Trịnh Công Sơn và “tấm thịnh tình của người Hà Nội”

(PLO) - Sau thành phố Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, ngày 26/8/2015, Hà Nội chính thức lấy tên Trịnh Công Sơn đặt cho con đường được xem là lãng mạn nhất Thủ đô. Gia đình nhạc sĩ đã cảm kích, đó là “sự tinh tế và tấm thịnh tình” của người Hà Nội đối với cố nhạc sĩ tài hoa.
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Trong lễ đặt tên đường Trịnh Công Sơn mới diễn ra ở Hà Nội, trao đổi với báo chí, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, em gái cố nhạc sĩ cảm kích: 
“Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay, bờ xa mờ gọi / Màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời…” - chọn con đường lãng mạn gần Hồ Tây mang tên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho thấy sự tinh tế và tấm thịnh tình của người Hà Nội đối với anh Sơn. Không chỉ vì anh đã từng viết về hồ Tây, mà chính bởi con người anh Sơn luôn lãng mạn, thích gần gũi với cỏ cây sông nước, những khung cảnh bảng lảng khói sương... Gia đình tôi hết sức cảm kích về việc này”.
Đường Trịnh Công Sơn ở Hà Nội dài 900m, rộng 9,5 - 12,5m, kéo dài từ ngã ba ngõ 612 Lạc Long Quân đến điểm giao cắt với dốc ngã ba đê Âu Cơ, cạnh trường THPT Phan Chu Trinh, quận Tây Hồ. Trước khi được đặt tên chính thức, con đường này còn được nhân dân và giới nghệ sỹ gọi bằng hai cái tên lãng mạn khác là đường Sen Hồ Tây hoặc phố Sâm Cầm Hồ Tây. 
Đường Trịnh Công Sơn ở Hà Nội.
  Đường Trịnh Công Sơn ở Hà Nội.
Con đường an yên, khiêm nhường, nhỏ nhẹ như chính con người và dấu ấn âm nhạc Trịnh Công Sơn. Từ sân bay Nội Bài, qua cầu Nhật Tân, có thể thấy đường bên một ngôi chùa cổ, dẫn tới “Hồ Tây chiều thu mặt nước vàng lay bờ xa mời gọi”. Bên bờ xa ấy của hồ Tây, chính là con đường mang tên Văn Cao tài danh - người bạn vong niên của ông mà ông luôn tôn kính. 
Theo em gái cố nhạc sĩ, con đường đầu tiên trong cả nước mang tên nhạc sĩ là đường Trịnh Công Sơn ở Huế, nằm ven sông Hương thơ mộng, xuôi từ cầu Gia Hội về bến đò Cồn, có sông nước, có công viên, có đôi bờ cỏ cây xanh lá… Tiếc chăng là việc giải tỏa khu vực ven sông chưa được thực hiện như kế hoạch. Con đường Trịnh Công Sơn ở Đà Nẵng tuy không gần sông nước, nhưng có không gian hài hòa và nằm cạnh những con đường mang tên các nhà văn hóa lớn của đất nước. Đường Trịnh Công Sơn tại TP.HCM nằm trong một dự án địa ốc tư nhân ở quận 9, em gái nhạc sĩ tiếc nuối cho rằng, con đường “không phù hợp với phong cách gần gũi của anh Sơn”.
Cùng ngày đặt tên đường Trịnh Công Sơn, Hà Nội đã lắp biển tên Nguyễn Đình Thi cho con phố mới dài 2.200m, chạy vòng quanh Hồ Tây, nối từ vườn hoa Lý Tự Trọng đến ngã ba giao cắt Trích Sài. Cả hai nhạc sĩ đều có những tác phẩm để đời về Hà Nội, đặc biệt là Hà Nội mùa thu. 
Nhạc sĩ họ Trịnh là người Huế nhưng ông đã có những sáng tác bất hủ về thủ đô ngàn năm. Trong đó những giai điệu “Nhớ mùa thu Hà Nội” với “Cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ / Nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thẫm nâu...” đã ăn sâu vào tiềm thức nhiều thế hệ.
Về bài hát này, nhạc sĩ Dân Huyền từng kể: “Sau ngày 30/4/1975 chỉ hơn một tháng, chúng tôi được Đài Tiếng nói Việt Nam cử vào công tác ở Đài Phát thanh Huế. Ngoài công việc hàng ngày, chúng tôi thường hẹn gặp với các văn nghệ sĩ... Những lần gặp gỡ, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hay hỏi về Hà Nội, về những địa danh, những đặc điểm của Thủ đô. Nhạc sĩ Trần Hoàn lúc đó là Giám đốc Sở Văn hóa thường thay chúng tôi trả lời. Từ những lần trò chuyện gián tiếp ấy và sau này được ra thăm Thủ đô, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có một bài hát thật hay về mùa thu Hà Nội”. 
Bài hát ra đời trong sự đón nhận nồng nhiệt của công chúng. Nhạc sĩ từng kể: "Mình rất yêu Hà Nội. Năm 1985 mình cùng ba đồng nghiệp được Bộ Văn hóa Liên Xô mời thăm Liên Xô, khi trở về, mình ở lại Hà Nội luôn một tháng. Mỗi sáng, mình và Thái Bá Vân đi loanh quanh Hà Nội gặp bạn bè. Chiều nào cả hai cũng lên Hồ Tây, nằm bên hồ với chai Ararat, uống lai rai và nhìn bầy sâm cầm đáp xuống bay lên"./.

Đọc thêm