Tro, trấu hay nước mắt của con đáng sợ hơn?

(PLO) - Khi bài báo này lên khuôn, thì Uyên – người bạn gái tội nghiệp của tôi nhờ sự giúp đỡ của bạn bè đã tìm được một chỗ tạm trú chân để chờ ngày sinh nở. Và đoán chắc rằng, ngày Uyên “vượt cạn” cũng chỉ có bạn bè, khi bố mẹ và em trai cô đã tuyên bố từ cô vì dám đi ngược truyền thống gia đình.

Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Đứa con gái “ngỗ ngược”
Uyên sinh ra trong một gia đình trí thức, bố mẹ đều là giảng viên ở các trường đại học danh tiếng, cậu em trai tu nghiệp tiến sĩ ở nước ngoài về. Duy chỉ có Uyên sức học trung bình nên học trung cấp kế toán, sau ra trường đi làm tiếp tục học đại học tại chức. Vì chuyện học hành này mà Uyên bị cả gia đình mình chì chiết. 
Mỗi khi bực bội, bố mẹ Uyên thường nói: “Nhà có mỗi mày là học dốt, bôi tro trát trấu vào mặt bố mẹ”. Cậu em trai tuy không dám nặng lời với chị như thế nhưng có chuyện gì thường nói: “Chị bằng cấp thế, sao hiểu được”. 
Cũng từ suy nghĩ như vậy mà bố mẹ Uyên thường vồ vập những anh chàng đến với Uyên mà trông có vẻ sáng sủa, học thức, bất chấp tính cách anh ta bủn xỉn, ti tiện, hay cách ứng xử trong cuộc sống của anh ta ích kỷ, đớn hèn, xu nịnh như thế nào. Bố mẹ thường bảo Uyên: “Con thế này, được nó chiếu cố tới là diễm phúc rồi”. Nhưng Uyên nghĩ khác. Cô quan niệm đời chỉ lấy chồng một lần nên lấy cho ra lấy, lấy người tốt bụng, đàng hoàng, đạo đức làm chồng chứ không nhắm mắt vơ đại đàn ông. Thế nên Uyên nhất quyết không nghe theo lời bố mẹ. 
Rồi năm tháng trôi qua, Uyên đã ở vào cái tuổi hơn bốn chục. Tuổi này, Uyên không còn muốn lấy chồng nữa. Cô chỉ thèm một đứa con để có chỗ nương tựa tuổi già. Thế nhưng, khi nói ý định ấy với bố mẹ, họ nhảy dựng lên chỉ tay vào mặt Uyên: “Mày điên à, chúng tao còn sống ngày nào thì mày ráng nhịn ngày ấy đi, chứ đừng bôi tro trát trấu vào mặt chúng tao”. Còn em trai Uyên thì “nhẹ nhàng” khuyên bảo chị: “Chị nghĩ xem, gia đình nhà vợ em sẽ nghĩ về gia phong nhà chúng ta thế nào nếu chị không chồng mà chửa”. 
Nhưng, cũng quyết tâm như những lần “từ chối lấy đàn ông” vào những năm tuổi trẻ, Uyên đã tự giải quyết cuộc sống của mình bằng một cái bụng bầu. Và cô xách va ly ra khỏi ngôi nhà của bố mẹ mình vào một ngày mưa gió để bảo vệ hạnh phúc của mình và để họ khỏi bị “bôi tro trát trấu” vào mặt.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. 
Việc làm “trái tự nhiên”?
Chuyện của Uyên bạn tôi không phải là quá hiếm trong các gia đình nói chung và gia đình người Á Đông nói riêng. Trên thế giới không hiếm để đọc được những dòng tin gây rùng mình như: “Anh trai chặt đầu em gái vì dám yêu người gia đình không ưng ý”, rồi “Bố bỏ mặc con gái chết đuối không cho cứu hộ vì sợ có đàn ông lạ chạm đến người con sẽ mất danh dự gia đình”… Những lý do tôn giáo tín ngưỡng được đưa ra để biện hộ, nhưng sâu thẳm hơn tất cả vẫn là tâm lý người làm cha, làm mẹ khư khư giữ chữ “sĩ” cho riêng mình. 
Mới đây, cộng đồng mạng xôn xao vì lá thư của một người cha gửi cho cô con gái của mình, chỉ vì cô này do sĩ diện đã chối bỏ đứa con đồng tính, đuổi con ra khỏi nhà. Lá thư viết: “Christine thân mến! Là một đứa con gái của ta, con đã làm cho ta thất vọng. Con đã đúng khi nói chúng ta có “một vết nhơ trong gia đình”, nhưng con nhầm lẫn về việc vết nhơ đó đích thực nằm ở đâu. Đuổi Chod ra khỏi nhà đơn giản vì thằng bé nói với con rằng nó gay mới đích thực là việc làm đáng ghê tởm con ạ. Một người mẹ chối bỏ con mới chính là việc làm “trái tự nhiên” đấy. Điều thông minh nhất mà ta thấy con nói ra được chỉ là “con không nuôi dạy con con để nó trở thành người đồng tính”.
Hẳn nhiên rồi. Thằng bé sinh ra đã vậy, nó đâu có được lựa chọn, cũng giống như việc nó thuận tay trái mà thôi. Còn con thì, con chọn làm người khác đau lòng, con thiển cận và lạc hậu. Bởi thế, trong chuyện chối bỏ con cái mà nói, ta nghĩ rằng ta phải nói lời từ biệt với con. Giờ ta đã có một đứa cháu tuyệt vời để nuôi dạy, và ta không có thời gian cho một đứa con gái không có trái tim. Nếu con tìm được trái tim của mình thì hãy gọi điện cho chúng ta nhé. Cha”.
Chọn sĩ diện riêng mình hay chọn hạnh phúc của con?
Ở Việt Nam cũng đã có không ít ông bố, bà mẹ trước sự lầm lỡ của con cái, chỉ vì chữ “sĩ”, khư khư bảo vệ thể diện của mình mà để cho con mình sa ngã thêm hoặc gặp nạn.
Các chuyên gia tâm lý học gia đình nói rằng, chỉ một câu nói bất cẩn của bố mẹ có thể ảnh hưởng rất lớn lên tâm lý của những đứa trẻ. Vì thế, bố mẹ khi giao tiếp với con mình hãy cẩn thận trong việc chọn lời để nói. Các chuyên gia tâm lý cũng đưa ra những kiểu nói mà theo họ, không bao giờ nên để con mình nghe được, trong đó có câu: “Đừng có bôi tro trát trấu lên mặt bố/mẹ!”. 
Theo chuyên gia tâm lý, nói vậy có nghĩa là những người làm bố, làm mẹ đã gián tiếp thông báo cho con mình: “Con là sự xấu hổ của bố/mẹ”. Trẻ em thường nghe những câu như vậy sẽ sống lẩn tránh, khép kín và lạc hướng vì trong suy nghĩ của đứa trẻ không có sự lựa chọn, bởi nó chỉ có thể là sự xấu hổ của người khác. Khi nói như thế với con, bố mẹ đã thật sự làm tổn thương con mình. 

Đọc thêm