Trắng đêm 'canh dịch' giữa đại ngàn Trường Sơn

(PLVN) - Ở chốn rừng thẳm hoang vu, hẻo lánh nơi đại ngàn Trường Sơn ấy, họ ép tai, căng mắt từng khắc từng giờ để kiểm soát, ngăn chặn nguồn lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 từ nước ngoài vào Việt Nam.
Bữa cơm lính Biên phòng ăn vội giữa rừng.
Bữa cơm lính Biên phòng ăn vội giữa rừng.

Gần cả tháng qua, những người lính mang quân hàm xanh tại các chốt “canh dịch” của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Bình đã hy sinh hạnh phúc cá nhân, chấp nhận ăn, ngủ giữa rừng để bám sát cả một tuyến biên viễn Việt – Lào rộng lớn.

Từ ngày 18/3, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở các nước trong khu vực và trước dòng người ồ ạt những lao động Việt Nam đổ về hồi hương tránh dịch qua các tuyến biên giới, nhất là trên các tuyến đường mòn, lối mở, Đồn BP Ra Mai (thuộc BĐBP Quảng Bình) đã triển khai phương án mở ngay 2 chốt kiểm soát ngay giữa rừng sâu.

Ở xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình), chốt kiểm soát biên phòng số 2 của Đồn BP Ra Mai chỉ cách đường biên giới Việt Nam - Lào 8km. Tuy nhiên, muốn vào đến chốt, các cán bộ chiến sĩ biên phòng phải đi xe máy hơn 30 phút từ Đồn Ra Mai đến bản Cha Cáp, xã Trọng Hóa, sau đó, gửi lại xe cho dân bản rồi “cắt rừng” đi bộ tiếp gần 1 giờ mới đến điểm cắm chốt.

Từ địa điểm này, lực lượng chức năng có thể kiểm soát được cả 2 tuyến đường mòn từ biên giới dẫn về bản Cha Cáp và cả bản Si của xã.

Nhóm cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát số 2 của Đồn BP Ra Mai.
Nhóm cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát số 2 của Đồn BP Ra Mai. 

Chốt kiểm soát đặt tại những chiếc lều được căng tạm bằng bạt nằm hút mắt giữa rừng. Chiếc võng dù dã chiến cũng là nơi nghỉ lưng sau mỗi ca trực của các cán bộ, chiến sĩ BĐBP đang thực thi nhiệm vụ nơi đây.

Nhóm công tác phải tự phục vụ tất cả nhu yếu phẩm hàng ngày. Nước ăn uống và sinh hoạt đều phải lấy từ khe suối. Cứ vài ba ngày, chốt lại giao nhiệm vụ cho một chiến sĩ cắt rừng đi bộ ra ngoài địa bàn dân cư để mua lương thực, thực phẩm thiết yếu.

Vừa xuyên rừng gần 2 giờ cả đi lẫn về không nghỉ để kịp ca trực, hành trang của thiếu tá Phan Văn Kiên mang về chốt trưa nay là gần 30kg với gạo, thịt, cá khô, rau củ quả… Số thực phẩm này sẽ đủ tạm cung cấp cho 6 người trong chốt trực gồm 4 chiến sĩ BĐBP và 2 dân quân địa phương.

Thiếu tá Kiên kể: “Ban đầu chốt đóng ở 1 nơi khác nhưng vì nước suối đã không nên phải dơi đến địa điểm này. Thời gian này vẫn đang là mùa khô nên nước trong rừng rất hiếm. Cả 6 người trong chốt phải dùng dè sẻn, quý nước từng giọt một”.

Phút nghỉ ngơi ngắn ngủi sau ca trực.
 Phút nghỉ ngơi ngắn ngủi sau ca trực.

Dù chốt đóng tại 1 điểm, nhưng ngày cũng như đêm, các cán bộ chiến sĩ luân phiên đi tuần theo ca tất cả những khu vực có đường mòn trong khu vực rừng biên giới rộng cả chục cây số vuông. Tất cả phải đảm bảo rằng, không để người dân trốn tránh qua biên giới mà không được kiểm soát dịch tễ và khai báo y tế.

“Đêm anh em chỉ chợp mắt được khoảng 3 giờ là phải dậy đổi ca. Biết khó khăn, vất vả nhưng không ai nề hà. Anh em đều giữ vững ý chí để luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, thiếu tá Kiên chia sẻ thêm.

Thượng tá Phạm Minh Dũng - Đồn trưởng Đồn BP Ra Mai cho biết, cùng với việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn ở khu vực biên giới, từ khi dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp và thực hiện chỉ đạo của cấp trên, Đồn đã thành lập 2 chốt kiểm soát biên phòng thuộc địa phận bản Ra Mai và bản Cha Cáp nhằm kiểm soát người dân qua lại trên các tuyến đường mòn, lối mở giữa rừng. Trong đó, chốt kiểm soát BP số 1 ở Ra Mai là điểm xa nhất.

Theo thượng tá Dũng, lường trước những khó khăn của cán bộ cắm chốt, chỉ huy đơn vị luôn quan tâm, động viên, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, tinh thần cho anh em yên tâm thực hiện nhiệm vụ. Hầu hết các cán bộ, chiến sĩ tại chốt đều có năng lực, sức khỏe, có tinh thần, trách nhiệm và có ý chí vượt qua khó khăn.

Mỗi chốt, đơn vị đều trang cấp khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn, máy đo thân nhiệt, tờ khai y tế và sổ theo dõi nhiệm vụ nhằm không để cho bất kỳ người dân nào qua lại mà không có khai báo y tế để phòng chống dịch Covid-19.

Bữa cơm được nấu nướng đơn sơ giữa rừng biên giới.
Bữa cơm được nấu nướng đơn sơ giữa rừng biên giới. 

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, không chỉ ở các tuyến đường mòn, đường tiểu ngạch trên biên giới mà số lượng người Việt hồi hương tránh dịch qua cửa khẩu biên giới đường bộ những ngày qua rất lớn. Việc kiểm soát, phân loại công dân về nước ngay từ biên giới, cửa khẩu là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhằm ngăn chặn từ xa kịp thời nguồn lây nhiễm dịch bệnh có thể xảy ra.

“Những ngày này, cán bộ chiến sĩ tại Cửa khẩu Cha Lo rất vất vả bởi vừa thực hiện nhiệm vụ kiểm soát, phải vừa phục vụ nhu cầu ăn uống cho bà con trong khi chờ đợi làm các thủ tục khai báo y tế, kiểm soát dịch bệnh. Có nhiều ngày, anh em làm một mạch đến 1 – 2h sáng vẫn chưa được nghỉ ngơi để phục vụ bà con”, Thượng tá Phan Thanh Bổng - Đồn trưởng Đồn BP phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo bộc bạch.

Kể từ ngày 18/3, Đồn BP Cửa khẩu quốc tế Cha Lo đã thành lập 4 chốt kiểm soát biên phòng dọc tuyến đường 12A và đặc biệt là khu vực cửa khẩu để kiểm tra, kiểm soát công dân từ nước ngoài trở về nước, kịp thời phân loại, đưa đi cách ly các trường hợp có liên quan dịch bệnh, nhằm giảm áp lực cho các lực lượng chức năng ở tuyến sau trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

“Song song với đó, các cán bộ chiến sĩ BĐBP đã tổ chức cấp phát cơm, nước uống, phục vụ khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn phòng dịch miễn phí và làm nhà bạt cho bà con trong thời gian chờ làm thủ tục nhập cảnh về nước cũng được thực hiện đúng quy định, quy trình, bảo đảm an toàn” – thượng tá Bổng thông tin thêm.

Đọc thêm