Trẻ nghỉ học phải tuân thủ điều gì để phòng được dịch do nCoV?

(PLVN) - Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, mục đích của việc cho học sinh nghỉ học nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm, vì thế nếu các gia đình lại cho con đi chơi bạn bè hay hàng xóm… thì không có tác dụng.
Trẻ nghỉ học phải tuân thủ điều gì để phòng được dịch do nCoV?

Tính đến thời điểm này đã có nhiều tỉnh thành cho học sinh nghỉ học để phòng tránh nCoV, tuy nhiên nhiều câu hỏi được đặt ra: cho trẻ ở nhà để hạn chế tiếp xúc hay để đi chơi, trẻ nghỉ nhưng bố mẹ vẫn đi làm thì dự phòng ra sao?

PGS. TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội lưu ý, học sinh được nghỉ học không phải để cách ly (như với những người đi từ vùng dịch về hay những trường hợp tiếp xúc với người bệnh). Trẻ nghỉ học là để giảm nguy cơ lây nhiễm  giống như việc dừng các lễ hội, các hoạt động đông người…

“Đây là biện pháp hạn chế sự tiếp xúc, hạn chế sự tập trung đông người để chẳng may có một người nào đó bị bệnh lây nhiễm tránh một người lây cho 2 đến 5 người và từ đó lan tỏa ra.

Do đó, mình dùng tất cả các biện pháp mạnh mẽ này hy vọng là giảm khả năng lây nhiễm, kiểm soát dịch chứ không phải nghỉ học để cách ly”, PGS. TS Nguyễn Nhật Cảm cho hay.

Tuy nhiên, tình huống đặt ra là dù trẻ được nghỉ ở nhà nhưng bố mẹ vẫn phải đi làm thì làm thế nào để ngăn ngừa lây bệnh cho trẻ?.

Trả lời câu hỏi này, BS. CKII Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho rằng cần tuân thủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Theo đó, khi ra đường, đến nơi đông người phải đeo khẩu trang.

“Những người này, khi trở về nhà cần bỏ khẩu trang, thay quần áo, sử dụng nước súc họng, nhỏ mắt, nhỏ mũi, rửa tay xà phòng…thì mới tiếp xúc với người trong gia đình”, BS Tuấn nhấn mạnh.

Một điểm đáng lưu ý, theo BS Tuấn là mục đích của việc cho học sinh nghỉ học nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm, vì thế nếu các gia đình lại cho con đi chơi bạn bè hay hàng xóm… thì không có tác dụng. Vì thế, BS Tuấn cho rằng biện pháp tốt nhất là để trẻ ở trong nhà, hạn chế tiếp xúc với nhiều người.

Đặc biệt đối với các gia đình ở các khu chung cư cần thực hiện theo các quy định của khu. Đây là những nơi có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao, vì theo BS Tuấn tại đây có mật độ dân cư đông.

Hiện các chung cư ở Hà Nội, theo ông Tuấn, đều đã triển khai các biện pháp phòng ngừa: có dung dịch sát khuẩn rửa tay đặt ngay tại cầu thang, các cầu thang cũng đã được khử khuẩn và lau chùi…

“Đối với người dân khi đi thang máy, tốt nhất không nói chuyện, không nghe điện thoại, không gọi điện thoại và phải đeo khẩu trang… Vì cầu thang máy là nơi tập trung đông người, diện tích hẹp, kín. Dù qua kiểm tra, giám sát cho thấy các khu chung cư làm tương đối tốt công tác phòng dịch.”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về dịch bệnh vào chiều nay 5/2, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng nhấn mạnh, các bậc phụ huynh cần hướng dẫn, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng cho trẻ không chỉ phòng corona mà bệnh khác. Hạn chế không cho trẻ tiếp xúc với nhiều người, đặc biệt người lạ, tập trung đông người. Nếu trẻ có bất kỳ biểu hiện nào (của bệnh viêm phổi do Corona-PV) thì nhất quyết không cho trẻ đi học để tránh cả cho những trẻ khác. “Không nên bắt trẻ 3 tuổi đeo khẩu trang”, thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Thông tin mới nhất Bộ Y tế cập nhật, tính đến 6h00 ngày 6-2-2020, thế giới có 27.602 người mắc nCov, 564 người tử vong, trong đó lục địa Trung Quốc: 562 người tử vong; Phillippines: 1 người và Hồng Kông (Trung Quốc): 1 người tử vong.

Tại Việt Nam đã ghi nhận 10 người mắc nCoV, trong đó 3 ca đã khỏi bệnh và xuất viện.

Đọc thêm