Truyền thuyết ly kỳ về điềm báo 'mệnh đế vương'

(PLO) -Lý Thái Tổ - Vị vua sáng lập vương triều Lý - là một nhân vật có nhiều điều bí mật mà sử sách chưa thể khám phá cho tỏ tường, từ xuất thân mờ ảo cho đến những giai thoại, truyền thuyết ly kỳ về điềm báo “mệnh đế vương”.
Vua Lý Thái Tổ (Hình minh họa )
Vua Lý Thái Tổ (Hình minh họa )

Lý Thái Tổ tên thật là Lý Công Uẩn, người châu Cổ Pháp, lộ Bắc Giang (nay thuộc Thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) sinh ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất (974) tại chùa Ứng Tâm, châu Cổ Pháp. 

Vị hoàng đế “ứng mệnh trời”

Ông là vị vua có lý lịch xuất thân mờ ảo nhất; chính sử cho biết mẹ ông họ Phạm nhưng không ghi tên là gì, còn theo dã sử và giai thoại dân gian bà tên là Phạm Thị Ngà, người làng Dương Lôi, hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp, sau khi lên ngôi ông đã truy phong bà làm Minh Đức thái hậu.

Thân sinh của vua không rõ tên, chỉ biết rằng năm Canh Tuất (1010) được vua tôn phong làm Hiển Khánh Vương, còn trong dã sử và giai thoại dân gian có nhiều thuyết kỳ lạ về việc ai là cha của Lý Thái Tổ, như lời đồn đại rằng Lý Công Uẩn chính là con đẻ của sư Khánh Văn.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết một thuyết khác: “Mẹ vua đi chơi chùa Tiên Sơn cùng với thần nhân giao cấu rồi có chửa, sinh ra vua ”, sách Việt sử tiêu án thì viết:  “Bài ký ở chùa Tiên Sơn có nói: thái hậu cảm tinh anh của Bạch Hầu mà sinh ra vua,…

Ngoại truyện lại nói: Mẹ vua năm 20 tuổi nghèo hèn không có chồng, nương tựa người lão Sa môn ở chùa Ứng Thiên, làm việc thổi nấu, khi lửa tắt bà đang ngủ lơ mơ, lão Sa môn ngẫu nhiên chạm phải, giật mình trở dậy rồi có thai mà sinh ra vua…Thế thì thật không biết người nào là cha vua nữa”.

Lý Thái Tổ được tôn lên làm vua tháng 10 năm Kỷ Dậu (1009) lấy niên hiệu là Thuận Thiên trong suốt thời gian ở ngôi của mình. Triều đình “dâng tôn hiệu là Phụng thiên chí lý ứng vận tự tại thánh minh long hiện duệ văn anh vũ sùng nhân quảng hiếu thiên hạ thái bình khâm minh quang thạch chương minh vạn bang hiển ứng phù cảm uy chấn phiên man duệ mưu thần trợ thánh trị tắc thiên đạo chính hoàng đế”.

Khi lên ngôi, Lý Thái Tổ vẫn dùng quốc hiệu Đại Cồ Việt, còn kinh đô, ban đầu ông vẫn đóng đô ở Hoa Lư, đến năm Canh Tuất (1010) thì dời đô về về Đại La (Hà Nội ngày nay), tương truyền khi đoàn thuyền đến đỗ bên bờ sông Hồng thì “có rồng vàng hiện ra ở thuyền ngự” vì thế vua đã đặt tên cho kinh đô mới là Thăng Long. Ông ở ngôi báu 18 năm rồi bị bệnh mất ngày 3 tháng 3 năm Mậu Thìn (1028), thọ 55 tuổi. 

Đánh giá về Lý Thái Tổ, sử sách ca ngợi rằng: “Vua ứng mệnh trời, thuận lòng người, nhân thì mở vận, là người khoan từ nhân thứ, tính ôn nhã, có lượng đế vương. Song chưa rõ chính học, ưa thích dị đoan, đó là chỗ kém… Lý Thái Tổ dấy lên, tự trời báo điềm tốt hiện ra ở nét cây thiêng.

Có đức tất có ngôi, bởi vì lòng người quy phụ, lại nhằm lúc Ngọa Triều hoang dâm bạo ngược mà Lý Thái Tổ thì vốn tiếng khoan nhân, trời tìm người làm chủ dân, dân theo về người có đức, trừ Lý Thái Tổ ra thì còn ai hơn nữa! Xét ra vua nhận mệnh sâu sắc lặng lẽ, dời đô yên nước, lòng nhân thương dân, lòng thành cảm trời, cùng là đánh dẹp kẻ phản loạn, Nam Bắc thông hiếu, thiên hạ yên lành, truyền ngôi lâu đời, có thể thấy là có mưu  lược của bậc đế vương” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Sách Việt giám thông khảo tổng luận thì viết về sự nghiệp của vua như sau: “Lý Thái Tổ nhân Ngọa Triều thất đức, hiệp điềm tốt, sét đánh thành chữ, ứng mệnh trời thuận lòng người, thừa thời mở vận; có đại độ khoan nhân, có quy mô xa rộng, dời đô định vạc, kính trời yêu dân; tô ruộng có lệnh tha, phú dịch có mức độ; Bắc Nam thông hiểu, thiên hạ bình yên”.

Được vợ chồng lão nông cứu khỏi sự truy sát

Tương truyền một năm nọ ở vùng Hoa Lư nước sông dâng lên cao, đe dọa đến mùa màng, triều đình liền huy động phu tráng ở nhiều nơi đi hộ đê. Bấy giờ Lý Công Uẩn đang ở tuổi trưởng thành và vẫn chỉ là người dân thường, cũng tham gia việc hộ đê; thấy đám phu nặng nhọc khuân vác từng cây tre, thanh gỗ ông tức mình nói lớn: - Các anh hãy nghỉ tay một lát, cứ để đó tôi làm thay cho!

Nói rồi nhanh nhẹn bó tre, gỗ thành từng bó lớn vác lên vai đi thoăn thoắt, ném cả xuống sông kè ngăn dòng nước, gây thành con sóng lớn động đến cả hoàng cung. Bấy giờ vua Lê Đại Hành bị đau mắt nặng, chữa mãi không khỏi, một đêm lại nằm mơ thấy có người đến nói rằng: - Ở Cổ Pháp có họ Lý là quý nhân, sau này sẽ cướp ngôi, phải trừ sớm đi

Tỉnh dậy thấy tâm xáo động, lại nhớ tới lời tâu của đại thần cho biết trong dân gian đang lưu truyền câu sấm: Ta trong hạt mận sinh ra. Lấy làm lo ngại về điềm lạ này có liên quan đến người họ Lý, vua truyền thầy bói vào cung gieo quẻ, thầy bói nói trong đám dân phu có kẻ ném tre xuống sông lấp mất mắt rồng, cần bắt chém đầu thì mọi chuyện sẽ yên. 

Hay tin triều đình đang lùng bắt người tình nghi, Lý Công Uẩn vội bỏ trốn về quê, đi đến đâu lại có đám mây ngũ sắc bay theo như một tán lọng che trên đầu. Quan quân đuổi gấp theo, bỗng có hai con chim hạc xuất hiện múa rất đẹp, họ liền đứng lại xem, Lý Công Uẩn nhân thế chạy thật xa. 

Cổng đình làng Tam Tảo nơi thờ vợ chồng ông Trần Qúy (Hình minh họa )
Cổng đình làng Tam Tảo nơi thờ vợ chồng ông Trần Qúy  (Hình minh họa )

Một lúc sau quân lính lần theo vết chân đuổi tiếp, Công Uẩn chạy đến một cánh đồng ở làng Tam Tảo (nay thuộc xã Phú Lâm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) gặp vợ chồng ông lão đang cày ruộng bèn kể sự tình, xin được giúp đỡ. Bà lão liền lấy bùn đất vẩy khắp người Công Uẩn rồi đưa trâu bảo đi cày, còn ông lão vác cuốc đi xóa các vết chân. Lính đến hỏi, ông lão nói:

- Từ sáng đến giờ chỉ có vợ chồng tôi và đứa con làm ruộng ở đây, chứ không thấy ai qua lại.

Đợi quan quân bỏ đi chỗ khác, vợ chồng ông lão đưa Lý Công Uẩn về nhà cho ăn cơm. Sau đó họ đào một cái hầm dưới gốc cây mận trong vườn để người chạy nạn ẩn dưới đó, lấy ván đậy lại rồi để lên trên mấy vại nước. Một lát sau quân lính ập vào nhà, ông lão bèn chỉ cây mận mà nói: - Lý đây! Còn Lý nào nữa thì các cậu ra sông mà tìm (theo chữ Hán, Lý = mận).

Không tìm được, quân lính về tâu trình, vua Lê Đại Hành xem quẻ, thầy bói nói rằng: - Tâu bệ hạ, người này đang ở dưới nước. Tin rằng kẻ cần bắt đã chết đuối, vua hạ lệnh không truy lùng nữa. 

Đền ơn cứu mạng

Sau này khi lên ngôi, nhớ ơn cứu mạng năm xưa, Lý Thái Tổ đã phong ông già làm Phụ Quốc đại vương, bà vợ được phong là Vương phi. Đến khi hai người mất, vua truyền cho dân địa phương lập đền thờ ngay tại nền nhà cũ của vợ chồng ông lão ân nhân.

Trên đây là những chi tiết được ghi trong sách Đại Nam nhất thống chí được biên soạn dưới triều Nguyễn. Còn theo truyền tụng tại Từ Sơn (Bắc Ninh) thì chuyện này xảy ra dưới thời Lê Ngọa Triều; lúc đó thiên hạ đồn đại nhiều về những câu sấm truyền “Nhà Lê sẽ mất, họ Lý lên thay” vì thế vua Lê Ngọa Triều rất lo lắng sai người đi lùng bắt, giết chết những người họ Lý.

Tương truyền Lý Công Uẩn được mẹ báo mộng khuyên trốn sang vùng Tam Tảo lánh nạn, trên đường chạy trốn được vợ chồng lão nông tên là Trần Qúy, Phương Dung đang cày ruộng bất chấp nguy hiểm đem về nhà đào hầm che giấu vì thế quân lính đến nơi lùng sục mãi mà không bắt được đành theo quan chỉ huy quay về, vì thế chỗ đó sau được gọi là Hồi Quan (nay thuộc xã Tương Giang, TX Từ Sơn, Bắc Ninh).

Theo bản thần tích đền Hộ Quốc thì vào cuối triều Tiền Lê, nhân lúc triều đình suy yếu, trăm họ oán thán, Lý Công Uẩn làm binh biến nhưng thất bại phải chạy từ Hoa Lư về Kinh Bắc, đến trang Tam Tảo thì được ông Trần Qúy và vợ là Đặng Thị Phương Dung cứu thoát nạn. Đến khi lên làm hoàng đế, Lý Công Uẩn phong cho ông Trần Qúy là Phụ Quốc tán hộ vệ dực bảo quốc và vợ là Đặng Thị Phương Dung là Hoàng Thái hậu. Ngôi nhà của ông bà sau được dựng thành đền gọi là đền Hộ Quốc (đền giúp nước) để thờ phụng ân nhân của vua.

Hàng năm cứ đến ngày mồng 10 tháng 2 âm lịch dân làng lại tổ chức hội và làm lễ tế để kỷ niệm ngày sinh của ông bà Trần Qúy; đến ngày mồng 1 tháng 4 âm lịch thì tổ chức tế lễ kỷ niệm ngày “hóa” của ông bà với nghi thức trang trọng, quy mô.

Vào những ngày này, các làng xã ở Dương Lôi, Tiên Sơn, Đình Bảng… đều phải “gửi giỗ và ăn giỗ”; triều đình cũng cử quan quân về cùng dân làng làm giỗ vì thế ngôi đền Hộ Quốc còn được gọi là “Quốc tế từ”.../.

Đọc thêm