Tội nghiệp trẻ con

(PLO) - Hình ảnh một người cha đánh con bằng thắt lưng giữa phố bị tung lên mạng gây phẫn nộ cho cộng đồng. Đáng nói là cũng cộng đồng đã từng xót thương, chia sẻ, giúp đỡ người cha tàn bạo này khi trước đó, được chứng kiến việc anh địu con trên lưng nhặt rác mưu sinh. 
Ảnh cắt từ clip
Ảnh cắt từ clip

Tất nhiên, với hành vi phi nhân tính này thì sẽ không còn ai thương anh ta nữa. Và, hệ lụy lại đứa trẻ phải chịu khi bố nó không còn người giúp đỡ.

Câu chuyện khác, một bà mẹ hướng dẫn con trai 3 tuổi trộm cắp. Thằng bé biết lấy trộm điện thoại theo ám hiệu của mẹ, giấu vào trong bỉm. Các vụ ăn cắp kiểu này đều trót lọt cho đến khi bị phát hiện. Bà mẹ đi tù, chị em nó sẽ phải nuôi nhau.

Cô chị cũng bị mẹ lôi vào hành vi trộm cắp, cô thi đỗ vào một trường cao đẳng nhưng nhà nghèo không thể theo học. Vụ này cô được hưởng án treo. Ai dám chắc rằng chị em cô trong hoàn cảnh ngặt nghèo lại không sa ngã một lần nữa? Phẫn nộ với bà mẹ nhưng cộng đồng dành cho chị em cô sự thương cảm nhiều hơn. 

Trẻ em đã trở thành nạn nhân của những xung đột hoặc mưu đồ của người lớn. Bắt cóc trẻ em để tống tiền là thủ đoạn quen thuộc của bọn bất lương. Mới đây, tại Hải Phòng, một bé trai bị lừa đưa ra khỏi nhà trẻ chỉ vì thủ phạm với mục đích hạ uy tín của cơ sở đó. Mâu thuẫn vợ chồng thì trút giận lên con, nhẹ thì đáng mắng, hắt hủi, nặng thì hành hạ đến chết. Đau lòng hơn, những ông bố, bà mẹ vì giận dỗi, ghen tuông mà quyên sinh, đem theo những đứa con của mình bằng đủ cách: nhảy cầu, cho thuốc độc vào thức ăn, treo cổ,... Những hành vi hết sức man rợ mà trẻ con thì có tội gì đâu!

Số phận những đứa trẻ có cha mẹ ly hôn mang nhiều cay đắng. Chúng được mang ra mặc cả cho những điều kiện mà hai bên muốn. Bị ngăn trở gặp người sinh thành ra mà chúng quấn quýt từ bé, bị tiêm nhiễm bởi sự bôi nhọ lẫn nhau giữa bố mẹ chúng, bị ngăn cấm tình thương yêu từ ông bà chúng. Người ta làm hại nhân cách, tình cảm của một đứa trẻ mà không để ý, chỉ nhăm nhăm làm thỏa mối hận của mình. Sự tổn thương nhân cách của đứa trẻ đó sẽ theo nó cả đời, ảnh hưởng đến chính gia đình sau này của nó và những đứa con do nó đẻ ra.

“Trẻ em như búp trên cành”, nhưng cái búp non tươi ấy cần nâng niu, chăm sóc. Thế mà, sâu bọ cứ nhằm vào đấy mà gặm thì nếu không rụng, sống cũng quăn queo, làm sao thành được phiến lá tốt lành, xanh tươi. Gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên và là nơi bảo vệ tốt nhất cho trẻ con. Môi trường này cần được bao bọc và bảo vệ từ môi trường xã hội. Sự hài hòa đó che chở, nuôi dưỡng những đứa trẻ trưởng thành, trở nên người có ích cho xã hội sau này.

Đọc thêm