Trẻ bị cha mẹ bạo lực sẽ được cách ly khỏi cha mẹ

(PLO) - Đây là một trong những nội dung của Nghị định 56/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em vừa có hiệu lực ngày 1/7/2017 (sau thời điểm có hiệu lực của Luật Trẻ em 1 tháng).
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, Điều 32 của Nghị định 56 quy định về trường hợp trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi bởi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em; trẻ em bị xâm hại nhưng cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em từ chối thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp hoặc trẻ em bị xâm hại có nguy cơ tiếp tục bị xâm hại bởi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em thì việc tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế sẽ được thực hiện.

Thời hạn tạm thời cách ly được quyết định căn cứ vào đánh giá nhu cầu và môi trường an toàn của trẻ em, được gia hạn, nhưng thời hạn cách ly tối đa không quá 15 ngày trừ trường hợp phải tiếp tục cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Chủ tịch UBND cấp xã nơi trẻ em cư trú hoặc nơi xảy ra trường hợp sự việc là người có thẩm quyền ra quyết định tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em trong vòng 12 giờ tính từ thời điểm tiếp nhận thông tin.

Một nội dung nữa của Nghị định 56 cũng được nhiều người quan tâm là quy định một số thông tin về bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em phải được bảo vệ trên môi trường mạng: tên, tuổi, đặc điểm nhận dạng cá nhân, thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án, hình ảnh cá nhân...

Ngoài ra, những thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em cũng phải được bảo vệ. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên...

Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ trẻ em theo quy định của pháp luật có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ và cá nhân tham gia hoạt động trên môi trường mạng xóa bỏ các thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em để bảo đảm sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em. Những trường hợp trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng cần được áp dụng các biện pháp hỗ trợ, can thiệp.

Về tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em theo quy định của Nghị định 56, bà Nguyễn Thị Nga – Phó Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết, từ năm 2004, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em cũng đã thành lập đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em “Phím số diệu kỳ - 18001567”. Qua hoạt động của đường dây đã tư vấn cho trẻ em và gia đình về việc thực hiện quyền trẻ em, đồng thời thực hiện việc kết nối với các cơ quan Nhà nước và các tổ chức khác để can thiệp và hỗ trợ trẻ em trong các trường hợp cần thiết.

Hiện nay, đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em “Phím số diệu kỳ - 18001567” gồm có 22 nhân viên tư vấn, hoạt động 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần. Tuy nhiên qua khảo sát, còn nhiều người, trong đó có trẻ em, nhất là trẻ em ở các tỉnh, thành còn chưa biết đến đường dây tư vấn này. Luật Trẻ em đã quy định Chính phủ thiết lập tổng đài điện thoại quốc gia thường trực để tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em; quy định quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em.

Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em qua điện thoại do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, hoạt động 24 giờ tất cả các ngày, được Nhà nước bảo đảm nguồn lực hoạt động.

Theo bà Nga, thời gian tới, tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em sẽ được thành lập với 3 số đơn giản, dễ nhớ, tới đây sẽ có phiếu lấy ý kiến trẻ em xem trẻ em muốn gọi số nào. 

Đọc thêm