Tranh nhau chọn thuốc cho con, vợ chồng dắt nhau ra tòa ly dị

(PLO) -Từ việc chăm sóc con nhỏ bệnh tật, mỗi người một ý, chồng muốn điều trị bằng Tây y, còn vợ muốn điều trị thuốc Nam, mà giữa họ phát sinh mâu thuẫn. Người chồng đệ đơn ly hôn ra tòa, chị vợ “vui vẻ” đồng ý.
Hình minh họa
Hình minh họa

Thế nhưng đã qua hai phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm, họ vẫn chưa thôi giành nhau quyền nuôi con đến mức nổi nóng, lớn tiếng cãi nhau trước tòa. Còn HĐXX ra sức khuyên giải vợ chồng đương sự đừng đem con cái ra tranh giành.

Mâu thuẫn từ việc chăm con

Phiên tòa xét xử vụ ly hôn giữa chị Cao Thị Thu (SN 1975, ngụ quận Long Biên, Hà Nội) với người chồng Nguyễn Hồng Đức diễn ra khá muộn. Ngồi ở hàng ghế ngoài chờ đợi, chị Thu dáng người nhỏ bé, gương mặt hốc hác khoác chiếc ba lô với tập hồ sơ chật cứng. Thi thoảng người phụ nữ ấy thở dài, ánh mắt xa xăm.

Đến giờ xử án, vợ chồng đương sự mỗi người ngồi một đầu ghế, họ không nói với nhau lời nào. Chị vợ kể: Chồng làm ở công ty bảo hiểm xã hội còn mình từng làm kế toán trưởng một công ty nước ngoài. Vợ chồng từng học chung trường, với bốn năm yêu nhau và cái kết là cuộc hôn nhân.

Tổ ấm nhỏ càng sum vầy tiếng cười khi chị sinh hạ bé gái bụ bẫm vào năm 2001. Mười năm sau, anh chị quyết định sinh con lần thứ hai và một bé gái nữa chào đời. 

Không may rằng, con gái út anh chị mắc nhiều bệnh lý khi cơ thể gầy yếu hay ốm đau. Trước đó trong lúc mang thai, chị Thu cũng ốm lên ốm xuống, sinh con xong chị còn 33kg. Con bệnh tật, bản thân cũng đau ốm thường xuyên nên ngoài áp lực cuộc sống, thời gian anh chị gần nhau không nhiều như trước.

Theo lời anh chị, mâu thuẫn vợ chồng khởi phát từ việc chăm sóc con gái út bệnh tật. Trong khi chị muốn đưa con vào bệnh viện nhà nước khám, còn anh chồng muốn đưa bệnh viện tư nhân và yêu cầu chữa bệnh cho cháu bằng thuốc tây.

 Mỗi người đều có những lí do riêng: Chồng thì nói bệnh viện tư chăm sóc tận tình, còn vợ lại bảo vệ: “Cơ sở nhà nước mới an toàn”. Từ những cuộc tranh luận như thế, vợ chồng chị Thu bắt đầu rơi vào cảnh “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”.

Quá trình nuôi con, vợ chồng chị Thu liên tục cãi nhau về phương pháp chăm sóc. Anh cho rằng con gái mắc bệnh cần tiêm thuốc, ăn uống nhiều chất nhưng chị lại kiêng khem chăm sóc theo cách mình. Theo lời chị Thu, có lần anh còn đánh chị vì không chăm con.

“Lúc đó như người sắp chết, nhưng bản năng của người mẹ trỗi dậy, ai mách gì tôi chữa như vậy. May thay, bệnh tôi dần hồi phục. Cũng là lúc tôi biết được chồng có người khác”, người vợ trình bày.

Không khí ngột ngạt ấy diễn ra một thời gian thì anh Đức về nhà bố mẹ đẻ sống. “Chồng dựng chuyện tôi hỗn láo với bố mẹ chồng. Sau đó, anh ấy còn thuê nhà trọ sống cùng một cô sinh viên trước mặt mẹ con tôi. Tôi không đồng ý thì anh ấy càng làm tới. Anh ấy đã vi phạm hôn nhân một vợ một chồng, tôi đề nghị truy tố trước pháp luật”, người vợ trình bày.

Sau những mâu thuẫn không thể hàn gắn, anh Đức nộp đơn ly hôn và được TAND quận Long Biên xét xử. Trong phiên tòa ấy, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến tài sản của vợ chồng chị Thu đều có đơn xin vắng mặt.

Sau khi cả hai bên trình bày những mâu thuẫn, quan điểm từng người, tòa xét thấy không thể hàn gắn nên chấp nhận việc ly hôn của vợ chồng anh Đức. Về phần nuôi con, anh Đức được giao nuôi cháu bé, chị Thu chăm sóc bé gái lớn.

Tranh luận quyết liệt

Sau phiên sơ thẩm, người vợ đã làm đơn kháng cáo với lý do chung chung “mong tòa xem xét bảo vệ quyền lợi” cho mẹ con chị. Tại phiên tòa phúc thẩm, vị chủ tòa nhắc lại lý do kháng cáo và đề nghị bị đơn nêu cụ thể nguyện vọng.

Chị Thu cho rằng vợ chồng không có mâu thuẫn gì lớn, mọi việc xuất phát từ cách nuôi con và chồng có “vợ bé con riêng”. Bản thân chị không muốn ly hôn vì muốn các con có đủ bố mẹ. Nhưng nay nghe chồng vẫn giữ nguyên ý định ly hôn, đã hết yêu thương mình nên chị thuận tình ly hôn nhưng mong muốn được quyền nuôi hai con.

HĐXX hỏi lại bị đơn: “Anh có đánh chị không?”

“Có”, chị vợ đáp.

“Vợ chồng chị tâm sinh lý hài hòa không?

“Không hài hòa lắm từ sau khi sinh con”, chị trả lời.

“Anh ấy có đánh chị, vi phạm hôn nhân một vợ một chồng. Vậy nay chị thấy cả hai còn hàn gắn được không?”, vị chủ tọa hỏi lại lần nữa.

Tần ngần một hồi, chị Thu nói: “Tôi đồng ý ly hôn thưa tòa”.

Tại phiên tòa, chị Thu tiếp tục đưa ra các luận điểm để bảo vệ nguyện vọng muốn nuôi hai con. Chị trình bày có công việc ổn định, đã mua sổ bảo hiểm trị giá hơn 600 triệu đồng để lo cho tương lai các con. Nhưng chị cũng đề nghị chồng phải có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi hai con 5,5 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, nguyên đơn nhất quyết không đồng ý. Anh này phủ nhận những lời của vợ trước tòa. Người chồng cho biết không có chuyện bản thân thiếu trách nhiệm với con cái. Nhưng cách chăm sóc con của chị Thu khiến anh không đồng ý. “Tôi là đàn ông nhưng vẫn thường xuyên tắm cho con. Bé thứ hai đã 5 tuổi vẫn chưa được đi học. Hiện hai cháu đang ở cùng tôi và bà nội. Còn Thu ở một mình, đi làm đến 11h mới về. Không biết làm gì. Hơn nữa, Thu không có nơi ở cố định”, người chồng vẻ bức xúc cho biết. 

Khi được hỏi, người vợ cho biết hiện nay đang sống tại căn nhà trước đây được bố mẹ chồng để lại. Thu nhập chị khoảng hơn 10 triệu đồng/tháng. Mặc dù phải đi làm công việc nhưng chị đảm bảo nuôi được hai con.

“Đừng tranh con như đồ vật”

Trong khi cả hai tiếp tục tranh luận về việc chăm sóc con, vị chủ tọa ngắt lời: “Nay khổ nhất là hai đứa bé, anh chị không phải ra đây để tranh cãi nuôi con như vậy”.

Ngoài ra, HĐXX cũng liên tục ngắt lời đương sự giải thích với vợ chồng anh Đức rằng không phải dựa vào kinh tế mà quyết định ai có quyền nuôi con. Không phải nhiều tiền nuôi con đã tốt, cũng không hẳn nghèo mà không chăm được con:

“Giao cho ai nuôi con không có nghĩa người đó cấm con được gặp bố hoặc mẹ. Hơn nữa, các bên có quyền thay đổi người nuôi dưỡng khi các cháu lớn lên. Bố hay mẹ dù không còn tình cảm với nhau nhưng phải có trách nhiệm với con cái như nhau. Bởi vậy anh chị không nên đem con cái ra tranh cãi từ tòa sơ thẩm lên tới tòa phúc thẩm. Những đứa trẻ cần tình thương chứ không phải món tài sản”, vị chủ tọa chậm rãi khuyên giải.

Tuy nhiên, người chồng cho rằng trong quá khứ vợ từng ngăn cản anh chăm con. HĐXX lại tiếp tục vận động vợ chồng đương sự san sẻ khó khăn trong chăm sóc con cái. Không muốn lựa chọn, nhưng chị Thu nêu nguyện vọng nuôi bé thứ hai vì cháu còn nhỏ, hay ốm đau nên cần sự chăm sóc của người mẹ.

Người chồng lập tức to tiếng phản đối và cho rằng vì người vợ chăm con không tốt nên mới làm đơn ly hôn. Anh muốn được nuôi con gái út: “Cuộc sống bí bách tôi mới phải làm đơn ly hôn. Vụ việc đã kéo dài 3 năm nay. Tòa không biết tôi khổ thế nào. Tôi cho con ăn thì cô ấy còn hắt sữa vào mặt”, người chồng giọng gay gắt. Còn chị vợ tiếp tục “hơn thua”: “Hàng ngày anh ấy thăm con khoảng 1 tiếng đồng hồ”.

Tiếp tục tranh luận, người vợ quay sang hỏi chồng việc có người khác thì anh này từ chối trả lời. “Con ốm đau anh không có mặt. Trong tích tắc tính mạng con có thể bị đe dọa. Lúc đó anh ở đâu?”, người vợ trách móc. Đáp lại, nguyên đơn đáp: “Cô đi làm tới 11h đêm mới về. Câu hỏi đó, lương tâm cô sẽ trả lời”. 

Nghe vợ chồng đương sự lớn tiếng, vị chủ tọa lại phải ngắt lời giải thích: “Tòa đã nói với anh chị bao nhiêu lần. HĐXX đang cố gắng để anh chị thỏa thuận việc nuôi con, không nhất thiết phải lấy con cái ra tranh chấp”.

Đại diện VKS cho rằng mâu thuẫn giữa vợ chồng chị Thu không thể hàn gắn. Đã nhiều lần gia đình và tổ dân phố hòa giải nhưng không thành. Về nguyện vọng nuôi con, cả hai đều có khả năng. Tuy nhiên, xét thấy cháu lớn từng có ý kiến sống với bố, còn cháu thứ hai còn nhỏ nên cần có sự chăm sóc của mẹ, nên đề nghị HĐXX giao cháu cho chị Thu. 

Sau giờ nghị án, HĐXX tuyên chấp thuận vợ chồng đương sự ly hôn, chị Thu được quyền nuôi con gái nhỏ, còn bé gái lớn sống với bố. 

Lúc này, người chồng cho biết sẽ làm đơn kháng nghị giám đốc thẩm. Rời phòng xử án, cả hai bước vội mà không nhìn mặt nhau./.

Đọc thêm