiện đã trao đổi với trường Tiểu học Trung Văn để cháu Vy được đi học vào năm học mới tới đây.

"Hồ sơ của Vy chỉ có giấy khai sinh, chúng tôi muốn tìm lại nơi có hộ khẩu thường trú của bố mẹ cháu nhưng không thể liên hệ được để làm tạm trú cho cháu. Nếu giải quyết được giấy tờ vướng mắc, chúng tôi và nhà trường sẽ hỗ trợ cho cháu đi học", bà Lụa nói.

Với hai cháu nhỏ còn lại, bà Lụa cho hay do không có giấy chứng sinh nên phường không có cách nào giải quyết. Bà Ly có mong muốn đưa bé Vân đi trung tâm bảo trợ xã hội, nhưng bố mẹ cháu vẫn còn nên bà không thể giám hộ được cho cháu.

"Nếu chúng tôi đưa cháu đi trung tâm bảo trợ, bố mẹ cháu về không đồng ý thì phường sẽ rất khó xử. UBND phường cũng họp nội dung này, xuống yêu cầu bà Ly cung cấp giấy tờ nhưng bà cũng không có giấy tờ gì liên quan. Bà Ly cũng không có số để liên lạc với bố mẹ cháu bé", bà Lụa cho biết.

Đọc thêm