Trạm cân bạc tỷ vừa dùng đã…hỏng?

(PLO) - Giá mỗi trạm cân lên đến 2,2 tỷ đồng, nhưng mới đưa vào khai thác trong thời gian ngắn nhiều sản phẩm đã trở chứng… “lâm bệnh” nặng.
Trạm cân tại đường vào mỏ đá Kiện Khê “lâm bệnh” với sai số vượt quá công bố của nhà sản xuất. Ảnh: V.H
Trạm cân tại đường vào mỏ đá Kiện Khê “lâm bệnh” với sai số vượt quá công bố của nhà sản xuất. Ảnh: V.H
Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nam Nguyễn Quang Tuyển cho biết: “Trong quá trình sử dụng có sai lệnh một số phạm vi giữa hai lần cân. Chúng tôi đang làm văn bản báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam xin ý kiến. Trục trặc liên quan đến sáu cân xách tay đang sử dụng”. 
Đơn vị cung cấp trạm cân cho biết, mỗi bộ trạm cân trị giá 2,239 tỉ đồng, gồm có xe Hyundai 29 chỗ hoán cải  lắp đặt bộ trang thiết bị kiểm tra tải trọng xe (KTTTX), là cân động tốc độ thấp kết hợp cân tĩnh. Cân do một đơn vị thành viên của Hanel sản xuất và lắp đặt, được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường quốc gia kiểm định, có độ chính xác cao, sai số dưới 0,5%, cân được trong mọi điều kiện thời tiết. Trạm KTTTX lưu động được kết nối với trung tâm quản lý dữ liệu của Tổng cục Đường bộ để có thể quản lý dữ liệu cân xe từng ngày và lưu giữ thông tin xe vi phạm.
Nhưng không đúng như “cam kết” của đơn vị sản xuất, trạm cân giá 2,2 tỷ đồng đặt tại đầu đường vào mỏ đá Kiện Khê (tỉnh Hà Nam) lại có nhiều thông số trái ngược. Theo ông Tuyển, đã có sai số giữa hai lần cân xe. “Chúng tôi băn khoăn là có nhiều trường hợp có sai số giữa số cân với phiếu xuất kho. Nhiều tài xế kiến nghị cân lại lần hai, nhưng khi cân thì có sai số giữa phiếu xuất kho với việc cân cụ thể. Có trường hợp chênh nhau từ một đến hai phần trăm. Chúng tôi cũng đã hỏi những trường hợp như vậy thì xử lý thế nào?” - ông Tuyển cho biết.
Một số địa phương khác sau khi tiếp nhận trạm cân cũng đối mặt với nhiều hỏng hóc. Theo đó, tại các trạm cân trên địa bàn tỉnh Phú Yên, các máy tính trong hệ thống trạm cân nhiều lần bị “tắc” vì không thể kết nối được với hệ thống mạng của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Trạm cân tại các tỉnh Thanh Hoá, Đồng Nai cũng “lâm bệnh” dù thời gian đưa vào sử dụng chưa lâu. Đại diện Sở GTVT Thanh Hóa cho hay, nhiều chứng bệnh như chịu mưa kém, nếu sử dụng trong điều kiện trời mưa gió thì bị nhiễu tín hiệu dẫn đến có sai số vượt quá quy định. 
Trả lời báo chí, đại diện Công ty Cổ phần Tự động hóa và Cơ khí điện tử Hanel (đơn vị sản xuất trạm cân) cho biết, đến thời điểm này đã có chín trường hợp cáp bàn cân bị xoắn đứt do thao tác tháo lắp sai hoặc do bị ô tô phanh gấp, xô đẩy bàn cân gây ra. 
Được biết, Hanel là đơn vị được chỉ định thầu cung cấp 67 bộ cân lưu động với tổng mức đầu tư hơn 136 tỉ đồng (gồm 67 bộ cân và 67 ô tô), trong đó giá trị gói thầu 67 bộ cân là hơn 48 tỉ đồng.

Đọc thêm