Tôn trọng - hai chữ tưởng dễ mà khó trong gia đình

(PLVN) - Theo kế hoạch, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) những địa phương được chọn triển khai thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình (gọi tắt là Bộ tiêu chí) đã bắt đầu phát động thực hiện Bộ tiêu chí. Qua các lễ phát động cũng như trao đổi với người dân sở tại, có thể thấy, có một số tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí tuy rất tiến bộ, văn minh nhưng để có thể đi sâu vào nhận thức của người dân vẫn cần thời gian và sự nỗ lực truyền thông của nhiều bên.
Đại diện các hộ gia đình của xã Phú Cường đã tham gia ký vào 4 mẫu phiếu của Bộ VHTT&DL dùng cho Bộ tiêu chí.
Đại diện các hộ gia đình của xã Phú Cường đã tham gia ký vào 4 mẫu phiếu của Bộ VHTT&DL dùng cho Bộ tiêu chí.

Mới đây, Hà Nội đã phát động thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí tại xã Phú Cường huyện Ba Vì. Tại lễ phát động, 4 hộ gia đình đại diện cho 300 hộ dân được lựa chọn thí điểm trong số 1.600 hộ của xã Phú Cường đã tham gia ký vào 4 mẫu phiếu của Bộ VHTT&DL dùng cho 4 nhóm thành viên gia đình trong hộ gia đình thực hiện đăng ký là Mẫu phiếu dành cho đại diện hộ gia đình đăng ký thuộc nhóm vợ chồng; thuộc nhóm cha mẹ, ông bà; thuộc nhóm con, cháu; thuộc nhóm anh, chị, em.

“Trong gia đình tôi luôn là người nhịn nhiều hơn”

Qua trao đổi với nhiều người dân ở xã Phú Cường, có thể thấy những vấn đề trong Bộ tiêu chí đều được họ thấu hiểu và ủng hộ, tuy rằng, ở mặt bằng văn hóa nông thôn vẫn còn tồn tại những quan điểm bất đồng giữa nếp nghĩ hàng ngày với nội dung của Bộ tiêu chí về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ và chồng. 

Cụ thể, theo Bộ tiêu chí thì trong tất cả các mối quan hệ trong gia đình, sự tôn trọng luôn được đặt lên hàng đầu. Trong mối quan hệ vợ chồng,  tôn trọng lẫn nhau, lắng nghe ý kiến của nhau là nguyên tắc hàng đầu trong quan hệ vợ chồng, giúp duy trì cuộc hôn nhân bền vững.

Bản chất của tôn trọng là sự thừa nhận hay ghi nhận sự tồn tại của bên kia như là chính họ chứ không phải là họ theo kiểu mình hoặc mình mong muốn. Trong gia đình Việt Nam, truyền thống với tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, vai trò của người đàn ông rất được coi trọng. Chính vì thế, người chồng thường có tư tưởng gia trưởng vợ phải phục tùng, vâng lệnh chồng, không được bày tỏ quan điểm cá nhân của mình.

Điều này đã tạo ra sự bất bình đẳng trong gia đình, sự thiếu tôn trọng đối với người vợ. Do đó, trong gia đình vợ chồng cần bình đẳng như nhau, chia sẻ quan điểm, chính kiến góp phần tạo dựng và duy trì hạnh phúc gia đình.  

Trong mối quan hệ cha mẹ và con, khi cha mẹ tôn trọng con thì chính cha mẹ cũng sẽ được tôn trọng. Mối quan hệ sẽ chỉ được duy trì bền vững nếu sự tôn trọng đến từ hai phía. Tuy nhiên hiện nay, cha mẹ thường có thói quen và nếp nghĩ như những “bề trên”, nghĩa là các con bắt buộc phải nghe theo lời cha mẹ mà hiếm khi cho con cơ hội được bày tỏ bản thân.

Con cái dường như là nơi trút mọi bực bội, hờn ghen của cha mẹ. Vô tình, chính cha mẹ khiến các con bị tổn thương. Cách cư xử của cha mẹ phần nào ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển nhân cách của con và xa hơn nữa là những tác động đến hôn nhân của chúng sau này. Vì vậy, cha mẹ tôn trọng các con để duy trì một cuộc sống bình đẳng và hòa thuận cùng các con. 

Trao đổi với phóng viên xung quanh hai chữ “tôn trọng” trong quan hệ vợ chồng, cha mẹ và con cái, chị Trần Thị Quyền, 46 tuổi, ở thôn Phú Thịnh, xã Phú Cường cho biết, là cha mẹ ở thế hệ 7X chị và chồng đều hiểu không thể bắt buộc con cái phải nhất nhất tuân thủ mình như ngày xưa các cụ vẫn làm nữa.

“Con cái sai thì mình uốn nắn, nhưng cũng có lúc phải nghe theo con khi chúng đúng. Con có những đam mê, sở thích mà mình phải tìm hiểu và tôn trọng, việc chọn trường, chọn nghề cũng vậy, con thích học trường này, mình ép trường kia cũng không được”, theo chị Quyền. 

Nhà có hai cậu con trai và trong tương lai chị Quyền sẽ là bà mẹ chồng của hai cô con dâu. Trả lời câu hỏi chị có lo lắng khi sau này con chọn vợ không hợp ý mình hay không, chị cho biết: “Việc trăm năm của con tất nhiên là sẽ có sự định hướng của cha mẹ với mong muốn con hạnh phúc, nhưng người quyết định chính vẫn là con”.

Kể về mối quan hệ ứng xử của hai vợ chồng, chị Quyền bày tỏ, ngày mới lấy nhau, vì còn trẻ, chưa hiểu nhau nên có nhiều bất hòa, nhưng nay sau thời gian chung sống các mối bất hòa đã giảm bớt khi vợ chồng hiểu nhau hơn.

“Chồng tôi không đánh vợ nhưng trong gia đình tôi luôn là người nhịn nhiều hơn, không thể căng được, nhiều lúc cũng phải theo ý kiến của chồng dù trong lòng không được thoải mái lắm. Tôi nghĩ rằng nếu mình nhịn mà mọi việc ổn hơn, gia đình không xích mích thì nhịn cũng được” – chị Quyền cho biết. 

Cần thời gian và sự nỗ lực truyền thông của nhiều bên

Mới đây, Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) đã công bố một nghiên cứu về nam giới và nam tính trong một Việt Nam hội nhập được thực hiện trong năm 2019 cho thấy cứ 10 nam giới được hỏi thì 8 người đồng ý với ý kiến “Phụ nữ nên chịu đựng và hy sinh để giữ gìn hạnh phúc gia đình”.

Qua câu chuyện của chị Quyền và con số từ nghiên cứu nói trên có thể thấy có một số tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí tuy rất tiến bộ, văn minh nhưng để có thể đi sâu vào nhận thức của người dân vẫn cần thời gian và sự nỗ lực truyền thông của nhiều bên.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, ông Nguyễn Xuân Hiệu – Phó Chủ tịch UBND xã Phú Cường cho biết, tới đây để giám sát các hộ gia đình trên địa bàn thực hiện Bộ tiêu chí xã sẽ thành lập Ban chỉ đạo và giao việc cho từng người một trong Ban chỉ đạo theo dõi các khía cạnh của tiêu chí.

Thay mặt cho 300 hộ gia đình, ông Trần Đức Việt, một gia đình tứ đại đồng đường trong xã bao gồm 4 cặp vợ chồng của 4 thế hệ cụ - ông – cha – cháu cùng sinh sống và cũng là một trong những hộ gia đình của xã Phú Cường rất tích cực trong việc đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí trên địa bàn xã đã cam kết sẽ tham gia thực hiện tốt Bộ tiêu chí trên cơ sở tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ.

Đồng thời với ý thức, trách nhiệm của bản thân, ông Trần Đức Việt cũng sẽ tích cực tuyên truyền, vận động và cùng với các thành viên của gia đình thực hiện tốt các tiêu chí ứng xử: vợ chồng chung thủy, nghĩa tình; cha mẹ với con, ông bà với cháu luôn gương mẫu, yêu thương; ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà là hiếu thảo, lễ phép; và ứng xử của anh, chị, em là hòa thuận, chia sẻ. 

Ngày 8/12/2017, Bộ VHTT&DL đã ký Quyết định 4843/QĐ-BVHTTDL ban hành thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình nhằm xây dựng một hệ thống chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa trong mỗi gia đình Việt Nam, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi thành viên, qua đó ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội.

Năm 2019, Bộ chủ trương triển khai thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử tại 12 tỉnh, thành phố trên cả nước với mỗi nơi chọn 2 đơn vị cơ sở để thực hiện, trong đó có Thủ đô Hà Nội thực hiện tại hai đơn vị là xã Phú Cường, huyện Ba Vì và phường Khương Trung, quận Thanh Xuân. 

Đọc thêm