Từ chuyện một cử nhân Luật hành nghề... hút hầm cầu

(PLO) - Mới đây, nhật kí của một chàng cử nhân luật tốt nghiệp xong phải đi làm nghề hút hầm cầu chia sẻ trên mạng xã hội gây xôn xao dư luận. Điều đáng buồn là giờ đây, không ít cử nhân cầm tấm bằng ra trường nhưng phải lao động chân tay để mưu sinh.
Rất nhiều cử nhân ra trường vẫn duy trì nghề PG thời vụ vì mức thu nhập cao
Rất nhiều cử nhân ra trường vẫn duy trì nghề PG thời vụ vì mức thu nhập cao 
Cử nhân luật “đầu quân” công ty vệ sinh
Tuấn- anh chàng cử nhân Đại học Luật TP. HCM đã trải qua những ngày tháng cực kì vất vả sau khi cầm tấm bằng tốt nghiệp ra trường. Xin mãi không được việc đúng chuyên môn, trong lúc cần phải có tiền để sống, Tuấn đã xin vào công ty môi trường đô thị với công việc… hút hầm cầu. 
Đó là những ngày dầm mưa dãi nắng, chấp nhận làm việc nặng nhọc, đối mặt với mùi hôi thối, cảm giác bị sốc những ngày đầu làm việc, rồi sự buồn phiền của gia đình, ánh mắt thương hại của bạn bè và cả lời chia tay của bạn gái vì chê Tuấn là chàng trai “không có chí tiến thủ”. 
Tuấn tâm sự, dẫu biết nghề nào cũng là lao động chân chính, làm ra đồng tiền từ chính sức lao động của mình không có gì phải xấu hổ, nói là nói thế, nhưng không tránh khỏi ngậm ngùi. Vì bất đắc dĩ, Tuấn đành phải lấy nghề này nuôi thân, ôm mộng ngày nào đó sẽ trở thành một giảng viên luật như mơ ước từ lâu.
Với Thanh Hương - cựu sinh viên Khoa Du lịch của Đại học Văn Hiến cũng rơi vào cảnh ra trường không xin được việc đúng nghề.  Từ hai năm cuối đại học, với ngoại hình cao ráo, Hương thường tham gia làm PG (nghề quảng bá thương hiệu - Promotion Girl) cho các buổi ra mắt sản phẩm, làm khánh tiết ở nhà hàng tiệc cưới. 
Ra trường, trong nửa năm mà cô chuyển đến 3 công việc, chỗ thì lương quá thấp, chỗ thì phải di chuyển nhiều quá vất vả, chỗ lại không đúng chuyên môn. Cuối cùng, Hương tiếp tục tham gia nhóm PG đi “đánh thuê” cho các sự kiện. Hương kể, trong nhóm PG gồm 20 người mà Hương đang tham gia (do một cựu sinh viên Đại học Kinh tế TP HCM lập ra) thì hơn 1/3 là cựu sinh viên. 
Một bài toán Hương đưa ra để chứng minh lý do vì sao cô neo lại với nghề: một buổi làm PG trung bình từ 4 trăm đến 1 triệu đồng tuỳ sự kiện. Một tháng trung bình cả nhóm phân đều ra, mỗi người nhận khoảng 10 - 20 sự kiện, thu nhập trên dưới chục triệu đồng, so với đồng lương sinh viên mới ra trường vài ba triệu quả là chênh lệch. 
Tuy nhiên, Hương nói, công việc cũng không hào nhoáng và dễ dàng như bên ngoài nhìn vào đâu. Có những hôm, chân sưng phồng khi mang giày cao gót đứng cả ngày, có lần ngất xỉu vì đứng nắng suốt từ sáng đến chiều, rồi nhịn đói, nhịn khát… là những điều mà PG nào cũng đã trải qua. Khi được hỏi, nghề PG chuộng trẻ đẹp, vài năm nữa, qua tuổi nghề sẽ ra sao, Hương chỉ biết nói: “Chắc là… lúc đó hãy tính chuyện đổi nghề (!)”.
Đừng so thu nhập của việc thời vụ với nghề nghiệp có tính lâu dài
Đứng bán hàng trong những cửa hàng thức ăn nhanh không chỉ có những bạn trẻ tốt nghiệp phổ thông xong không học lên nữa. Những cửa hàng McDonald, KFC, Lotteria, Jollibee… là điểm dừng chân tạm của không ít tân cử nhân. 
Nhiều bạn trẻ gắn bó với nghề phục vụ thức ăn nhanh từ lúc còn ngồi trên giảng đường đại học, đến khi ra trường, xin không được việc làm, tiếp tục duy trì để đủ sống cho đến ngày tìm được con đường mới mẻ và phù hợp hơn. 
Anh Tú-sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, chỉ vì cái “nấn ná” ấy mà hai năm sau khi ra trường, vẫn là anh chàng phục vụ cho cửa hàng KFC. Mới đây, Tú xin được việc trong một công ty tổ chức sự kiện, chính thức chấm dứt thời gian “làm bạn với đồ chiên, tất bật với dầu mỡ” như cậu tự đùa.
Trong những thành phố rộng lớn, vẫn còn rất nhiều tân cử nhân vất vả mưu sinh với những công việc trái nghề, những việc lao động chân tay, nặng nhọc như: phục vụ cà phê, giao nhận hàng, xe ôm… 
Có nhiều lý do để họ sau khi nhận bằng cử nhân, thậm chí có nhiều tấm bằng khá, vẫn không tìm được chỗ đứng thích hợp trong thị trường lao động. 
Đó có thể là do sự thiếu chuẩn bị những bước đệm cần thiết từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đó cũng có thể là do sự “ngả nghiêng”, thiếu niềm tin vững chắc khi đem thu nhập của những công việc thời vụ so sánh với nghề nghiệp có tính lâu dài. Hoặc, cũng có thể là do một chút thiếu may mắn.
Nhưng dù thế nào đi nữa, trong muôn nẻo mưu sinh, kết quả thế nào đều do cách mà mỗi người lựa chọn. Hoặc tự điều chỉnh mình để tìm ra con đường đi phù hợp với chuyên môn và mục tiêu sống, hay chấp nhận sự rẽ ngang chỉ để duy trì "miếng cơm manh áo” mỗi ngày...

Đọc thêm