Trước mùa thi, khổ vì “thay tên đổi họ”

(PLO) - Mỗi mùa thi đến là một lần các trường học tổng rà soát hồ sơ học sinh, sinh viên. Đặc biệt là các trường Đại học càng đòi hỏi sự chính xác trong hồ sơ giấy tờ đầu vào. Vì nhiều nguyên nhân, tên tuổi của các thí sinh đã không “khớp” với trong hồ sơ nên gây ra nhiều phiền toái, buộc phải cải chính, thay đổi hộ tịch… 
Hình minh họa
Hình minh họa
Ai cũng bảo, cái tên Trần Thị Liền đối với một cô gái trẻ, có nhan sắc lại rất sành điệu như Liền chẳng hợp chút nào. Giữa đám đông, lúc nào Liền cũng nổi bật nhưng cứ đến màn giới thiệu là cô gái lại ngao ngán. 
“Em là Hiền hả, tên hay quá”, nhiều chàng trai săn đón, tán tỉnh. Đáp lại, những người bạn quanh cô lại phải đính chính “không phải Hiền, Liền anh ạ”. Đã là Liền lại còn thêm chữ “Thị” nghe rất “quê”. Liền cũng không hiểu tại sao bố mẹ lại đặt cho cô cái tên ấy, để giờ đây cô phải chịu nhiều mặc cảm giữa chốn thị thành.
Rắc rối vì tự ý đổi tên cho sành điệu
Không biết bằng cách nào, từ năm học lớp 10, cái tên Trần Thị Liền biến mất mà thay vào đó là Trần Thanh Hiền. Với cái tên này, cô gái tự tin hẳn lên. Hồ sơ học bạ từ năm học đó cũng nghiễm nhiên mang tên Trần Thanh Hiền. Ban đầu còn lạ, sau mọi người cũng dần quen với tên mới của cô. Cái tên Liền bị coi là quê mùa cũng dần trôi vào quá khứ.
Nhưng mọi chuyện phát sinh vào kỳ thi đại học cuối cấp. Trong khi giấy khai sinh của Liền vẫn mang tên Trần Thị Liền thì chứng minh nhân dân, học bạ... của cô lại mang tên Trần Thanh Hiền. Đó là chưa kể, sau kỳ thi tốt nghiệp, đối chiếu với tên họ đang dùng, cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp cho cô tấm bằng tốt nghiệp phổ thông mang tên mới. 
Lúc này, Liền mới cuống cuồng đi xin “trả lại tên cho em”. Nhưng vấn đề cô cũng không biết bắt đầu từ đâu, xin điều chỉnh học bạ, chứng minh nhân dân... hay làm lại giấy khai sinh? Chỉ biết, thủ tục hành chính thì vô cùng rắc rối, mất thời gian, còn kỳ thi Đại học lại đang đến rất gần.
Phải chính xác tuyệt đối
Trường hợp của Liền không phải là hy hữu khi vì nhiều lý do, dữ liệu hộ tịch (họ, tên, chữ đệm, ngày tháng năm sinh, dân tộc...) trên các loại giấy tờ liên quan đến một cá nhân không thống nhất, không giống bản chính giấy khai sinh. Trong khi theo quy định của pháp luật, giấy khai sinh bản chính là giấy tờ hộ tịch gốc mà tất cả các giấy tờ khác phải tuân theo. 
Do đó, chỉ cần một sai sót nhỏ (như sai ngày tháng năm sinh, sai họ tên chữ đệm, thậm chí chỉ là một dấu phẩy...) cũng sẽ dẫn đến những hệ lụy vô cùng phiền toái. Những trường hợp như Liền thì có thể không được dự thi Đại học, không được nhập học, nhiều trường hợp khác thì không được giải quyết các chế độ, chính sách... đó là chưa kể vô số những phiền toái thường ngày khi mà giấy khai sinh một đằng, các giấy tờ khác một nẻo. Đơn giản bởi những người này không chứng minh được “mình là mình mà không phải là người khác”.
Cũng theo các quy định pháp luật về hộ tịch, cá nhân có quyền được cải chính hộ tịch trong một số trường hợp. Tuy nhiên, trường hợp như của Liền nói trên thì không thuộc trường hợp được cải chính giấy khai sinh (vì giấy khai sinh là đúng), do đó phải cải chính các giấy tờ khác không giống với giấy khai sinh như chứng minh nhân dân, hộ khẩu, học bạ... 
Pháp luật cũng quy định, nếu dữ liệu hộ tịch trên các giấy tờ khác mà không đồng nhất với giấy khai sinh thì phải sửa theo giấy khai sinh (ví dụ bằng học bạ sai thì trách nhiệm sửa đổi sẽ thuộc về ngành giáo dục, chứng minh nhân dân sai thì ngành Công an phải sửa). 
Quy định là như vậy, nhưng trên thực tế để chỉnh sửa những sai sót này không phải dễ dàng vì liên quan đến nhiều thủ tục hành chính, mất rất nhiều thời gian, công sức. Để tránh những phiền lụy không đáng có, các cán bộ tư pháp khuyến cáo người dân cần tuyệt đối tuân thủ theo đúng các dữ liệu đã ghi trên giấy khai sinh bản gốc. 
Nếu có muốn thay đổi, cải chính thì phải được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Không nên tự ý thay đổi bất cứ chi tiết nào dù là nhỏ nhất, bởi kéo theo đó rất nhiều rắc rối phức tạp, thậm chí gây ra hậu quả không thể khắc phục. Đồng thời, trong giải quyết yêu cầu cho người dân hàng ngày, cán bộ cơ sở cũng cần nâng cao trách nhiệm, tránh những sai sót theo kiểu “sai một ly, đi một dặm”...
Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân
Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung ghi về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.
(Khoản 2 Điều 5 Nghị định 158/CP về đăng ký và quản lý hộ tịch)

Đọc thêm