TP.HCM và Đắk Lắk: Dân khát vì hạn hán và xâm ngập mặn

(PLO) - Với sự phức tạp của biến đổi khí hậu, trong khi chất lượng và trữ lượng nước ngọt tại TP Hồ Chí Minh đang diễn biến theo chiều hướng xấu thì tại Đắk Lắk, người dân đang khát trầm trọng.
Xâm nhập mặn đã vào sâu trên sông Sài Gòn
Xâm nhập mặn đã vào sâu trên sông Sài Gòn

TP Hồ Chí Minh: Trữ lượng và chất lượng nước đều sụt giảm

Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Nam bộ Lê Ngọc Quyền cho biết, sông Sài Gòn mặn đã vào sâu 20-30km so với cùng kỳ các năm trước. Mực nước biển quan trắc tại Trạm Hải văn Vũng Tàu cũng tăng dần trong 15 năm qua.

Trong khi đó, theo kết quả quan trắc chất lượng nguồn nước của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, từ đầu tháng 2 đến nay, mức độ ô nhiễm mặn đo được tại khu vực hạ nguồn sông Sài Gòn đã tăng gấp 53 lần so với cùng kỳ năm trước. Mức độ mặn xâm nhập rất sâu vào khu vực thượng nguồn, ảnh hưởng nghiêm trọng chất lượng nguồn nước phục vụ xử lý cấp nước sinh hoạt.

Đại diện Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (SAWACO) cho biết, mặn xâm nhập sâu sông Sài Gòn khiến từ đầu năm đến nay các nhà máy nước nhiều lần ngưng lấy nước. Nhà máy nước Tân Hiệp tuần qua đã phải 3 lần ngưng lấy nước thô do độ mặn vượt chuẩn. Bên cạnh đó, chất lượng nước của TP HCM còn giảm sút do ô nhiễm hóa chất phát sinh từ hoạt động sản xuất công nghiệp và sinh hoạt. Chất lượng nước có lượng oxy hòa tan trong nước thấp, bị ô nhiễm hữu cơ, nhiễm vi sinh.

Kết quả khảo sát chất lượng nước 5 tuyến kênh đổ ra sông Sài Gòn bao gồm kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi - kênh Tẻ, Tân Hóa - Lò Gốm và Tham Lương - Vàm Thuật cho thấy các chỉ tiêu pH, BOD5, COD và Coliform tại hầu hết các điểm quan trắc đều không đạt quy chuẩn cho phép đối với nguồn nước mặt loại B2.

Trong khi chất lượng nguồn nước giảm sút thì công nghệ xử lý nước của TP HCM cũng chưa có nhiều thay đổi, đe dọa trực tiếp đến chất lượng nước cấp sinh hoạt cho người dân.

Không chỉ chất lượng, trữ lượng nước của thành phố này cũng không còn nhiều. Theo ông Nguyễn Văn Ngà, Trưởng phòng Quản lý tài nguyên nước và khoáng sản (Sở TN&MT), cả lượng nước mặt và nước ngầm có khoảng 2,5 triệu mét khối nhưng đến nay đã khai thác hơn 2,3 triệu mét khối. Trong khi đó, tỉ lệ thất thoát nước trong hệ thống cấp nước còn khá cao, từ 35 - 40%.

Để giải quyết tình trạng chất lượng nguồn nước cấp bị đe dọa vì nhiễm mặn và hóa chất, đại diện SAWACO  đã tính đến các giải pháp dài hạn thay đổi điểm lấy nước và nguồn nước (sử dụng nước từ hồ thượng nguồn); đồng thời có kế hoạch vận hành các trạm giếng ngầm (các trạm không khai thác theo chủ trương hạn chế nước ngầm của TP) để cấp nước trong tình trạng khẩn cấp, sự cố.

Đại diện Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cho rằng cần phải tính thêm yếu tố chất lượng nguồn nước của các hồ thủy điện khu vực thượng nguồn sông Sài Gòn và Đồng Nai. Bởi các hồ chứa nước chính là nơi tích trữ chất thải công nghiệp và sinh hoạt từ các khu công nghiệp, khu dân cư thượng nguồn. Trong quá trình tích trữ, hóa chất sẽ tác động lẫn nhau và khả năng phát sinh nhiều chất thải nguy hại đến sức khỏe cộng đồng là khó tránh khỏi.

Về giải pháp căn cơ hơn, các đại biểu cho rằng cần phải xử lý nước thải công nghiệp và sinh hoạt ô nhiễm đang thải ra hệ thống sông Sài Gòn và Đồng Nai. Theo đó, nhanh chóng đầu tư và đưa vào vận hành các nhà máy xử lý nước thải; nạo vét kênh rạch, dòng chảy; lắp đặt các lưới chắn rác tại các họng xả ra kênh; ứng dụng công nghệ tăng cường khả năng tự làm sạch dòng chảy, kênh, hồ…

Đắk Lắk: 25.000 hộ dân khát nước sinh hoạt

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đắk Lắk, hiện trên địa bàn có khoảng 5.300 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, tập trung ở các huyện Krông Ana, Ea H’leo, Krông Búk và Buôn Đôn. Nguyên nhân do mực nước ngầm phổ biến thấp hơn cùng kỳ năm 2015 khoảng 3 - 6m, một số vùng khoan giếng để khai thác nước ngầm tầng sâu đã làm cho lượng nước ngầm ở tầng nông giảm mạnh hoặc không còn nước. 

Hơn 2 tuần qua, người dân ở nhiều khu vực tại TP Buôn Ma Thuột bắt đầu phải đối mặt với tình trạng bị cắt nước luân phiên. Để có nước sử dụng thường xuyên, người dân phải mua sắm các vật dụng dự trữ nước trong nhà.

Trao đổi với phóng viên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk Trần Văn Thiện cho biết: Hiện công suất nhà máy đang sản xuất được 40.000m3/ngày đêm (so với công suất thiết kế 57.000m3/ngày đêm). Dự kiến trong thời gian tới, nguồn nước sẽ giảm còn khoảng 30.000-35.000m3/ngày đêm. Như vậy, công ty sẽ chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu sử dụng nước của người dân so với bình thường. 

Trong khi cụm 26 giếng khoan khai thác nguồn nước ngầm mực nước đang sụt giảm nhanh chóng (công suất khai thác tối đa chỉ đạt khoảng 70%) thì 3 mạch lộ thiên lượng nước cũng đã giảm đến 50% và vẫn đang tiếp tục giảm. Để đảm bảo tất cả khách hàng đều có nước sinh hoạt, công ty buộc phải điều tiết bằng cách cắt nước luân phiên ở một số khu vực phường Tân Lợi, Thắng Lợi, Tân An, Đạt Lý (đây là những khu vực có địa hình cao hơn).

Trên địa bàn huyện Cư M’gar hiện cũng có gần 500 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, trong đó nhiều nhất là tại hai xã Quảng Hiệp và Ea Kuếh. Các trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn các xã EaM’droh, Ea Kuêh, Quảng Hiệp và xã Cư M’gar cũng thiếu nước sinh hoạt cho các cháu; hiện bà con đang san sẻ nguồn nước giếng khoan tại địa phương để sinh hoạt. 

Huyện Krông Búk cũng đang phải đối mặt với tình hình hạn hán khốc liệt khi nhiều hồ đập, giếng đào, giếng khoan đã cạn trơ đáy. Tại xã Ea Sin, địa phương bị hạn nặng nhất, đã có khoảng 500 hộ dân phải “chạy” nước ăn từng bữa. 

Bà Lê Thị Phương (SN 1964, ngụ xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) cho biết: “Từ đầu mùa khô đến nay, tôi phải đi chở nước từ hồ chứa cách khoảng 3-4km về sử dụng. Vì nhà tôi nằm trên đồi cao nên nguồn nước ngầm tụt xuống rất nhanh, hai chiếc giếng khoan trước không sử dụng được nên đã phải khoan chiếc giếng thứ ba. Nước từ hồ về chỉ dùng để tắm rửa, còn ăn uống thì phải mua nước đóng bình”.

Do El Nino tiếp tục hoành hành, dự báo mùa khô năm 2016 sẽ kéo dài hơn 2 tháng so với những năm trước. Nguồn nước hiện có rất hạn chế (nước sông suối, nước ngầm và nước trong các hồ chứa) và đang giảm nhanh trong quá trình khai thác phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Dự kiến đến cuối tháng 3/2016, tình hình khô hạn sẽ xảy ra trên diện rộng với mức độ gay gắt và công tác chống hạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn do không có nguồn nước. 

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Đắk Lắk, số hộ dân thiếu nước sinh hoạt có thể lên con số kỷ lục: Khoảng 25.000 hộ. Để đối phó với tình hình trên, ngay từ đầu mùa khô UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các địa phương rà soát trữ lượng nước trên địa bàn, từ đó có kế hoạch sử dụng nước tiết kiệm, nạo vét kênh mương, đắp các đập tạm để giữ nước.

Trong buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Lắk mới đây về công tác chống hạn trên địa bàn, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cũng đã yêu cầu địa phương phải quyết liệt trong công tác chống hạn để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân. Trong đó, đặc biệt phải ưu tiên nguồn nước cho bệnh viện, trường học và sinh hoạt của người dân.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Y Dhăm Ênuôl yêu cầu các địa phương xây dựng phương án chống hạn; bên cạnh đó cần tăng cường công tác tuyên truyền về hiện tượng El Nino và hạn hán để nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là việc sử dụng tiết kiệm nước trong sinh hoạt và sản xuất; phải thực hiện cấp nước theo thứ tự, ưu tiên nước cho sinh hoạt, sau đó mới đến chăn nuôi và sản xuất; tiến hành rà soát lại việc cấp phát gạo cứu đói cho người dân, kiên quyết không để hộ dân nào bị thiếu đói do hạn hán.

Thực hiện chỉ đạo trên, một số huyện như Ea H’leo, Buôn Đôn, Cư M’gar đã có chủ trương hỗ trợ kinh phí cho người dân nạo vét giếng đào, khoan thêm giếng mới để cung cấp nước tập trung, bảo đảm cho người dân có nước sinh hoạt. Còn đối với địa bàn các thôn, buôn vùng sâu bị hạn nặng, các địa phương chủ động cấp nước bổ sung bằng xe bồn đến các điểm sinh hoạt tập trung để hỗ trợ bà con. 

Đọc thêm