Trải lòng của thiếu phụ vô tình "cưới thêm người chết"

(PLO) - Người phụ nữ đang chịu tiếng 2 “chồng” chua chát nói: “Lúc còn sống, tôi có một chồng. Nhưng khi chết, anh lại “cưới” thêm cho tôi một ông nữa”.
Phần mộ của 2 “người chồng” được chị Hoa cho chôn liền kề nhau
Phần mộ của 2 “người chồng” được chị Hoa cho chôn liền kề nhau

Mất chồng, còn nhận nhầm xác

Sau cơn bão Chanchu năm 2006, cùng một lúc mất đi 3 người đàn ông trụ cột, chị Nguyễn Thị Hoa (SN 1964, thôn Bình Tịnh, Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) còn lâm vào tình thế oái oăm nhận nhầm xác chồng mang về quê chôn cất.
Chị Hoa nằm trong số hơn 20 người của riêng thôn Bình Tịnh thuộc xã Bình Minh có chồng, cha, con không trở về sau chuyến đi biển. Ngày 16/5/2006 mãi mãi không quên trong ký ức góa phụ.
Chị Hoa hồi ức, hôm đó chị đang dọn vườn, bất ngờ nghe người trong thôn chạy ngược xuôi í ới báo tin nhiều ngư dân ở quê đang đi câu mực bị cơn bão Chanchu nhấn chìm ngoài khơi, chồng và 2 con trai chị cũng vậy.
Chồng chị Hoa tên Võ Quang (SN 1962). Anh chị sinh được 5 người con. Cuộc sống người dân miền cát trắng nghèo khó từ lâu đã thành nếp, đàn ông thanh niên cứ theo nhau bám biển mưu sinh, đàn bà con gái ở nhà chợ búa buôn bán lặt vặt.
Gia cảnh nghèo, không đóng được tàu, chồng chị phải “đi bạn” làm thuê. Hai đứa con trai thứ Võ Phúc (SN 1990) và Võ Phương (SN 1994) cũng sớm bỏ học, theo cha ra khơi kiếm tiền. Ban đầu Phúc, Phương vì còn nhỏ nên chỉ nấu ăn cho các thuyền viên. Dần dần quen với sóng gió, hai anh em còn xuống thuyền thúng đi câu mực với cha.
Chuyến ấy ba cha con dự định đi 15 ngày, theo lịch trình câu mực của ngư dân đã sắp về, song không may gặp bão, phải bỏ mạng trên đường vào đất liền trú tránh. Từ hôm nhận được tin, 5 ngày sau, lực lượng chức năng mới tìm thấy được xác của chồng chị Hoa, riêng 2 con trai Phúc và Phương, cho đến nay vẫn vĩnh viễn nằm lại nơi biển cả.
Do còn quá sốc, chị Hoa đành để người thân và con gái đầu ra Đà Nẵng nhận xác chồng mang về. Khi đó, theo mô tả lại, xác chồng chị Hoa cùng nhiều ngư dân xấu số khác đều trong quá trình phân hủy, phải đựng trong bao ni- lon dán kín, vận chuyển bằng tàu từ ngoài khơi vào đất liền.
Mỗi thi thể ngư dân có ghi một mảnh giấy với tên, địa chỉ dán bên ngoài bao. Sau này mới hay, do tấm giấy ghi tên, quê quán của anh Võ Quang bị bong ra rồi dính sang 1 bao ni lông đựng thi thể một ngư dân khác, mới dẫn đến tình thế oái oăm nhận nhầm xác chồng.
Thời điểm con gái và người thân chị có mặt tại cảng cá Đà Nẵng nhận xác, các lực lượng chức năng chỉ căn cứ thông tin ghi bên ngoài thi thể rồi cho gia đình mang “anh Quang” đi an táng. Nhận xong, gia đình chị Hoa cũng như nhiều người khác, tổ chức khâm liệm luôn tại Đà Nẵng.
Vì quá đau lòng, cộng thi thể cũng đã phân hủy nên cũng không một ai dám tới gần quan sát, cứ thế giao hết cho pháp y cho đến khi đưa quan tài về quê làm lễ chôn cất ngay trong đêm.
Chị Hoa dọn dẹp hương khói cho những ngôi mộ người thân tử nạn trong bão Chanchu
Chị Hoa dọn dẹp hương khói cho những ngôi mộ người thân tử nạn trong bão Chanchu
Vừa yên mồ mả mới 1 ngày, bất ngờ gia đình nhận được cuộc điện thoại của một ngư dân ở xã Bình Minh (đi cùng chuyến với cha con anh Quang nhưng may mắn thoát chết) cho biết, anh vừa vào đến bờ và thấy… thi thể anh Quang vẫn còn để trong bao tại Đà Nẵng.
Người này còn khẳng định, khi bão Chanchu ập đến làm chìm tàu, trong lúc vùng vẫy, đầu gối anh Quang bị trầy xước. Chính ngư dân này vớt anh Quang, nhìn thấy rõ mặt và biết được dấu vết này. Khi con gái chị cho biết gia đình vừa nhận xác cha về an táng, anh này lập tức mở bao thi thể kiểm tra và khẳng định, xác anh Võ Quang vẫn đang nằm tại Đà Nẵng, còn người đàn ông mà gia đình đem về chôn cất là… ai đó không rõ.
“Cưới” thêm người chết
Trong lúc tang gia bối rối, vừa đau đớn bởi cùng lúc mất đi 3 người thân, vừa chưa tìm thấy xác con, nay nghe thêm thông tin này, chị Hoa như chết lặng. Tiền bạc đã cạn. “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”, những hộ dân thôn Bình Tịnh hay tin vội đứng ra quyên góp tiền, giúp chị Hoa nhanh chóng ra lại Đà Nẵng đưa thi thể anh Quang về.
Một lần nữa, góa phụ tiếp tục làm lễ chôn cất cho thi thể người chồng thật sự của mình. Khoảng 10h đêm ngày 21/5/2006, xác anh Quang đưa về đến nhà để an táng. Hai ngôi mộ mà chị Hoa đều gọi “chồng tôi” được đặt cạnh nhau.
Về phía cơ quan chức năng, sau khi nghe trình báo lại vự việc, cũng lập tức có mặt, lấy mẫu thi thể của ngư dân nhận nhầm đưa đi giám định. Kết quả xác định, người này tên Thành, quê ở xã Duy Hải (SN 1970, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) có vợ tên Dung.
Qua một thời gian không lâu, cha và vợ của ngư dân Thành cũng đã tìm đến nhà chị Hoa xác nhận người thân mình, song họ vẫn để hài cốt yên đấy chứ không di dời, không còn quay trở lại thăm viếng lần nào nữa. Từ đó, trách nhiệm hương khói, chăm sóc, thờ cúng phần mộ người này đều do chị Hoa đảm trách.
Mỗi khi nhắc lại chuyện oái oăm trên, chị Hoa lại chua chát: “Lúc còn sống, tôi chỉ có một chồng. Ngày chết, anh Quang lại “cưới” thêm cho tôi một ông chồng nữa”.
Chị Hoa tâm sự, sở dĩ nói như vậy vì suốt một thời gian dài, chị đều gặp một giấc mơ lặp đi lặp lại, thấy chồng về báo mộng, người bị nhận nhầm mới thực sự là người chồng chị trong duyên số. Anh ấy vì cứu anh Quang mới bị chết oan, nhưng cuối cùng vẫn được “ông trời sắp xếp để chị nhầm lẫn” rồi đưa xác về lo an táng như người chồng đúng nghĩa.

Sau này nỗi đau nguôi ngoai, bình tâm lại, chị nghĩ, có lẽ do mình bị ám ảnh trong việc nhận nhầm, chồn nhầm xác chồng nên mới có những giấc mơ kỳ quặc như vậy. Đối tượng “thầy” bói chỉ “ăn theo nói leo” chuyện mê tín dị đoan để trục lợi.

“Nghĩa tử là nghĩa tận”, hàng năm chị lấy ngày 19/4 âm lịch hàng năm (tương ứng ngày tàu gặp nạn 16/5) làm ngày giỗ cho cả 4 người. Hiện chị Hoa đã xây dựng 3 phần mộ cho chồng và hai con trai (mộ gió – NV) đàng hoàng.
Riêng “người chồng” nhận nhầm, dù muốn nhưng vì hiểu rõ người này còn có gia đình ở xã Duy Hải gần đó, nên chị chưa dám tự ý dựng bia. Tám năm qua, chị Hoa cho biết, mình vẫn chịu tiếng 2 “chồng” nhưng thấy vui khi được “chung tình” với cả 2 ngôi mộ./.

Đọc thêm