Trở thành phim trường Hollywood, Việt Nam bao giờ “đón sóng”?

(PLO) - Mặc dù đoàn làm phim “Kong: Skull Island” vẫn đang bấm máy ở Việt Nam nhưng đã qua rồi những ồn ào, ngỡ ngàng, tò mò ban đầu để lắng lại câu hỏi: Vẫn biết rằng Hollywood đã và đang là “hãng quảng bá du lịch” hiệu quả nhất thế giới và nhiều quốc gia nơi các đoàn làm phim Hollywood đặt chân tới đã thay đổi diện mạo ngành du lịch đến bất ngờ, nhưng liệu Việt Nam đã và sẽ làm được gì trong “thương vụ” này?
Một cuộc khảo sát thuộc Dự án EU (Liên minh Châu Âu tài trợ) thực hiện năm 2014 vẫn cho thấy chỉ có 6% số khách nói tiếng Anh đồng ý quay trở  lại Hạ Long.
Một cuộc khảo sát thuộc Dự án EU (Liên minh Châu Âu tài trợ) thực hiện năm 2014 vẫn cho thấy chỉ có 6% số khách nói tiếng Anh đồng ý quay trở lại Hạ Long.

5% khách đi du lịch vì phim

Một thống kê cho thấy, trong tổng lượng khách du lịch trên toàn thế giới thì có 5% đi du lịch nhờ sự gợi cảm hứng từ các bộ phim.

Thử làm một phép so sánh đơn giản, sau khi bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” bá chủ phòng chiếu trong nhiều tuần, lượng khách du lịch đến với tỉnh Phú Yên tăng vọt thì không nghi ngờ gì nữa khi các bộ phim của Hollywood thực sự là  “sân khấu” hấp dẫn để các quốc gia quảng bá hình ảnh.

Còn nhớ, ngành du lịch New Zealand kiếm bộn nhờ việc quảng bá hình ảnh qua “Chúa Nhẫn”. Những ngọn núi oai nghiêm, những thung lũng căng tràn nhựa sống, những thác nước đồ sộ… tất cả đều có thể bình thường nhưng một khi đã xuất hiện trong cuộc hành trình của Frodo, Gandalf   trong “Chúa Nhẫn” thì biến thành kỳ ảo khiến khách du lịch xuýt xoa và choáng ngợp.

Cũng tương tự như vậy, “Cuộc đời của Pi” - bộ phim của đạo diễn Lý An đã gợi cảm hứng cho chiến dịch quảng bá “Miền đất của Pi” của Bộ Du lịch Ấn Độ. Lượng du khách tăng vọt dù rằng nếu không có bộ phim thì đất nước Ấn Độ vẫn luôn xinh đẹp, huyền bí và đầy hấp dẫn.  

Người ta nói rằng, trong số những “khách du lịch theo phim” thì người châu Á là những du khách háo hức nhất. Bằng chứng là bộ phim “Lạc lối ở Thái Lan” – một bộ phim rất ăn khách ở thị trường Trung Quốc đã khiến cho người Trung Quốc ồ ạt kéo đến Thái Lan và làm cho ngành du lịch Thái Lan tăng trưởng 10% nhờ bộ phim này vào năm 2013. 

Nước ngoài là vậy, còn Việt Nam thì sao? Những phim nào khiến người ta muốn đến Việt Nam? Trang Charlie On Travel đã chọn ra 4 bộ phim có thể là “đại sứ du lịch” của Việt Nam. Đó là phim “Người Mỹ trầm lặng” (The QuietAmerican) lấy bối cảnh Hà Nội, Sài Gòn, Ninh Bình và Hội An; phim “Áo giáp sắt” (Full Metal Jacket) lấy bối cảnh Huế; phim “Đông Dương” (Indochine) lấy bối cảnh Hạ Long và phim “Người tình (The Lover) lấy bối cảnh Sài Gòn.

Một nhà báo đã từng thống kê phim “Indochine” đoạt giải Oscar cho phim nước ngoài hay nhất năm 1993 có lẽ quảng bá cho du lịch Việt Nam thành công nhất. Năm 1993, khi phim “Indochine” đoạt Oscar cho phim nước ngoài hay nhất thì năm 1995 người Pháp tới Việt Nam du lịch khoảng 110 ngàn lượt, chiếm chừng 9% tổng số khách quốc tế.

Thế nhưng, cũng theo nhà báo này, du lịch Việt Nam chỉ “khởi sắc” trong mắt người Pháp trong đúng năm ấy bởi  khách du lịch từ Pháp sau năm 1995 sụt giảm đáng kể. Lý do thì có nhiều, một trong số đó là hệ thống giao thông tồi tệ.

Giai đoạn ấy, một chuyến đi từ Hà Nội tới Hạ Long thường mất chừng 5-7 tiếng cho chặng đường khoảng 160km, đi từ Hà Nội đi Ninh Bình mất 4 tiếng đã là nhanh lắm. Rồi nạn chèo kéo khách, ăn xin đeo bám…

Giàu cảnh đẹp, nghèo sản phẩm du lịch

Đến nay, giao thông ở Việt Nam có thể nói là đã tương đối ổn, đi Hạ Long mất chừng 3 giờ đồng hồ, Ninh Bình 1 tiếng rưỡi, Hải Phòng cũng vậy, chính quyền các thành phố cũng tuyên chiến và mạnh tay với nạn ăn xin, chèo kéo làm phiền du khách.

Thế nhưng, một cuộc khảo sát thuộc Dự án EU (Liên minh Châu Âu tài trợ) thực hiện năm 2014 vẫn cho thấy chỉ có 6% số khách nói tiếng Anh đồng ý quay trở lại  Hạ Long. 

Tại sao lại như vậy? Có lẽ nào cảnh đẹp Việt Nam kém hấp dẫn đến thế? Theo những người đã từng đi du lịch thì Việt Nam đẹp không thua gì các quốc gia khác, nếu không nói là có phần hơn vì có đủ các cảnh thiên nhiên từ rừng sâu, núi cao cho tới biển xanh cát trắng.

Thế nhưng, “đi du lịch ở Việt Nam buồn lắm, cảnh đẹp vẫn buồn” – một khách du lịch người Mỹ đã nói như vậy vì Việt Nam quá nghèo nàn sản phẩm du lịch, theo người bạn này.

“Với một nơi mà sản phẩm du lịch phổ biến nhất chỉ là ngồi ghế nhựa trên boong tàu ngắm vịnh rồi vào hang xem măng nhũ đá thì 6% có lẽ nhiều” là nhận xét của nhiều người khi biết đến kết quả cuộc khảo sát trên.

Trên thế giới, tấm gương cho việc chính quyền “đón sóng” hãng phim để cùng làm du lịch có thể  kể đến New Zealand và đoàn làm phim “Chúa Nhẫn”. Chính quyền liên bang New Zealand đã chi 150 triệu USD tài trợ cho quá trình sản xuất loạt phim 3 phần này trên tổng kinh phí Chúa Nhẫn là 281 triệu USD.

Khi chính quyền New Zealand quyết định đầu tư cũng đã có nhiều ký kiến cho rằng họ quá liều vì không biết bộ phim có được lòng khán giả hay không, nhưng rồi sự mạo hiểm của chính phủ New Zealand đã mang về thành công lớn cho ngành du lịch của đất nước này khi bộ phim thắng lớn với tổng doanh thu 2,9 tỷ USD. 

Vẫn biết rằng Việt Nam còn nghèo nên việc mạnh tay chi như chính quyền New Zealand  là điều không tưởng. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta thúc thủ và vẫn mãi duy trì sản phẩm du lịch “ghế nhựa ngắm cảnh”.

Được biết, Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện việc xây dựng kênh hình ảnh quảng bá du lịch Việt Nam trên mạng xã hội Youtube tại địa chỉ https://www.youtube.com/c/vietnamtourismmedia và từ nay đến khi bộ phim Kong: Skull Island  - một phim trong loạt 3 phim hứa hẹn sẽ là “bom tấn” làm bùng nổ các phòng vé trên toàn thế giới – công chiếu sẽ là hơn 1 năm nữa.

Chừng đó thời gian có đủ để các nhà làm du lịch từ quản lý nhà nước cho tới đơn vị thực thi thay đổi từ tư duy đến hành động?

Đọc thêm