Truyền thông và chuyện "bắt" bác sỹ trong nhà nghỉ

(PLO) - Một câu chuyện tưởng chừng như đơn giản: Một phó Giám đốc bệnh viên bị công an lập biên bản vì có mặt trong nhà nghỉ với “một người phụ nữ không phải là vợ, không phải là họ hàng”, rốt cuộc chỉ sau vài ngày qua công cụ search google đã cho gần 1 triệu kết quả tìm kiếm.
Đang điều tra
Thông tin mới nhất mà phóng viên PLVN xác nhận được vào cuối giờ chiều ngày 4/12/2014 từ Công an TP. Hà Nội là vụ việc đang trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra chưa thể cung cấp thông tin gì thêm.
Trong khi đó, từ thực tế sinh hoạt tại khu vực bệnh viện E (Quận Cầu Giấy, Hà Nội), tường thuật của phóng viên cho hay, gần như mọi người đều cười mỉm khi nghe đến sự kiện này, tỏ vẻ không quan tâm và cũng không thèm bình luận khi được hỏi tới.
Trước đó, ngày 25/11, PGS. TS Lê Ngọc Thành - Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện E trung ương trao đổi với báo chí, ngày 24/11, bác sỹ Lê Quốc Việt - Phó Giám Đốc của bệnh viện đã bị công an thành phố phát hiện tại một nhà nghỉ trên phố Phạm Tuấn Tài (Cầu Giấy, Hà Nội). Đảng ủy và Ban Giám đốc bệnh viện E Trung ương đã phải đứng ra bảo lãnh cho ông Việt.
Về lý do ông Việt bị bắt, ông Thành thông tin, phía công an cho hay, trong giờ hành chính ông Việt vào nhà nghỉ với một phụ nữ không phải họ hàng, cũng không phải là vợ. Được biết, khi kiểm tra nhà nghỉ đó, công an phát hiện có 4 đôi như vậy và ông Việt là một trong bốn trường hợp đó.
Giám Đốc Bệnh viện E trung ương cho biết: “Trước hết, chúng tôi để cho đồng chí Việt có báo cáo giải trình sự việc. Sau đó, Đảng ủy và Ban Giám đốc bệnh viện sẽ họp, đưa ra hình thức xử lý”.
Trong khi đó, bác sỹ Việt trần tình: “Tôi vẫn đang ngồi trên ghế, quần áo đàng hoàng, cửa không cài khóa, còn cô ấy đang nôn trong nhà vệ sinh”. Với lý do người phụ nữ trong phòng không phải là vợ, là họ hàng công an phải lập biên bản và yêu cầu lãnh đạo cơ quan đến bảo lãnh. Tới 14h30’ ngày 24/11, bệnh viện đã cử 5 người gồm Phó Giám đốc phụ trách, Phó Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp và Trưởng khoa Chẩn  đoán hình ảnh tới bảo lãnh.
Ông Việt cũng cho hay ông phải hủy chuyến công tác tại Hà Giang vào ngày 25/11 để ở lại tường trình theo yêu cầu của ban giám đốc bệnh viện vì sự việc này.
Thư của vợ bảo vệ chồng
Ngày 3/12/2014, sau nhiều ngày im lặng, vợ của bác sỹ Việt đã lên tiếng trong một lá thư đầy trăn trở gửi báo Sức khỏe và Đời sống. Thư viết: “Tôi là T.V.A, một cán bộ làm trong môi trường giáo dục, vợ bác sĩ L.Q.V, Bệnh viện E mà báo chí đang đăng tải.
Tôi có lẽ là người chịu áp lực nhất sau chồng tôi khi sự việc xảy ra. Tôi gửi tới quý báo sự suy nghĩ của mình vì quý báo thường nói đến ngành y.
Tôi biết câu chuyện của chồng tôi khi có ai đó đã báo cho tôi biết. Tôi nhận tin đó thấy đắng lòng. Tôi gắng chịu đựng chờ chồng về để hỏi cho rõ. Chồng tôi thường ngày về rất muộn, khoảng 21 giờ vì anh ấy đang học, hôm đó cũng vậy. Tôi hỏi chuyện đó. Anh ấy nói: Có sự việc đó như vậy và kể cho tôi câu chuyện xảy ra và nói rằng:“Chắc em không tin, nhưng chỉ có vậy, phải chờ kết luận thôi em à. Bọn trẻ biết thì gay”.
Chúng tôi cưới nhau đã 18 năm. Tôn trọng nhau. Hiểu công việc của nhau. Chúng tôi thường chia sẻ thông tin về bạn bè thân của nhau giữa hai bên cơ quan. Tất cả các anh chị bên bệnh viện mà chồng tôi quý mến tôi đều biết và nhiều lần đến chơi. Chúng tôi không hay bàn luận các công việc của cơ quan.
Trước khi xảy ra sự việc, tôi đã chuẩn bị mọi thứ cho chồng để anh ấy đi công tác Hà Giang 5 ngày. Nhưng khi sự việc xảy ra, anh được yêu cầu ở lại. Tôi đề nghị chồng tôi đưa tôi đến bệnh viện để chia tay đoàn và tặng quà cho bệnh nhân ở Hà Giang (khoảng 4 giờ 30 sáng hôm sau). Hôm đó chồng tôi vẫn đi làm như bình thường. Hôm sau, báo chí đưa tin dù bản tường trình của chồng tôi vẫn chưa viết.”.
Bức thư dài kết lại bằng một câu hỏi nhức nhối: “Trong cuộc sống, nên xử sự một cách có văn hóa tất cả mọi việc. Nếu mất niềm tin thì chúng ta xây dựng xã hội bằng gì?
Một cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về Trật tự xã hội (PC45), Công an Hà Nội cho hay: “Vụ việc này do chúng tôi thực hiện. Tuy nhiên, chúng tôi không cung cấp thông tin này cho bất cứ báo nào, không hiểu sao báo chí lại biết và đưa tin về vụ việc này”?
Bác sĩ Việt kể lại: “Sau khi lập biên bản xong các anh công an bảo tôi gọi điện về cơ quan để báo đại diện cơ quan đến để bảo lãnh mới cho về. Thấy vậy tôi bảo tôi chỉ có số của chị trưởng phòng tổ chức, họ lại hỏi tôi “có số giám đốc bệnh viện không?”, tôi nói không nhớ. Thấy vậy, người công an bấm máy gọi điện cho anh Thành - Giám đốc BV - để đến bảo lãnh cho tôi về, mặc dù tôi không vi phạm cái gì”.
Những thông tin được báo chí đăng tải có thể phần nào lý giải được "những cái mỉm cười đầy ẩn ý" của những người bán nước trước cổng bệnh viện E khi PV PLVN luật đến tìm hiểu về sự việc này./.
Sao phải điều tra?
Theo pháp luật, bắt, tạm giữ, tạm giam là biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ Luật tố tụng hình sự. Để bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về thân thể công dân, điều 6 Bộ Luật này quy định: “Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Toà án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải theo quy định của Bộ luật này….”.
Theo điều 81 Bộ Luật Tố Tụng Hình sự thì việc bắt người phạm tội quả tang như sau: “Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt, cũng như người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản và giải ngay người bị bắt đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền”.

Đọc thêm